PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – người cả đời tâm huyết nghiên cứu khảo cổ học và sáng tác, biểu diễn âm nhạc; người thành lập, chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony, đồng thời gắn bó sâu đậm với âm nhạc Hà Nội, đã ra đi ngày 6-5, tại Hà Nội, ở tuổi 84, sau một thời gian lâm trọng bệnh.

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, quê gốc ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông là con thứ tư của cố Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân.

Chân dung nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: Nhạc sĩ cung cấp lúc sinh thời

Chân dung nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: Nhạc sĩ cung cấp lúc sinh thời

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đến với âm nhạc từ nhỏ. Năm 1951, khi mới 10 tuổi, ông đã làm quen với các nốt nhạc từ ba người thầy, là nhạc sĩ người Trung Quốc Túc Nhân Kim cùng hai nhạc sĩ Việt Nam Phạm Tuyên và Nguyễn Hữu Hiếu. Khi còn học tại Trường Phổ thông 3A (nay là Trường Trung học phổ thông Việt Đức - Hà Nội), ông đã được giao dàn dựng tốp ca và hợp xướng, từ đó sáng tác ca khúc đầu tay “Tiếng hát bản Mường”, rồi bản hợp xướng “Tiếng ca trên bè gỗ”.

Ông theo học Sinh học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó chọn nghiên cứu khảo cổ học, thực tập sinh tại Đức và Nga.

Trong lĩnh vực khoa học, ông từng là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam, được xác nhận Kỷ lục Việt Nam “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam”. Ông từng giữ chức Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA).

PGS.TS Nguyễn Lân Cường là nhà khảo cổ học tâm huyết. Ảnh: Nhạc sĩ cung cấp lúc sinh thời

PGS.TS Nguyễn Lân Cường là nhà khảo cổ học tâm huyết. Ảnh: Nhạc sĩ cung cấp lúc sinh thời

Song song với nghiên cứu khảo cổ học, Nguyễn Lân Cường còn là nhạc sĩ tâm huyết và có nhiều tác phẩm giá trị. Gia tài sáng tác của ông có khoảng gần 70 tác phẩm, đã từng đạt hàng chục giải thưởng âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân... trao tặng.

Các sáng tác của ông thường gắn với đời sống, dễ đi vào lòng người. Có thể kể đến như “Việt Nam chiến thắng” được coi là “hâm mộ ca” của bóng đá Việt Nam; “Vị tướng của lòng dân” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Lá phiếu ngày bầu cử” hướng đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; “Bài ca về những người lính đảo” ca ngợi các chiến sĩ hải quân; “Chiều nay nếu anh không về” dựa theo ý thơ của Vũ Tuấn, ca ngợi những “chiến sĩ áo trắng” trong Covid-19…

Nhạc sĩ Lân Cường cũng có nhiều tác phẩm về Hà Nội, nơi ông gắn bó, phát triển sự nghiệp khoa học và âm nhạc, như “Cảm xúc Hoàng thành”, “Thăng Long - rồng bay”, “Đội viên Thủ đô ghi sâu lời Bác dạy”, “Chào Thăng Long - Hà Nội của em”… Ông cũng từng chuyển soạn ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi cho hợp xướng 4 bè.

Ông còn có những sáng tác dành cho thiếu nhi nổi bật như: “Con búp bê của em”, “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi”, “Ba điểm 10”, “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”, “Con thích làm nghề gì?”... Năm 2021, ông ra mắt cuốn sách “Nhật ký trên khóa sol” ghi lại hành trình âm nhạc của bản thân.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, đồng thời là người sáng lập, chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony biểu diễn trong nhiều sự kiện âm nhạc của Thủ đô...

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pgs-ts-nhac-si-nguyen-lan-cuong-qua-doi-o-tuoi-84-701388.html
Zalo