Hà Nội: Chủ động liên kết vùng, phát triển công nghiệp văn hóa
Trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số sâu rộng, công nghiệp văn hóa không chỉ là lĩnh vực kinh tế mới nổi mà còn là lời giải cho bài toán bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển bền vững.

Màn thực cảnh "Ngày về chiến thắng” tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954 được thực hiện trong Chương trình Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Hà Nội đang chủ động kết nối với các địa phương trong vùng Thủ đô nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc và phát triển bền vững.
Dấu ấn đặc sắc, đòn bẩy phát triển
Năm 2024, công nghiệp văn hóa Hà Nội ghi dấu ấn đậm nét, góp phần đưa lĩnh vực này lọt vào top 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu toàn quốc.
Nổi bật là chuỗi sự kiện lễ hội có quy mô lớn, sức lan tỏa cao. Ngày hội Văn hóa vì hòa bình lần đầu tiên được dàn dựng theo hình thức đại thực cảnh, quy tụ hơn 10.000 người biểu diễn, giới thiệu tinh hoa di sản vật thể và phi vật thể của Hà Nội, trở thành mô hình tiêu biểu cho công nghệ trình diễn lễ hội dân gian thời đại mới. Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 thu hút khoảng 300.000 lượt người, với hàng trăm hoạt động trải rộng trên các lĩnh vực như kiến trúc, mỹ thuật, biểu diễn, thời trang. Nhiều công trình kiến trúc di sản lần đầu mở cửa tham quan, tạo sức hút mới mẻ cho công chúng.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội sôi động với nhiều chương trình quy mô lớn như đêm nhạc của nhóm Westlife, Bond, Tùng Dương, ca sĩ Vũ… Đặc biệt, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tạo dấu ấn với vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”, thể hiện nỗ lực đầu tư và sáng tạo cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Hà Nội cũng là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ số trong phát triển văn hóa. Lễ hội ẩm thực Hà Nội 2024 gây ấn tượng với “phở số” - không gian trải nghiệm công nghệ và robot quảng bá di sản ẩm thực. Hệ thống di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò... tích cực ứng dụng công nghệ 3D, trình chiếu ánh sáng và thuyết minh tự động, nâng cao trải nghiệm cho du khách. Một số điểm đến như Làng cổ Đường Lâm đưa trò chơi tương tác vào khám phá di sản, góp phần tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm văn hóa - du lịch.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ do Thành ủy Hà Nội tổ chức tháng 11/2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới, nhất là đầu tư công, quản trị tư, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội xác định rõ: Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển sản phẩm, dịch vụ đặc trưng; xây dựng thương hiệu công nghiệp văn hóa Thủ đô trên cơ sở liên kết vùng, gắn với bản sắc và phát triển bền vững.
Với số lượng di sản nhiều nhất cả nước, nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào, cộng đồng nghệ sĩ đông đảo, hạ tầng ngày càng được đầu tư, Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần tăng cường phối hợp các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên… nhằm tạo không gian văn hóa mở rộng, đa dạng bản sắc, làm phong phú chuỗi giá trị sản phẩm văn hóa.
Tại buổi gặp mặt các không gian văn hóa sáng tạo mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định vai trò mạng lưới không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Chính sự sáng tạo bền bỉ của cộng đồng đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng, phát triển kinh tế sáng tạo và lan tỏa hình ảnh một Hà Nội hiện đại, năng động nhưng vẫn đậm đà truyền thống.
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực này, kêu gọi mọi không gian sáng tạo, dù lớn hay nhỏ, công lập hay độc lập, cùng tham gia hệ sinh thái để định hình tương lai văn hóa sáng tạo của Hà Nội.
Tầm nhìn đến 2045, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Việc chủ động liên kết vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được coi là giải pháp chiến lược.
Hướng tới phát triển bền vững

Những gian trưng bày được dựng theo mô hình các ngôi nhà trong phố cổ đã tạo không gian Festival Thu Hà Nội đặc sắc. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức và Dân tộc
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực có khả năng lan tỏa cao, cần kết nối thị trường, nguồn nhân lực, ý tưởng và không gian sáng tạo. Một số ý kiến cho rằng, Hà Nội cần chia sẻ hạ tầng, hỗ trợ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp văn hóa các địa phương cùng phát triển.
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai đa dạng hoạt động liên kết tổ chức tuần lễ văn hóa, lễ hội vùng miền, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp sáng tạo, chia sẻ mô hình không gian sáng tạo, xúc tiến đầu tư, xuất khẩu sản phẩm văn hóa. Tiêu biểu như Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), không gian sáng tạo Phúc Tân (Hoàn Kiếm) hay dự án cải tạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu thành tổ hợp sáng tạo… đã tạo điểm nhấn, lan tỏa mô hình phát triển công nghiệp văn hóa dựa vào di sản và cộng đồng, thu hút giới đầu tư, chuyên gia quốc tế.
Theo các chuyên gia, liên kết vùng không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn giúp hình thành chuỗi sản xuất - tiêu dùng sản phẩm văn hóa hướng ra quốc tế. Hà Nội cần đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy chính sách vùng, phát triển hạ tầng số, đào tạo nhân lực sáng tạo, tăng cường vai trò doanh nghiệp trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa.
Tại hội thảo “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện địa phương cùng phân tích tiềm năng, thách thức, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa vùng.
Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, Hà Nội xác định công nghiệp văn hóa là trụ cột tăng trưởng mới và là sức mạnh mềm nâng tầm vị thế quốc gia. Với vai trò trung tâm vùng, Hà Nội chủ động thúc đẩy liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm hình thành chuỗi giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm sáng tạo có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao. Đây không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, lan tỏa di sản văn hóa vùng miền, làm giàu bản sắc dân tộc và nâng cao hình ảnh Thủ đô hiện đại, năng động, sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hà Nội là địa phương tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa. Để liên kết hiệu quả với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng, cần xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa quy mô vùng, gắn với di sản, làng nghề, phố cổ, ẩm thực, làng Việt cổ và các giá trị văn minh sông Hồng.
Liên kết vùng là xu thế tất yếu. Hiếm có vùng nào có lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa phong phú như Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Nhiều ý kiến đề xuất Hà Nội hỗ trợ tổ chức hoạt động kết nối nghệ nhân, doanh nghiệp sáng tạo; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung về tài nguyên văn hóa; thiết lập tuyến du lịch văn hóa vùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sáng tạo.
Để liên kết vùng thành công, cần xây dựng cơ chế tổ chức chặt chẽ với vai trò chủ trì của Hà Nội và sự tham gia tích cực của các tỉnh; chú trọng quy hoạch, lựa chọn sản phẩm liên kết để tạo nên sản phẩm đặc sắc của vùng. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp và toàn dân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.