Hành trình 'kết bạn với rắn' của nam sinh 20 tuổi
Từ một cậu bé sợ rắn, Nguyễn Minh Phú (2004, TP. HCM) đã trở thành người tiên phong trong việc lan tỏa đam mê 'herping' và tinh thần bảo tồn rắn tại Việt Nam.
“Mình từng sợ rắn như bao người”
Nguyễn Minh Phú (chuyên ngành Công nghệ Vật liệu, trường ĐH KHTN, ĐHQG, TP. HCM) là nhà sáng lập tổ chức du lịch sinh thái Viet Herping và nhà đồng sáng lập tổ chức cứu hộ rắn Viet Snake Rescuer.
“Herping” là một thuật ngữ xuất phát từ “herpetology” (nghiên cứu về bò sát và lưỡng cư). Hiểu đơn giản, “herping” là hoạt động tìm kiếm, quan sát và đôi khi chụp ảnh bò sát (như rắn, thằn lằn, rùa) và lưỡng cư (như ếch, nhái, kỳ nhông) trong môi trường tự nhiên của chúng.
Viet Herping thường tổ chức các chuyến “herping”, nhằm giáo dục, giới thiệu về sự đa dạng của các loài này ở Việt Nam, đồng thời gây quỹ cho công tác cứu hộ rắn.
Chia sẻ về cơ duyên làm “bạn” với những loài bò sát, Minh Phú kể: “Mười năm trước, mình cũng sợ rắn như bao người khác. Thế nhưng, mình sống trong một khu khá hoang sơ nên lâu lâu vẫn hay có rắn vào nhà. Điều đặc biệt là cách ứng xử của ba mẹ mình lúc đó. Ba mẹ đã giáo dục cho mình rằng, sống gần với thiên nhiên thì cũng nên đối xử tốt với thiên nhiên”.

Minh Phú chụp ảnh cùng những “bạn rắn” mà mình tìm thấy trong rừng.
Minh Phú cho biết, tất cả số rắn đó đều được ba mẹ tìm cách thả lại khu vực rậm rạp gần nhà chứ không giết hại. “Hành động của ba mẹ đã góp phần hình thành nhận thức của mình đối với các 'bạn' rắn. Và dần dần, mình mong muốn được cầm, nắm, sờ rắn thử”, Nam sinh bộc bạch.
Lên lớp 9, Minh Phú bắt đầu nuôi 2 con rắn nước. Thế nhưng, sau một thời gian, Phú nhận thấy, rắn mình nuôi không đẹp như những bức hình trong những hội nhóm “herping” của nước ngoài.
Khát khao được tận mắt chiêm ngưỡng những loài bò sát trong môi trường tự nhiên đã đưa Phú đến với chuyến đi rừng đầu tiên ở Lâm Đồng. Trong 3 ngày 2 đêm tại đây, chàng trai trẻ đã gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm từ những người có cùng đam mê.
“Đêm đầu tiên, mình đã gặp được rất nhiều rắn trên đoạn đường ngắn. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ của mình, khi mà lần đầu mình thấy được nhiều rắn độc như vậy, lại còn ở tận sâu trong rừng. Qua đó, mình mới hiểu được “rừng thiêng nước độc” là như thế nào. Cũng từ đó, mình cũng dần thích việc đi xem và chụp hình rắn hơn”, Minh Phú bộc bạch.
Vì rắn thường bị gán “vai ác”
Minh Phú ngày càng đam mê và mong được nhìn thấy tất cả loài rắn, ếch ở Việt Nam. Chàng trai trẻ không ngần ngại lang thang cùng bạn bè nhiều nơi để tìm kiếm những loài rắn khác nhau trong tự nhiên.
Nhớ về kỷ niệm cùng Viet Herping, nam sinh chia sẻ: “Chuyến đi đến Hòn Sơn là hành trình đặc biệt nhất với mình. Khi đó, mình phải leo núi trong mưa gió và đã tìm thấy loài rắn đặc hữu ở đảo Hòn Sơn. Đó là rắn lục Hòn Sơn, một loài rắn rất đẹp và được cộng đồng những người yêu “herping” trên thế giới mong muốn được nhìn thấy tận mắt. Loài rắn này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động buôn bán động vật hoang dã làm thú cưng và bán đi nước ngoài”.

Ngoài rắn, Minh Phú còn dành sự quan tâm đặc biệt dành cho ếch.
Đối với tổ chức Viet Snake Rescuer, kỷ niệm mà Phú nhớ mãi là chuyến đi tái thả rắn vào sâu bên trong rừng. Các đoạn đường rất nguy hiểm và trơn trượt, nhưng Phú phải đưa rắn về rừng nhanh nhất mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho chúng.
Từ các ca giải cứu rắn đến những chuyến dẫn khách đi “herping”, Minh Phú đã tích lũy được nhiều kỹ năng thực tiễn. Theo Phú, đó là khả năng nhìn bao quát tình hình và xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm; biến kiến thức khoa học phức tạp thành lời kể dễ hiểu để gắn kết du khách quốc tế; tự tin thuyết trình, giảng dạy về động vật hoang dã; kỹ năng đi rừng thực tế như xác định phương hướng, sơ cứu, quản lý nhóm ban đêm dưới mưa rừng; tăng vốn hiểu biết văn hóa nhiều nước nhờ những cuộc trò chuyện quanh lửa trại...

Minh Phú hướng dẫn nhận dạng và sơ cứu rắn cắn cho các bạn nhỏ.
“Công việc cứu hộ và dẫn tour không chỉ nuôi dưỡng đam mê bảo tồn đa dạng sinh học mà còn giúp mình xây dựng nền tảng lãnh đạo, tư duy hệ thống cùng nhiều kỹ năng khác. Tất cả đang định hướng con đường học tập lẫn sự nghiệp của mình”, Minh Phú khẳng định.
Nói về lý do khiến nhiều người sợ rắn, Phú cho rằng, một phần là do bản năng và một phần là do hình ảnh tiêu cực của rắn trong văn hóa và truyền thông. Ở Việt Nam, rắn thường được gán vào “vai ác”. Từ đó, nhiều người dễ có ác cảm và hình thành nỗi sợ với chúng.
Minh Phú tin rằng, giáo dục luôn đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng. Đặc biệt là việc tạo cơ hội cho trẻ em tiếp xúc và hiểu biết về thiên nhiên hoang dã từ sớm. “Qua hành trình của bản thân, mình mong các bạn trẻ có thể giữ vững được niềm đam mê của mình, đồng thời lan tỏa đam mê tình yêu thương động vật tới nhiều người hơn nữa”, Nguyễn Minh Phú nhắn nhủ.