'Hai bóng hồng thép' trong tranh Nguyễn Thu Thủy

Nguyễn Thu Thủy đã khắc họa chân dung hai người phụ nữ phi thường không chỉ bằng nét vẽ mà còn bằng lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của họ.

Bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ" của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.

Bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ" của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.

Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định – “Hai bóng hồng thép” huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – đã được tái hiện sống động, đầy cảm xúc trong bức tranh sơn dầu Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tại triển lãm mỹ thuật Bài ca thống nhất vừa diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) và sẽ góp mặt trong triển lãm "Những tháng ngày Lịch sử", khai mạc ngày 28/5 tới, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Hình ảnh bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ" của Nguyễn Thu Thủy tại Công viên Thống nhất.

Hình ảnh bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ" của Nguyễn Thu Thủy tại Công viên Thống nhất.

Bằng trái tim nghệ sĩ và tài năng hội họa đương đại, Nguyễn Thu Thủy đã khắc họa chân dung hai người phụ nữ phi thường không chỉ bằng nét vẽ mà còn bằng lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của họ.

Từ cảm hứng đến bức chân dung lịch sử

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ rằng, ý tưởng cho bức tranh được thai nghén từ cuối năm ngoái. Lấy cảm hứng từ một bức ảnh đen trắng chụp hai nữ tướng thời trẻ tại trụ sở Hội Phụ nữ Đồng Tháp, chị quyết định tái hiện hình ảnh này bằng bút pháp của trường phái Tân Ấn tượng (Neo-Impressionism).

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẽ bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ".

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẽ bức tranh "Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ".

Tuy nhiên, chị đã cải tiến kỹ thuật: thay vì sử dụng màu nguyên chất đặt cạnh nhau như truyền thống, chị chọn cách pha trộn tinh tế các gam màu để đạt được chiều sâu và sắc độ riêng biệt. Sự tỉ mỉ trong từng nét cọ không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn là một hành trình khám phá cảm xúc. Với sự hỗ trợ từ một người bạn chuyên vẽ chân dung, chị đã thành công trong việc kết hợp kỹ thuật với tâm hồn, tạo nên một tác phẩm chạm đến trái tim người xem.

“Qua từng ngày vẽ, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự sống động trong thần thái hai vị nữ tướng – đó là ánh mắt, nụ cười và khí chất khiến tôi vô cùng xúc động. Họ là thần tượng trong lòng tôi từ rất lâu rồi,” họa sĩ nói.

Nguyễn Thị Định – “Cô Ba Định” huyền thoại

Trong hành trình tìm hiểu, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy may mắn được Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo, cùng quê hương với nữ tướng Nguyễn Thị Định đưa đi thăm Bến Tre và di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Chị kể lại với niềm xúc động khi được tận mắt xem các tư liệu quý tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, nơi lưu giữ ký ức một đời chiến đấu của người nữ tướng mà nhân dân yêu mến gọi là “cô Ba Định”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo, thăm quê hương Nguyễn Thị Định.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo, thăm quê hương Nguyễn Thị Định.

Nguyễn Thị Định, sinh năm 1920, bà sớm bước vào con đường cách mạng từ khi mới 16 tuổi. Tên tuổi bà gắn với những chiến công vang dội, từ chuyến vượt biển lịch sử mang 12 tấn vũ khí vào Nam, đến phong trào Đồng Khởi với “Đội quân tóc dài” khiến quân thù khiếp sợ. Năm 1974, bà trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam – một biểu tượng sáng ngời của phẩm chất “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.”

Nguyễn Thị Bình – đóa hồng trên bàn đàm phán Paris

Không giấu nổi sự khâm phục, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy còn kể về nữ tướng thứ hai trong tranh, bà Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ Việt Nam duy nhất đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris năm 1973. Bà là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên, và cũng là một biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và sự kiên cường của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy trong lần gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Bình tại Pháp

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy trong lần gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Bình tại Pháp

Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, chị từng gặp bà hai lần tại Choisy le Roi – thành phố nhỏ gần Paris, nơi từng là hậu phương vững chắc cho phái đoàn Việt Nam trong suốt 5 năm đàm Hiệp định Paris.

“Dù khi ấy bà đã 86 tuổi, phong thái của bà vẫn nhanh nhẹn, sắc sảo, và đặc biệt là nói tiếng Pháp lưu loát như người bản xứ. Tôi hiểu tại sao bông hồng thép ấy có thể khiến cả đối phương phải nể phục trên bàn đàm phán kéo dài nhất lịch sử” – chị kể lại.

Cũng từ mối duyên đó, năm 2013, họa sĩ được chính quyền thành phố Choisy-le-Roi mời thực hiện một bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris. Trong tranh, bà Bình được khắc họa nổi bật tại thời khắc đặt bút ký – như một lời tôn vinh người phụ nữ duy nhất trong Hội nghị bốn bên, đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, góp phần chấm dứt một cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ.

Tại lễ khánh thành bức tranh, bà Nguyễn Thị Bình cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã có mặt, biến buổi lễ thành một buổi tri ân sống động và đầy cảm hứng. Câu chuyện về sự hậu thuẫn của chính quyền và người dân Choisy le Roi dành cho đoàn đàm phán Việt Nam – từ chỗ ăn, ở, đến hỗ trợ an ninh – đã trở thành biểu tượng cho tình bạn giữa hai dân tộc.

Cảnh đi thuyền trên sông Seine khánh thành bức tranh “Mùa xuân Pháp - Việt”

Cảnh đi thuyền trên sông Seine khánh thành bức tranh “Mùa xuân Pháp - Việt”

Không dừng lại ở quá khứ, Nguyễn Thu Thủy còn tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị Pháp - Việt bằng những dự án nghệ thuật đầy tâm huyết. Năm 2019, chị và nhóm nghệ sĩ Tân Hà Nội đã thực hiện bức tranh tường dài 40 mét bên sông Seine với chủ đề “Mùa xuân Pháp - Việt”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và những người bạn Pháp bên bức tranh “Mùa xuân Pháp - Việt”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và những người bạn Pháp bên bức tranh “Mùa xuân Pháp - Việt”.

Lễ khánh thành, Thị trưởng thành phố đã đưa đoàn họa sĩ và đại biểu đi thuyền trên sông Seine từ bờ bên này của tòa Thị chính sang phía bên kia bờ sông Seine như một khúc hoan ca giao hòa giữa nghệ thuật và lịch sử, giữa hai dân tộc có mối quan hệ lâu đời.

Nghệ thuật kết nối quá khứ – lan tỏa hiện tại

Từ tranh sơn dầu đến tranh gốm, từ Hà Nội đến Paris, hành trình nghệ thuật của Nguyễn Thu Thủy không chỉ là hành trình sáng tạo, mà còn là hành trình tri ân lịch sử – nơi hai bóng hồng thép Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định mãi mãi tỏa sáng như những vì sao trong lòng dân tộc. Và bức tranh “Hai nữ tướng trong kháng chiến chống Mỹ” của Nguyễn Thu Thủy không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự giao thoa giữa lịch sử và hiện thực, giữa quá khứ hào hùng và hiện tại đầy cảm hứng. Qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, hình ảnh Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định không chỉ hiện lên sống động, mà còn lan tỏa tinh thần bất khuất, kiên cường – một di sản tinh thần mà mọi thế hệ người Việt, đặc biệt là phụ nữ, luôn trân trọng và tự hào.

Hoa Chanh

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/hai-bong-hong-thep-trong-tranh-nguyen-thu-thuy-20250506140725546.htm
Zalo