Hay đau thắt ngực có phải bị bệnh tim mạch?
Đau ngực không phải lúc nào cũng là bệnh tim mạch, cần nhận diện và phân biệt đúng cơn đau ngực để điều trị hiệu quả.
Ba tôi năm nay 60 tuổi, lâu lâu hay bị đau thắt ngực nhưng đi khám bệnh tim mạch thì không có vấn đề gì. Vậy đau ngực có còn do nguyên nhân khác không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Hải An, 42 tuổi, ngụ Long An).
Trả lời
Đau ngực là một trong những triệu chứng phổ biến khiến người bệnh phải đi thăm khám hoặc thậm chí nhập viện cấp cứu, với nỗi lo thường trực về bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có đến hơn 50% số trường hợp đau ngực không xuất phát từ tim. Nhận diện và phân biệt đúng cơn đau ngực không do tim không chỉ giúp tránh chẩn đoán sai, mà còn là bước quan trọng trong điều trị hiệu quả và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược khám bệnh tim mạch. Ảnh: BVCC
Khác với nhận định thông thường, đau ngực không do tim là tình trạng rất thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán sai hướng. Triệu chứng của các bệnh lý này có thể mô phỏng gần giống hoàn toàn cơn đau thắt ngực thật sự (cảm giác đè ép, thắt chặt vùng sau xương ức, lan ra xung quanh hoặc lan lên vai, cổ, hàm hoặc tay trái).
Chính vì vậy, việc phân biệt giữa đau ngực do tim và không do tim trở thành một trong những thách thức lâm sàng lớn đối với các bác sĩ.
Khoang ngực là nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng như tim, phổi, thực quản, các mạch máu lớn và hệ cơ xương khớp, tất cả đều được chi phối bởi các sợi thần kinh giống nhau nên khi bị tổn thương có thể tạo ra cảm giác đau tương tự.
Các nguyên nhân thường gặp nhất của đau ngực không do tim bao gồm trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm màng phổi, thuyên tắc phổi, viêm sụn sườn, đau cơ thành ngực, hoặc các rối loạn lo âu và stress kéo dài.
Đáng chú ý, một số bệnh lý nặng như bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc mạch máu phổi hay tràn khí màng phổi có thể khởi phát với triệu chứng đau ngực cấp và nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Trong những trường hợp này, việc phát hiện và can thiệp trong “giờ vàng” có thể quyết định sự sống còn.
Vì vậy, khi có những triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phân loại nguy cơ để xác định nguyên nhân và điều trị theo phác đồ.
Đau ngực không phải lúc nào cũng là bệnh tim mạch, nhưng không nên chủ quan. Khi đã loại trừ nguy cơ nguy hiểm, hãy tiếp tục theo dõi đến nơi đến chốn để tìm đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
TS.BS Lương Cao Sơn, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.