Gặp lại thanh xuân
Tôi từng thấy chị gái mình đứng thật lâu trước tấm gương. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ chị đang nhìn xem có vết nám nào trên mặt như một sự lo âu thường thấy của phụ nữ nhưng không phải.
Hóa ra, chị đang đăm chiêu nhìn một sợi tóc bạc vừa rụng xuống lavabo. Tôi hướng ánh mắt ra cửa sổ, nắng vẫn vàng tươi, gió thổi trên cành cây đang ghé vào hiên nhà. Cây lớn nhanh quá, cứ thế vươn lên bên lề sự bận rộn của đời người.
Từ sáng sớm, cha tôi đã dậy và húng hắng ho. Mấy chị em tôi thì vội vã đánh răng, rửa mặt, rồi đạp xe đến trường. Cứ thế, sự vội vã đi-về không có hồi kết, chẳng để ý xem mình đã đổi thay như thế nào trước gương. Hôm nay, nhìn chị, tôi tự hỏi: Liệu chị em mình đã lạc mất thanh xuân tự bao giờ?
Ngày bé, tôi chỉ ước mình lớn thật nhanh, nhanh như người ta gắng băng qua con đường lầy lội. Lớn thêm mấy tuổi, lên cấp học mới, rồi thành sinh viên, kỹ sư… nhưng tôi vẫn thắc thỏm: Không biết mình đã đến chặng đường thanh xuân chưa?

Minh họa: HUYỀN TRANG
Một lần ghé về thăm nhà, thấy nhà cửa vắng vẻ, tôi vòng ra phía sau thì bắt gặp cha mẹ tôi đang hì hục bứng mấy cây chuối con ra trồng thành một hàng. Lúc này, tôi mới thấm câu “trẻ trồng na, già trồng chuối” và tự hỏi: Chẳng lẽ cha mẹ tôi đã già? Đêm ấy, tôi không ngủ được.
Tôi cứ nghĩ đến những tàu lá chuối non tơ phơ phấp trước gió. Gió cuối xuân như chiếc kim đồng hồ vô hình chạm vào những non tơ ấy để xác lập nên những dấu mốc nghiệt ngã của thời gian. Nhưng rồi chỉ sáng hôm sau, tôi cũng như bao người lại cuốn theo những tất bật của cuộc sống mà đôi khi quên mất điều mình từng trăn trở, suy tư.
Tôi bận rộn nên ít về quê hơn và tự tạo cho mình một lý do như thế để làm vỏ bọc. Có đêm, nằm nghe gió giật cửa kính trên tầng cao, tôi nghĩ đến mảnh vườn nhà lúc này chẳng rõ thế nào. Gọi về quê hỏi thăm, mẹ trả lời tôi trong tiếc nuối: “Nhà cửa không sao nhưng gió to quá, hàng chuối đổ gãy cả rồi, đúng lúc đang ra quả nữa chứ”. Đúng là với người già, hàng cây như sự hy vọng. Hàng chuối đổ rồi thì lại mong chờ vào mấy cây na mới trồng.
Một lần, tôi đi công tác, cu Tít gọi điện bảo: “Hàng na của ông bà nội sắp ra quả thì phải đốn rồi ba à”. Thực ra, chỉ cần ra siêu thị, tôi đã có thể mang về cho nó cả bịch trái cây tươi ngon. Thế nhưng, hàng na ấy là nơi mẹ tôi gửi gắm niềm hy vọng. Hàng ngày, bà vẫn vui vẻ chăm sóc những cây na mà có khi phải mất vài ba năm mới cho quả.
Mẹ tôi sống với tuổi thơ của lũ trẻ, trong khi tôi đã lãng quên điều quý giá ấy trong cuộc đời này. Rồi cu Tít nói tiếp: “Nhưng con không buồn đâu ba ạ! Con ủng hộ ông bà nội chặt hàng na đi để mở rộng đường lên xóm trên, tụi nhỏ sẽ có lối đến trường gần hơn, tránh được con dốc cao”.
Thời gian thấm thoát trôi. Hôm nay, tôi trở về thấy lũ trẻ í ới gọi nhau đạp xe đến trường trên con đường mới mở. Ngày xưa, con đường đi học của chị em tôi đâu được như thế.
Giờ đây, hàng chuối không còn, hàng na đã bị chặt bỏ, mẹ tôi cũng về bên kia sườn đồi với mây trắng bay về cõi vô thường. Bất giác, cậu con trai thủ thỉ với tôi: “Tóc ba bạc nhiều quá, để tối về con nhổ cho ba nhé!’. Tôi cười, vỗ vào vai con-bờ vai cường tráng của thanh niên-nhẹ nhàng nói: “Thôi kệ đi con, rồi cũng phải để thời gian trôi con ạ”.