Tiếng nói của văn học di dân - chủ đề của Những ngày Văn học châu Âu 2025

Những ngày Văn học châu Âu 2025 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Huế và Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 5 - 11.5, hứa hẹn mang đến cho khán giả những tác phẩm của các cây viết gốc Việt nổi bật của nền văn chương châu Âu đương đại.

Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn châu Âu.

Ở đó, những câu chuyện về nỗi trăn trở của căn tính, về sự đứt gãy thế hệ, về những hành trình đạt đến sự công nhận, tất cả góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh.

Không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương. Văn chương không chỉ là tiểu thuyết và thơ ca, mà thông qua những thực hành của họ, ta còn thấy cả những điểm giao với sân khấu, trình diễn, điện ảnh, báo chí, podcast...

Một số tác phẩm của các nhà văn gốc Việt sẽ tham gia các chương trình trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu 2025

Một số tác phẩm của các nhà văn gốc Việt sẽ tham gia các chương trình trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu 2025

Với chủ đề “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu”, Những ngày Văn học châu Âu 2025 sẽ có sự tham dự của các nhà văn hải ngoại được mời bởi các Viện văn hóa, Đại sứ quán các nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Ý.

Các nhà văn sẽ cùng thảo luận về những chủ đề văn học khác nhau, từ câu chuyện về những trăn trở và suy tư góp phần làm nên những diện mạo đặc trưng của văn học di dân, đến những vấn đề về giới với những câu chuyện của các nhà văn nữ.

Đặc biệt, độc giả yêu văn chương và các cây viết trẻ cũng sẽ có dịp trao đổi gần gũi hơn với các nhà văn gốc Việt thông qua những buổi trò chuyện văn chương, hay các workshop nhằm đặt ra những thảo luận về sáng tạo văn chương dưới góc nhìn liên ngành.

Các thảo luận, tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chương trình có thể kể đến như: Thảo luận “Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa” diễn ra chiều 5.5 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

Thảo luận “Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu” ngày 6.5, tại tầng 2, Deutsches Haus (TP. Hồ Chí Minh); Thảo luận “Những tự sự di dân: Văn chương, Căn tính và Di sản văn hóa” diễn ra ngày 7.5 tại Huế.

Tại Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Thảo luận “Âm vang kiên cường: Những tiếng nói của nữ nhà văn Việt hải ngoại” diễn ra ngày 8.5; Thảo luận “Cội nguồn Cảm hứng: Văn hóa, Trải nghiệm và Con chữ” diễn ra ngày 10.5 và Tọa đàm “Graphic novel - Truyện tranh hay Tranh truyện: Khi văn chương và lịch sử “kết duyên” cùng hội họa” ngày 11.5, tại Nhà xuất bản Kim Đồng; Thảo luận “Căn tính di dân và sang chấn thế hệ” diễn ra ngày 11.5.

Cùng với đó là các Workshop: “Từ Báo Chí Đến Podcast: Nghệ thuật làm podcast với chất liệu báo chí” ngày 5.5 tại Tp. HCM; “Hành trình viết tiểu thuyết: Từ khởi đầu đến hoàn thiện” ngày 9.5 tại Hà Nội; “Viết kịch bản phim: Một cuộc kiếm tìm cùng Nghiêm Quỳnh Trang” ngày 10.5 tại Hà Nội; “Kết hợp Kỹ thuật báo chí vào viết tiểu thuyết” ngày 10.5 tại Hà Nội; “Thưởng phim: Cùng thưởng thức và thử làm phim hoạt hình” ngày 11.5 tại Hà Nội; “Từ báo chí đến podcast: Nghệ thuật làm podcast với chất liệu báo chí” ngày 12.5 tại Hà Nội.

HÀ AN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/tieng-noi-cua-van-hoc-di-dan-chu-de-cua-nhung-ngay-van-hoc-chau-au-2025-131152.html
Zalo