'Hai lần gặp Bác - Miền ký ức thiêng liêng và trong sáng'
Những câu chuyện về 'sống có ích cho xã hội' của Bác Hồ, được ông Hùng kể lại nhiều lần, không chỉ cho con cháu mà cả những người bạn Đức sống và làm việc bên cạnh ông những năm tháng sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường thiếu nhi các dân tộc vùng cao Việt Bắc ở Thái Nguyên (13/3/1960). (Ảnh: TTXVN)
"Hồi còn là cậu thiếu niên cổ đeo khăn quàng đỏ, tôi rất thích và cũng hay hát bài 'Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng' của nhạc sỹ Phong Nhã. Thích nhất ở đoạn tả Bác Hồ:
'Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh-Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài-Bác chúng em nước da nâu vì sương gió.'
Và cứ mong ước có ngày được gặp Bác."
Đó là những lời chia sẻ chất chứa những ký ức không bao giờ phai mờ theo năm tháng của ông Nguyễn Hùng, một người con sống xa quê hương khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hẹn mấy lần mới gặp được ông, nhưng thay cho lời hỏi thăm như mọi khi, câu chuyện về Bác cùng những ký ức tuổi niên thiếu như ùa về, khiến ông chậm lại nhưng không ngắt quãng.
Ông Hùng kể sang Đức sinh sống và làm việc gần 40 năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông được bộc bạch và ghi chép một cách đầy đủ về những kỷ niệm với Bác.
Có lẽ những gợi mở của phóng viên đã tạo cho ông nguồn cảm hứng để câu chuyện trở nên liền mạch và xúc tích hơn.
Những ký ức mà bao lâu ông cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng trên quê hương thứ hai, giờ mới có dịp để chia sẻ. Thỉnh thoảng đôi mắt ngấn nước phải nhìn đi nơi khác để tránh câu chuyện bị dừng lại.
Ông Hùng bồi hồi: “Những câu chuyện về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác được nghe rất nhiều, nhưng được nhìn thấy sự bình dị ở con người bằng da bằng thịt thì vẫn chỉ là niềm ao ước của lũ trẻ lúc bấy giờ.
Cho đến tận giờ, số người được nhìn thấy Bác lúc đương thời đã ít, số người đó còn sống đến giờ lại càng ít hơn. Vì Bác mất tính đến hôm nay cũng đã 56 năm rồi.”
Ông Hùng kể: “Ước mơ được gặp Bác của tôi rồi cũng có ngày trở thành hiện thực. Không phải một lần, mà tận hai lần, nói cho chính xác, là được nhìn thấy Bác hai lần. Vậy cũng là vinh dự và thuộc hàng hiếm có, khó thấy rồi”.
Những ký ức về thời niên thiếu làm ông phấn chấn hơn: “Hồi bé tôi ngoan lắm, lại học giỏi nên suốt thời học cấp 1, cấp 2, năm nào cũng đều là lớp trưởng.
Chưa kể còn hăng hái hoạt động công tác đội. Luôn là Chi đội trưởng của lớp, Liên Chi đội trưởng của toàn khối, toàn trường. Vì thế năm nào tôi cũng là học sinh xuất sắc, được nhận danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.”
“Còn nhớ, hồi đó tôi học lớp 5. Một hôm, chị phụ trách nhắc tôi hôm sau phải ăn mặc gọn gàng, áo sơ mi trắng, quàng khăn đỏ để đi tặng hoa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Hồi đó có một nghi lễ, ở phiên khai mạc của kỳ họp Quốc Hội, khi Chủ tịch đoàn bước vào hội trường, tiếp theo đó là đoàn thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ, ôm những bó hoa tươi thắm lên tặng các vị trong chủ tịch đoàn.
Hôm đó đoàn thiếu nhi trong đó có tôi được chia thành hai nhóm đứng hai bên lễ đài. Khi đoàn Chủ tịch bước vào, cả hội trường đứng dậy, tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên, mọi người cùng reo lên Bác Hồ, Bác Hồ đến!
Chúng tôi quên là mình đang phải xếp hàng theo đúng đội ngũ, tất cả đều ùa về phía khán đài để nhìn Bác được rõ hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thiếu niên Bulgaria tại Cung Thiếu niên ở thủ đô Sofia (16/8/1957). Ảnh: TTXVN
Bác dẫn đầu đoàn Chủ tịch, vừa tiến vào hội trường vừa tươi cười, giơ tay vẫy chào các vị đại biểu Quốc hội ngồi ở dưới hội trường.
Tôi nhìn Bác rất rõ. Bác mặc bộ quần áo kaki màu sáng, chòm râu dài trắng như cước, mái tóc trắng như mây, da dẻ hồng hào. Trông Bác đẹp và hiền từ như một ông tiên. Đẹp hơn cả Bác trong lời hát của nhạc sỹ Phong Nhã.
Sau phút ngây người nhìn Bác, đoàn thiếu nhi hân hoan chạy lên trước hàng ghế Chủ tịch đoàn, giơ tay chào theo đúng nghi thức đội, trao hoa cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và Quốc Hội, rồi chào lần nữa mới rút ra ngoài hội trường.
Các anh chị phụ trách đón chúng tôi, có một chú trong Chính phủ chia cho chúng tôi những chiếc kẹo và bảo đây là kẹo của Bác Hồ gửi cho các cháu. Kẹo của Bác, cũng như các bạn, tôi ăn ngay lúc đó, nhưng giấy gói kẹo tôi còn giữ mãi đến sau này.
Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Bác bằng xương, bằng thịt. Hình ảnh Bác ngày đó, cảm xúc nhìn thấy Bác ngày đó giống như một kỷ niệm sâu sắc vẫn theo tôi mãi để mỗi dịp sinh nhật Người tôi lại bồi hồi nhớ lại."
Bằng một giọng trầm ấm, ông xúc động: “Lần thứ hai tôi được nhìn thấy Bác là khi Người đã ra đi. Ai đã sống qua những ngày đau thương đó mới thấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: 'Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa' là hoàn toàn thật, là tả thật quang cảnh trong những ngày Bác mất.
Lòng người con dân đất Việt đã đau buồn, xót xa. Ai cũng thương, khóc Bác như thương, khóc một người thân yêu, ruột thịt trong gia đình mình vừa ra đi. Trời đổ mưa tầm tã...
Nhưng đời tuôn nước mắt nhiều nhất chính là ngày truy điệu Bác - ngày 9/9/1969 tại quảng trường Ba Đình.
Nhất là lúc cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lần đầu tiên công bố di chúc của Người. Nhưng khóc to nhất, khóc nhiều nhất hôm đó trên quảng trường Ba Đình trong ngày truy điệu Bác là khối thiếu niên, nhi đồng, trong đó có tôi.
Tới mức bác Phạm Văn Đồng phải xuống tận nơi dỗ dành. Sau này nghe các anh chị phụ trách kể lại tôi mới biết. Tại khoảng khắc vô cùng xúc động đó bác Đồng đã đề nghị Ban tổ chức Lễ tang cho các cháu thiếu nhi vào viếng Bác bên linh cữu của Người.
Đấy là lần thứ hai tôi nhìn thấy Bác. Người không còn tươi cười, hồng hào như ông tiên trong lần gặp trước. Ông tiên nằm đó vẫn hiền từ, khiêm nhường trong quan tài thủy tinh, chòm râu bạc lặng im phăng phắc.
Dưới chân Người là đôi dép cao su bình dị. Đôi dép đã mòn vẹt, phía sau phải độn thêm một miếng đế cao su khác chồng lên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi khóc to hơn, thương xót Bác hơn.
Hai lần tôi gặp Bác. Hai lần là hai hình ảnh khác nhau cùng về 'Người cha già dân tộc,” “Người đi tìm hình của nước.” Hình ảnh đó luôn đọng lại trong ký ức trẻ thơ của tôi và cho mãi sau này như một miền ký ức thiêng liêng và trong sáng nhất.
Gần 60 năm kể từ lần đầu tiên gặp Bác, dù rất tiếc không có một tấm ảnh chụp chung, nhưng hình ảnh và những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác vẫn được ông Hùng và các bạn "khắc cốt ghi tâm.”
Những câu chuyện về “sống có ích cho xã hội” của Bác Hồ, được ông kể lại nhiều lần, không chỉ cho con cháu, mà cả những người bạn Đức sống và làm việc bên cạnh ông những năm tháng sau này./.