Hành trình tìm về nguồn cội qua văn chương ba nữ tác giả gốc Việt

Sáng tác văn chương là phương tiện để Khuê Phạm, Nuage Rose (Hồng Vân) và Cecile Pin tìm về với căn tính Việt Nam bên trong mình.

Tại buổi tọa đàm "Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa" tổ chức ngày 5/5 tại TP.HCM, ba nữ tác giả gốc Việt - nhà báo người Đức Khuê Phạm, kỹ sư tin học người Pháp Nuage Rose (Hồng Vân) và nhà văn trẻ người Anh Cecile Pin - đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về ký ức, căn tính và quá trình hòa giải với lịch sử, với quá khứ của gia đình và với chính bản thân mình.

Dù xuất phát từ những bối cảnh khác nhau, cả ba đều có điểm chung: lấy văn chương làm phương tiện để đặt câu hỏi và tìm hiểu về nguồn cội.

 Từ trái qua: các tác giả Cecile Pin, Khuê Phạm, Nuage Rose tại tọa đàm. Ảnh: Tâm Như.

Từ trái qua: các tác giả Cecile Pin, Khuê Phạm, Nuage Rose tại tọa đàm. Ảnh: Tâm Như.

Sáng tác để tìm về nguồn cội

Nuage Rose (Hồng Vân) tiếp cận văn chương như một hình thức tự truyện hư cấu (autofiction), nơi danh tính cá nhân được tái hiện và biến hóa để vượt qua ký ức. Ông bà nội cô sáng Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20, bố nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về đóng góp cho đất nước. Hồng Vân sinh ra tại Hà Nội trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, trưởng thành khi cuộc chiến khép lại, sau đó chuyển đến sống và làm việc tại Paris hơn bốn thập niên. Thế hệ các con cô lại trở về Việt Nam. Bốn thế hệ trong gia đình cô đã đi giữa Paris và Hà Nội - đâu là chiều đi, đâu là chiều về?

Từng là biên tập viên của tuần báo Die Zeit và có bài viết đăng tải trên The Guardian, USA Today, và là nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng tại Đức, Khuê Phạm chia sẻ rằng viết tiểu thuyết đầu tay là một "hành trình cá nhân đầy thử thách", nơi cô truy dấu ký ức gia đình và bản sắc lai trong bối cảnh dịch chuyển văn hóa.

Cô nhắc đến Truyện Kiều như một phần ký ức tập thể đặc trưng của người Việt - nơi ngôn ngữ, tên gọi và lịch sử hòa quyện để hình thành bản sắc. Tuy nhiên, với riêng cô, tên gọi lại là một niềm băn khoăn lớn - một biểu tượng cho sự đứt gãy hoặc mơ hồ trong nhận diện bản thân.

“Tôi không biết nhiều về nguồn gốc gia đình mình”, cô nói. “Bố mẹ tôi ít kể về tuổi thơ hay họ hàng”. Chính vì vậy, nhân vật trong tiểu thuyết của cô cũng giống chính cô: chỉ lờ mờ cảm nhận về cội nguồn, nhưng không thực sự hiểu tường tận.

Giống Khuê Phạm, với Cecile Pin, sáng tác văn chương là hành trình học hiểu về nguồn cội của chính mình, là cách cô tìm kiếm những góc nhìn mới về lịch sử, ký ức và sự hòa giải. Lớn lên tại Paris và New York, Cecile Pin chuyển đến London từ năm 18 tuổi để theo học Triết học. Trước khi trở thành nhà văn, cô từng làm việc trong ngành xuất bản, nhận thấy sự thiếu vắng các đầu sách viết về Việt Nam - quê hương của mẹ mình.

Điểm giao giữa chuyện thực và hư cấu

Tiểu thuyết đầu tay của Cecile Pin, Wandering Souls (tạm dịch: Những linh hồn phiêu bạt) phản ánh quá trình tìm hiểu về di sản văn hóa và lịch sử gia đình qua lăng kính cá nhân của tác giả. Cuốn sách cấu trúc đa tầng, kết hợp nhiều giọng kể - cả từ người còn sống lẫn đã khuất.

Cô cho biết mình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiểu thuyết Bản chất của người của Han Kang, tác phẩm khắc họa bi thương nhưng đầy nhân tính một giai đoạn lịch sử Hàn Quốc qua lời kể của một cậu bé đã qua đời. Từ đó, cô càng tin tưởng vào sức mạnh của những góc nhìn khác biệt.

 Một số sáng tác của ba nữ tác giả gốc Việt Cecile Pin, Khuê Phạm, Nuage Rose.

Một số sáng tác của ba nữ tác giả gốc Việt Cecile Pin, Khuê Phạm, Nuage Rose.

“Đọc nhiều giúp tôi học hỏi, nhưng có lúc tôi phải tạm dừng đọc để có thể viết - vì sợ vô thức sao chép”, Cecile Pin chia sẻ. Với cô, sáng tác là cách để lắng nghe quá khứ, qua đó định hình bản sắc của mình trong một thế giới đa văn hóa.

Viết tiểu thuyết đầu tay Brothers and Ghosts, Khuê Phạm sử dụng chất liệu ký ức cá nhân của nhiều người nhờ "kỹ thuật báo chí" là các buổi phỏng vấn nhân vật, kết hợp với viết sáng tạo, từ đó hình thành một câu chuyện hư cấu có cơ sở lịch sử. “Tôi muốn có được tự do biểu đạt, vừa giữ được sự chân thật, nhưng vẫn thêm phần kịch tính. Ngoài ra, tôi không muốn đưa họ hàng mình hay những cá nhân cụ thể vào tâm điểm, mà vẫn để họ hiện diện một cách âm thầm, đầy cảm xúc”.

Trước khi viết, cô đã phỏng vấn và trò chuyện với rất nhiều người tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì chỉ nói được tiếng Việt ở mức giao tiếp cơ bản, cô thường phải nhờ đến phiên dịch viên. “Người phiên dịch đã mở ra một cánh cửa mới, giúp tôi đến gần hơn với những câu chuyện,” cô nói, “nhưng đồng thời cũng là một rào cản cảm xúc”.

Cô cho biết tác phẩm của mình chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các hình thức kể chuyện hiện đại, đặc biệt là từ phim ảnh trên Netflix - nơi tính kịch và nhịp điệu kể chuyện được đẩy lên cao. Với cô, sự hòa giải có thể bắt đầu từ những cuộc đối thoại, những lời thì thầm. Và văn chương góp phần kết nối các mảnh ký ức rời rạc thành một câu chuyện liền mạch.

Sau Trois Nuage au pays des nénuphars (2013) viết bằng tiếng Pháp rồi được xuất bản tiếng Việt với tựa Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo (2017), Nuage Rose viết 120 ngày Mây thì thầm với gió (2021) trong những ngày cách ly tại Uông Bí như một bức thư vĩnh biệt mẹ. Cô gọi văn chương của mình là “autofiction” - tự truyện hư cấu, nơi thực và tưởng hòa vào nhau. Dù viết bằng tiếng Việt có gặp những khó khăn, phải nhờ đến trợ giúp của biên tập, Nuage Rose cảm nhận bức thư viết cho mẹ phải viết bằng ngôn ngữ của mẹ.

Với cô, việc lựa chọn ngôn ngữ để viết luôn đi kèm câu hỏi về căn tính. Tuy nhiên, cô tin rằng không nên ép mình viết bằng một thứ tiếng nào nhất định. “Ngôn ngữ tự nhiên nhất sẽ tự tìm đến” cô nói.

Để có thể tái hiện những ký ức mãnh liệt, đôi khi Hồng Vân buộc phải mượn một danh tính khác; bằng không sẽ không đủ can đảm để đi xuyên qua ký ức: “Nếu không, tôi không vượt qua nổi”, cô thổ lộ.

Ba người phụ nữ, ba hành trình khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở một điểm: dùng văn chương để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về nơi chốn, ký ức và căn tính. Trong thế giới đầy dịch chuyển hôm nay, những câu chuyện của họ không chỉ là chuyện riêng, mà còn là những mảnh ghép góp phần tạo nên một bức tranh đa diện về bản sắc Việt xuyên biên giới.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/hanh-trinh-tim-ve-nguon-coi-qua-van-chuong-ba-nu-tac-gia-goc-viet-post1551390.html
Zalo