Điện Biên Phủ: Từ khói súng đến ký ức không bao giờ phai
Tháng Năm trở về, ký ức về chiến trường Điện Biên Phủ lại sống dậy trong lòng cụ Trần Minh Trường – cựu chiến binh kiên cường. Dù đã hơn 90 tuổi, cụ vẫn giữ vẹn nguyên những nhịp bước hào hùng trên mảnh đất lịch sử, nơi căn nhà đơn sơ ở xóm 4, xã Quỳnh Diễn (Nghệ An), đôi mắt cụ vẫn cháy bỏng, không bao giờ phai mờ.
Điện Biên Phủ - chiến dịch của cả dân tộc
Nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta thường nghĩ đến những trận địa pháo, đến đồi A1, Him Lam, Độc Lập, đến ngày 7/5/1954 khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.
Nhưng với những người trong cuộc như cụ Trường, Điện Biên còn là từng nhát cuốc, từng đường hào, từng bữa cơm nắm chan nước mắt, và cả cái chết cận kề mà không ai chùn bước.

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang hoàng trên chiếc xe tăng thu được của địch để diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu.
Sinh năm 1934, lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo ở Quỳnh Diễn, cụ Trường là con thứ hai trong nhà, mới gần 20 tuổi đã khoác ba lô theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông.
Tháng 1/1953, cụ nhập ngũ vào Trung đoàn 77 (Phú Thọ), sau đó được điều về Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 – một trong những đơn vị chủ lực của chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Khi ấy, tôi chẳng biết Điện Biên ở đâu, chỉ biết là phải đi đánh giặc. Địch ở đâu, ta tiến đến đó. Không ai tính toán chuyện sống chết, chỉ nghĩ đến Tổ quốc đang cần,” cụ Trường chậm rãi kể.
Trong lòng chiến dịch – nơi sự sống treo giữa làn bom
Ngay sau khi vào chiến dịch, ông được giao nhiệm vụ là lính thông tin – công việc mà cụ gọi là “nối những mạch máu” giữa chiến trường. Khi ấy, thông tin liên lạc chủ yếu qua điện thoại dây.
Mỗi cuộn dây do Trung Quốc viện trợ chỉ dài vài trăm mét, nên để truyền lệnh từ sở chỉ huy đến các đại đội, trung đội, hàng chục chiến sĩ phải thay nhau vác dây, nối dây, thậm chí đào rãnh giữa mưa bom để chôn dây ngầm.

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ký ức Điện Biên Phủ vẫn luôn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Trần Minh Trường.
Có lần, khi đang thi công tuyến dây mới, cụ Trường phát hiện một đường dây lạ của địch – nhỏ hơn, nhẹ hơn. Lập tức, ông huy động tổ của mình đào lấy, tái sử dụng vào tuyến liên lạc của ta. “Đến khi tiếng nói từ đầu dây bên kia vang lên giữa màn đêm, tôi vừa mừng, vừa nghẹn. Cảm giác như bắt được ánh sáng giữa lòng đất tối”, cụ xúc động.
Nhiều khi, đường dây bị bom phá đứt đoạn, cụ lại phải lần mò giữa khói đạn để khôi phục. “Chỉ cần một mệnh lệnh không tới nơi đúng giờ là nhiều chiến sĩ có thể hy sinh oan. Nên nhiệm vụ của chúng tôi, dù không nổ súng, nhưng luôn ở ranh giới sinh tử.”
Giao thông hào – biểu tượng của lòng dân, ý chí quân
Ngoài nhiệm vụ thông tin, cụ Trường cùng đơn vị còn tham gia đào công sự, giao thông hào – hệ thống hầm hào huyền thoại của chiến dịch. Giao thông hào không chỉ là con đường tiến quân, mà còn là thành quả của hàng vạn đôi tay, là sự tích tụ của ý chí và kiên trì.
“Đào ban ngày thì bị máy bay phát hiện ném bom, đào ban đêm thì rét buốt, mưa dầm. Cứ đào được 1 mét lại bị sụt lở, lại làm lại. Có hôm, đào xong cả đêm thì trời mưa, nước đổ về lấp đầy, sáng lại bắt đầu từ đầu. Cứ vậy mà chúng tôi xuyên rừng, khoét núi suốt mấy tháng trời”, cụ nhớ lại.
Cụ kể, những dụng cụ khi ấy rất thô sơ – xẻng, cuốc, tay người, không có máy móc. Nhưng chỉ trong vài tháng, quân ta đã đào được hàng trăm cây số giao thông hào, luồn dưới lòng địch, nối liền các trận địa. “Đó là kỳ tích, nhưng cũng là máu, là mồ hôi của hàng vạn chiến sĩ trẻ, có người chưa đầy 18 tuổi.”
Những trận đánh không có giờ nghỉ
Những ngày tháng 4, đầu tháng 5/1954 là thời khắc cam go nhất của chiến dịch. Trung đoàn 209 của cụ được giao nhiệm vụ chủ công đánh vào các đồi D, E và đặc biệt là đồi A1 – nơi mang tính then chốt quyết định cục diện toàn mặt trận.

Chiếc khăn dù, bình tông đựng nước uống là kỷ vật theo suốt những năm tháng chiến tranh hiện được cụ lưu giữ cẩn thận.
“Có hôm chúng tôi đánh từ chiều đến tận sáng hôm sau. Không được ngủ, không có thời gian ăn. Chỉ hai vắt cơm nắm muối trắng. Có trận, vừa ngồi xuống ăn thì pháo giặc dội tới, lại bỏ bát cơm mà lên trận. Nhiều đồng đội ngã xuống vẫn còn cơm trong túi áo.”
Cụ nhớ như in trận đánh ác liệt tại đồi A1 – nơi bộ đội ta phải chiến đấu giằng co từng mét hào, từng ụ súng. “Súng trường, trung liên, tiểu liên… bắn liên hồi. Đạn pháo của địch dội xuống như mưa. Nhưng không ai chùn bước. Cứ người này ngã xuống, người sau lại xông lên.”
Nhắc đến người đồng đội Phan Đình Giót, cụ Trường lặng đi vài giây. “Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc ấy. Anh Giót ôm bộc phá, lao lên bịt lỗ châu mai địch. Cả đơn vị lặng người. Nhưng nhờ anh ấy, chúng tôi xông lên tiêu diệt được cứ điểm Him Lam, mở màn chiến thắng.”
Khi chiến thắng cũng là nước mắt
Ngày 7/5/1954, cả chiến trường Điện Biên Phủ như vỡ òa. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries. “Tôi không khóc khi ra trận, nhưng tôi đã khóc trong ngày ấy”, ông Trường nói. “Khóc vì mừng, vì sống sót, nhưng cũng vì biết bao người bạn, người anh em mãi mãi nằm lại ở lòng chảo ấy.”

Cụ Trường được Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.
Khi nhắc đến những đồng đội không trở về, cụ Trường nghẹn lời, mắt rưng rưng. Cụ lần lượt đọc tên từng người: “Thằng Bình, thằng Giáp, anh Lễ... đều là những người con xứ Nghệ, chưa kịp sống trọn tuổi thanh xuân.”
Sau chiến dịch Điện Biên, cụ tiếp tục công tác trong quân đội suốt 36 năm. Trở về quê hương, người lính năm xưa lại trở thành người cán bộ gương mẫu, người ông, người cha mẫu mực, luôn giữ cho mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Cụ tích cực vận động bà con chấp hành chính sách, pháp luật, đóng góp xây dựng nông thôn mới, nuôi dạy con cháu giữ gìn truyền thống.
“Bây giờ không còn súng đạn, nhưng cần phải giữ vững tinh thần Điện Biên: không lùi bước trước khó khăn, biết sống vì cộng đồng, vì đất nước”, cụ nhắn nhủ.
Với con cháu, cụ Trường không chỉ là ông nội, ông ngoại mà còn là người truyền cảm hứng. Cụ kể chuyện Điện Biên cho cháu nghe như kể về một huyền thoại có thật. “Để chúng không quên máu đã đổ để giữ lấy hòa bình hôm nay.”
Khi được hỏi: “Nếu được quay lại thời điểm đó, ông có đi nữa không?” – cụ Trường không chút ngần ngại: “Đi chứ! Chúng tôi sống vì điều đó. Tổ quốc là nơi đặt trọn niềm tin, dù phải trả bằng xương máu.”
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào sử sách, nhưng câu chuyện của những người lính như cụ Trường – những con người “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” – vẫn là nhịp đập chân thật nhất của lịch sử. Họ là những người giữ lửa quá khứ, soi sáng cho thế hệ hôm nay.