Đồng nghiệp thương tiếc PGS.TS Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84

PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã qua đời ở tuổi 84 vào sáng 6/5. Ông qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày.

Theo thông tin từ gia đình, PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã qua đời ở tuổi 84 vào sáng 6/5, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84.

Hay tin dữ, nhiều bạn bè, đồng nghiệp bày tỏ tiếc thương. Tiến sĩ Nguyễn Việt - chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học cho biết, trước Tết Dương lịch 2025, PGS. TS Nguyễn Lân Cường vẫn miệt mài với công việc khảo cổ.

"Anh vẫn miệt mài lăn lộn với khu mộ táng Vườn Chuối, chúng tôi vẫn trò chuyện. Anh đau bụng và được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Anh đã 84 tuổi, vốn rất dẻo dai, minh tiệp, nghịch ngợm và yêu đời. Đã 6 tháng nay anh phải nằm trị bệnh với hy vọng phục hồi để có thể đủ sức cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư, tiếp tục vui với đời. Nhưng rồi như ngọn đèn hết dầu, nỗi buồn và mất mát rất lớn này đã đến với khảo cổ học, nhân học", Tiến sĩ Nguyễn Việt bày tỏ.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng không giấu được sự bàng hoàng. Bà nói, cuối tháng 3/2025, trong chuyến công tác ra Hà Nội, bà cùng đồng nghiệp phía Nam đến thăm PGS. TS Nguyễn Lân Cường.

Lúc ấy, ông vẫn vui vẻ, hào hứng nói về dự định chuẩn bị lễ sinh nhật mừng tuổi 85 vào tháng 12 năm nay.

"Những ngày khai quật Cần Giờ gian khổ em không bao giờ quên. Em sẽ nhớ mãi giọng nói tiếng cười vui vẻ của anh, nhớ mãi con người hồn hậu hết lòng vì khoa học, vì đồng nghiệp đàn em, vì học trò - PGS. TS Nguyễn Lân Cường", Tiến sĩ Hậu giãi bày.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường được biết đến là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học tại Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường được biết đến là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học tại Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là người con thứ tư của cố Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân – một học giả uy tín và là người đặt nền móng cho ngành giáo dục tại Việt Nam.

Các anh chị em của ông đều là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu như: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Giáo sư Nguyễn Lân Tuất.

Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngành Sinh học, Thực tập sinh tại Viện Hàn lâm CHDC Đức (1978-1980) và Viện Hàn lâm Liên Xô (1988-1990). Ông đạt học vị Phó tiến sĩ năm 1994 và Phó giáo sư năm 2002.

Ông là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam từ năm 2003 và nghỉ hưu năm 2007.

Bên cạnh đó, ông còn từng giữ chức Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA).

Thành tựu đáng nể trong sự nghiệp khoa học của ông là danh hiệu do Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 di cốt.

Không chỉ là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học, PGS. TS Nguyễn Lân Cường còn bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ.

Năm 10 tuổi, ông từng được theo học tại Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Hòa bình lập lại, ông học cấp ba ở Hà Nội và tiếp tục sáng tác âm nhạc.

Năm 1960, khi mới 19 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay gây tiếng vang như: "Ca khúc Tiếng hát bản Mường và hợp xướng "Tiếng ca trên bè gỗ", đều đạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên của Hà Nội.

Trong hơn 80 năm cuộc đời, song hành cùng những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, ông đã sáng tác khoảng gần 100 tác phẩm âm nhạc, bao gồm hợp xướng và ca khúc.

Ông là chủ nhân của nhiều ca khúc như: "Vị tướng của lòng dân", "Về đi em", "Bài ca về những người lính đảo", "Sau lời tuyên thệ", "Cảm xúc Hoàng Thành", "Con búp bê của em", "Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi", "Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa"...

PGS. TS Nguyễn Lân Cường từng giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, ông cũng từng chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony.

Bạch Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dong-nghiep-thuong-tiec-pgsts-nguyen-lan-cuong-qua-doi-o-tuoi-84-192250506162448299.htm
Zalo