Cứu sống NSND Thanh Tuấn: Nhận diện hiểm họa từ kỳ tích

Bệnh viện Chợ Rẫy vừa kịp thời cứu sống NSND Thanh Tuấn bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp. Đây là trường hợp đầu tiên ở khu vực phía Nam điều trị thành công cho ca bệnh ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp kèm mạch máu vôi hóa nặng nguy hiểm.

“Chợ Rẫy đã đẻ lại Thanh Tuấn”

Sau gần nửa tháng điều trị, ngày 9.4.2025 Bệnh viện Chợ Rẫy đã có cuộc gặp báo chí thông tin kết quả điều trị cho NSND Thanh Tuấn (75 tuổi). Dù mới hồi phục và còn ngồi xe lăn, danh ca cải lương Thanh Tuấn vẫn cất giọng hát một đoạn ngắn trong vở tuồng nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông - Tìm lại cuộc đời - để cảm ơn các y bác sĩ: “Tôi nghĩ trường hợp của tôi là hiếm có mà Chợ Rẫy đã thành công. Giờ đây tôi đã vượt qua cơn thập tử nhất sinh. Tôi cúi đầu tri ân các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đẻ lại Thanh Tuấn lần thứ hai”.

Theo bệnh án, từ năm 2006 Thanh Tuấn đã phát hiện bị hẹp mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 24.3, ông xuất hiện triệu chứng ho, nặng ngực tăng dần, khó thở, phải thở oxy mask và suy hô hấp nặng. Khoảng 21 giờ 35 phút ngày 25.3, Thanh Tuấn được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, ghi nhận ngưng tim. Các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đỏ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, thở máy...

Sau 15 phút, tim bắt đầu có dấu hiệu đập trở lại, Thanh Tuấn được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu rạng sáng ngày 26.3. Tại đây, ông hôn mê sâu, phù phổi cấp phải thở máy, cần duy trì thuốc nâng huyết áp và tăng co bóp cơ tim. Sau khi tiến hành các cận lâm sàng và hội chẩn, các bác sĩ xác định Thanh Tuấn bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngưng tim và suy đa cơ quan, phải thực hiện lọc máu liên tục, điều trị hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Các chuyên gia và bác sĩ hội chẩn khẩn cấp đa chuyên khoa, thống nhất đi đến quyết định thiết lập ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) cấp cứu kết hợp với can thiệp mạch vành tại phòng thông tim ngay trong ngày.

NSND Thanh Tuấn tri ân các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống ông tại cuộc gặp báo chí ngày 9.4. Ảnh: CTV

NSND Thanh Tuấn tri ân các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống ông tại cuộc gặp báo chí ngày 9.4. Ảnh: CTV

Sau quá trình điều trị phối hợp giữa các chuyên khoa, đến ngày 28.3 Thanh Tuấn tỉnh, có thể rút nội khí quản và cai máy thở. Ngày 31.3, khi các chỉ số sinh tồn ổn định, ông được cai ECMO và chuyển đến khoa Điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi. Sức khỏe Thanh Tuấn tiếp tục chuyển biến tích cực, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng tim cải thiện 40%, các cơ quan khác hồi phục gần như hoàn toàn và ông được xuất viện ngày 11.4.

Chiến thắng “tỷ lệ tử vong đến 90%”

BS-CK2. Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết việc thiết lập ECMO ngay tại phòng thông tim để điều trị cho NSND Thanh Tuấn là khá hy hữu, không phải việc làm thường quy do tính rủi ro mà nó mang lại. Một khi đã can thiệp ECMO đồng nghĩa mức độ nguy kịch của bệnh nhân tại thời điểm đó rất cao. Chính vì vậy, các bác sĩ vừa phải chạy đua với thời gian để tái thông mạch vành, vừa phải phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như thiếu oxy, suy thận… có thể gây ngừng tim.

BS-CK2. Lý Ích Trung, Phó khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy kể trong quá trình điều trị cho NSND Thanh Tuấn, êkíp đứng trước thách thức động mạch liên thất trái trước (LAD 1) bị tắc từ lỗ xuất phát trên nền mạch máu bị vôi hóa rất nặng. Việc tái thông mạch vành thông thường đã khó, can thiệp đối với trường hợp của Thanh Tuấn càng khó khăn bởi mạch máu bị vôi hóa, san thương gần như không còn đủ diện tích để có thể đặt stent. Ê kíp phải can thiệp khoan cắt, bào mòn xuyên qua mảng vôi hóa bằng Rotablator, nong bóng, đặt thành công 3 stent. Tình huống này buộc êkíp phải xử trí nhanh chóng, khéo léo, hạn chế tối đa tổn thương gây toan chuyển hóa, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân ngay tại thời điểm đó.

Đánh giá về mức độ thử thách mà các y bác sĩ phải đối mặt trong ca bệnh NSND Thanh Tuấn, BS-CK2. Phạm Thanh Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 90% và có thể gây di chứng nặng nề cho bệnh nhân nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời. Nhờ có sự phối hợp khẩn trương, hiệu quả giữa các chuyên khoa mà các y bác sĩ đã giúp Thanh Tuấn hồi phục gần như hoàn toàn, không để lại di chứng nào. “Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở khu vực phía Nam điều trị thành công đối với ca bệnh ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp, kèm mạch máu vôi hóa nặng nguy hiểm”, BS. Việt thông tin.

Những người có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp

TS-BS. Trần Hòa (Tổng thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam; Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch, Phó trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hoại tử một phần cơ tim do giảm sút đáng kể lượng máu cung cấp đến cơ tim một cách đột ngột.

Cơ thể có 3 động mạch vành để nuôi tim. Đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim là do tắc nghẽn một trong số các động mạch nuôi tim bởi cục máu đông hình thành từ những mảng xơ vữa bị tróc ra trong lòng động mạch vành, làm cho vùng cơ tim phía dưới mạch máu bị tổn thương, hoại tử và chết đi.

Có hai nhóm yếu tố nguy cơ ở những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được: người nhà có bệnh sử tim mạch; người lớn tuổi (nam giới trên 45 tuổi, phụ nữ trên 55); nam giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nữ giới... Thứ hai là nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: hút thuốc lá; bệnh béo phì; người có lối sống thiếu vận động thể lực; tăng huyết áp, rối loạn lipid trong máu (mỡ máu cao); đái tháo đường... Các yếu tố này khiến bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, hẹp động mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp. Người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị nhồi máu cơ tim luôn ở mức cao.

Các biểu hiện nhồi máu cơ tim có thể nhận diện là tình trạng đau ngực. 99% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đều có biểu hiện lâm sàng bởi tình trạng đau ngực cấp. Bệnh nhân thường đau đột ngột ở phía sau xương ức ngực trái, cũng có thể đau lan lên cằm, cánh tay trái… khiến bệnh nhân không chịu nổi, kèm theo đó là tình trạng khó thở. Cơn đau có thể kéo dài khoảng 30 phút, tất cả các giải pháp hỗ trợ như cạo gió, xoa bóp… đều không mang lại kết quả. “Một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thành dưới nhưng không đau ngực, người bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng vùng thượng vị, nôn ói… Trường hợp đó khiến người bệnh và đôi khi cả nhân viên y tế nghĩ là đau dạ dày và có thể gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị muộn”, BS. Hòa lưu ý.

Khi có biểu hiện bệnh, nhập viện càng sớm càng tốt. Thời gian vàng để can thiệp nhồi máu cơ tim là 12 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Ngay sau nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể bị ngừng tim do rối loạn nhịp thất và có thể gây tử vong nhanh chóng. Một số biến chứng khác có thể làm người bệnh trở nặng gây tử vong như suy tim cấp gây choáng tim, vỡ tim... Nhập viện sớm còn để theo dõi và xử trí các biến chứng có thể gây chết người nhanh chóng như rối loạn nhịp hay tụt huyết áp.

Những trường hợp được can thiệp thành công sau nhồi máu cơ tim vẫn có thể bị tái phát. Bên cạnh hỗ trợ điều trị bệnh lý, bệnh nhân cần được phối hợp điều trị các yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp, mỡ trong máu cao, đái tháo đường, bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, ăn kiêng chất ngọt, kiêng chất béo…

Ngoài những yếu tố không thể thay đổi (tuổi, giới tính, di truyền…), để phòng ngừa nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, người dân cần khám sức khỏe định kỳ và có lối sống lành mạnh (môi trường sống xanh, sạch; hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi; không hút thuốc lá…), ăn uống điều độ (thực phẩm sạch; hạn chế thức ăn chiên, nướng, nhiều dầu mỡ; hạn chế tối đa rượu bia…) tăng cường vận động thể lực (tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày)...

Minh Hoàng

Hữu Đức

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuu-song-nsnd-thanh-tuan-nhan-dien-hiem-hoa-tu-ky-tich-48051.html
Zalo