Một đại dương của hệ Mặt Trời bị hành tinh mẹ nuốt vào bụng?
Dữ liệu từ các tàu NASA cho thấy ngoài Trái Đất, hệ Mặt Trời còn một hành tinh khác gần như chắc chắn có đại dương bề mặt. Nhưng nó đã mất tích...
Viết trên The Conversation, GS Hrvoje Tkalčić (Đại học Quốc gia Australia)và GS Weijia Sun (Viện Địa chất và địa vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) cho biết nghiên cứu mới của họ cho biết hành tinh láng giềng của chúng ta đã tự nuốt mất đại dương.
Theo hai nhà nghiên cứu, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có một bí mật ẩn giấu bên dưới những đồng bằng bụi bặm khô cằn của Sao Hỏa: Dấu vết của một hồ chứa nước lỏng khổng lồ, nằm sâu trong lớp vỏ.
Điều này làm liên tưởng đến một bí mật lớn về hành tinh này: Sao Hỏa được bao phủ bởi dấu vết của các khối nước cổ đại, điều mà các tàu thăm dò của NASA đã xác nhận.
Nhưng đâu đó vài tỉ năm trước, tất cả nước đột ngột biến mất.

Cách mà Sao Hỏa mất dần nước, bắt đầu từ mốc 4 tỉ năm trước - Ảnh đồ họa: NASA
Có một giả thuyết được ủng hộ bấy lâu nay cho rằng khi từ trường của Sao Hỏa yếu đi và bầu khí quyển mỏng dần vào thời điểm đó, một lượng lớn nước đã thoát ra ngoài không gian.
Cũng có một lượng nước đóng băng ở các cực và một số bị mắc kẹt trong các khoáng chất, nơi nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhưng toàn bộ lượng nước này mới chỉ là một phần của đại dương Sao Hỏa, vốn có thể sâu tới 700-900 m và từng bao phủ hầu như toàn bộ hành tinh.
Một giả thuyết cho rằng lượng nước mất đi đã thấm vào lớp vỏ. Sao Hỏa đã bị thiên thạch bắn phá dữ dội trong thời kỳ Noachian (khoảng 4,5 - 3,7 tỉ năm trước), có thể đã tạo thành các vết nứt dẫn nước xuống lòng đất. Nơi đây, nhiệt độ ấm hơn sẽ giữ nước ở trạng thái lỏng.
Nhóm nghiên cứu đã làm rõ điều này thông qua dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight của NASA.
Khi nghiên cứu một loại rung động đặc biệt gọi là "sóng cắt", họ đã tìm thấy một dị thường ngầm đáng kể: Một lớp nằm sâu từ 5,4 đến 8 km, nơi sóng địa chấn di chuyển chậm hơn.
"Lớp vận tốc thấp" này rất có thể là đá có độ xốp cao chứa đầy nước lỏng, giống như một miếng bọt biển bão hòa. Giống như các tầng chứa nước của Trái Đđất, nơi nước ngầm thấm vào các lỗ rỗng của đá.
Họ tính toán rằng lớp này chứa đủ nước để bao phủ toàn bộ hành tinh này trong một đại dương toàn cầu sâu 520 - 780m, tương thích với ước tính về lượng nước còn lại sau khi trừ đi phần nước bị thất thoát ra không gian và đóng băng ở các cực.
Phát hiện này đem đến một câu đố thú vị khác. "Liệu sự sống, có lẽ là di tích của hệ sinh thái Sao Hỏa cổ đại, có thể tồn tại trong các hồ chứa này không?" - các tác giả viết.