GS Ngô Bảo Châu: Chương trình toán hiện hành không nặng
Trả lời PV Tiền Phong, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán cho rằng, chương trình hiện hành không nặng hơn những chương trình trong quá khứ, không nặng hơn các nước khác. Nhưng trước mắt có lẽ cần xem xét cách kiểm tra đánh giá và cách dạy, tuyệt đối không dùng các bài toán mẹo mực đánh đố nữa.
Cần xem lại cách dạy và cách đánh giá
Thưa GS, được biết, Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán vừa có khảo sát, đánh giá về môn toán trong chương trình GDPT 2018. Ông có thể chia sẻ một số đánh giá về chương trình toán mà học sinh phổ thông Việt Nam đang theo học hiện nay ra sao?
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Viện nghiên cứu cao cấp về toán đã thành lập một tổ nghiên cứu để so sánh chương trình toán của học sinh phổ thông ở Việt Nam với các nước khác.
Đây là một nghiên cứu đối sánh toàn diện về nội dung, thời lượng, phương pháp dạy và học môn toán, cùng với các hình thức kiểm tra, đánh giá. Tổ nghiên cứu được thành lập từ tháng 10/2024, kiện toàn và đi vào công việc, đã có một số kết quả ban đầu trong đó có việc thu thập chương trình khung của một nước tiêu biểu để nghiên cứu đối sánh và bắt đầu lập bảng hỏi.
Đây là một đề án nghiên cứu dài hơi nhưng theo kế hoạch, tổ nghiên cứu dự kiến đưa ra một số kết luận ban đầu vào đầu hè này.
Hiện tại, tôi chỉ có thể chia sẻ một số suy nghĩ riêng của cá nhân tôi vì tổ nghiên cứu đối sánh còn chưa đến giai đoạn tổng kết.

GS Ngô Bảo Châu. (ảnh: Như Ý)
Một số ý kiến cho rằng, chương trình môn toán giáo dục phổ thông hiện nay quá nặng, nhiều dạng bài khó, là thách thức đối với học sinh các cấp. Đây cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến việc học sinh phải học thêm, nếu không sẽ không giải quyết được bài tập trên lớp cũng như phục vụ các kỳ thi. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Ở các nước như Trung quốc, Singapore, Hàn Quốc, Israel về cơ bản chương trình toán phổ thông nặng hơn nhiều so với ở Việt Nam.
Chương trình A-level của các nước trong cộng đồng Anh đi sâu hơn nhiều, đặc biệt ở mảng toán ứng dụng, so với chương trình ở nước ta. Chương trình ở các nước như Malaysia, Indonesia thì có lẽ nhẹ hơn chương trình ở Việt Nam. Ta thấy sự phân hóa giữa các nước ở nhóm đầu là nhóm các nước có tham vọng phát triển công nghệ.
Tôi cũng có nghe nhiều cha mẹ học sinh phản ánh là chương trình toán phổ thông bây giờ nặng quá, bản thân cha mẹ còn không giúp được con mình làm bài tập ở mức trung học cơ sở. Nhưng nếu so sánh giữa chương trình toán phổ thông hiện tại với quá khứ thì không thấy nặng hơn, có chỗ còn nhẹ đi, chỉ có phần xác suất thống kê được bổ sung nội dung và triển khai sớm hơn.
Về cơ bản, việc bổ sung nội dung xác suất thống kê là hợp lý và cần thiết vì đó là những kiến thức toán học cần thiết nhất trong cuộc sống hiện đại.
Điểm khác nhau cơ bản giữa chương trình hiện tại và trong quá khứ không phải là ở tổng số kiến thức, là cách sắp xếp nội dung kiến thức theo các năm học. Theo quy định hiện hành, mỗi học kỳ học sinh phải học đủ các phần hình học, đại số, xác suất và một phần vì thế nội dung được sắp xếp theo mô hình đồng tâm xoắn ốc.
Mỗi nội dung được sẽ đề cập đến nhiều lần, ở nhiều lớp học, mỗi lần sâu hơn một ít. Mô hình này có lý về mặt sư phạm vì việc học của mỗi người nói chung đều đi theo con đường đồng tâm xoắn ốc. Tuy nhiên hệ lụy là vào mỗi học kỳ, học sinh phải học nhiều thứ quá mà không học được cái gì sâu cả. Có lẽ đây là một nguyên nhân tạo nên cảm giác quá tải.
Điều mà chúng ta cần đòi hỏi ở học sinh là nắm được khái niệm và có tư duy toán học, có khả năng triển khai tính toán và vận dụng, chứ không bắt học sinh làm những dạng bài khó vốn chỉ dành cho các học sinh chuyên.
Ngoài ra, và có lẽ quan trọng hơn, chúng ta cần suy nghĩ lại về cách dạy toán và cách kiểm tra đánh giá. Điều mà chúng ta cần đòi hỏi ở học sinh là nắm được khái niệm và có tư duy toán học, có khả năng triển khai tính toán và vận dụng, chứ không bắt học sinh làm những dạng bài khó vốn chỉ dành cho các học sinh chuyên. Đòi hỏi này trước hết phải được thể hiện trong cách kiểm tra, đánh giá, rồi sẽ lan tỏa ra việc dạy và học.
Làm nhẹ chương trình, tương lai sẽ gặp khó về nhân lực
Theo GS, để nâng cao chất lượng dạy học môn toán cũng như tạo cho học sinh sự hứng thú, ham mê, thích học thay vì buộc phải học, ông có ý kiến, đề xuất gì?
Ở một số nước công nghệ phát triển như Israel, học sinh phổ thông học toán rất nhiều và sâu không chỉ vì đam mê mà vì học toán là con đường chắc chắn nhất để đi vào công nghệ và đảm bảo độc lập kinh tế. Xu hướng lành mạnh mà tôi mong muốn là, trong tương lai, sẽ vẫn còn một nhóm nhỏ học sinh học toán vì say mê, nhưng đại đa số học sinh sẽ học toán vì sinh kế. Việc dạy và học toán ở trường phổ thông cũng cần tiến hóa để phù hợp với xu hướng này.
Ông có so sánh thế nào về việc học sinh học toán ở Mỹ và ở Việt Nam, thưa GS?
Giáo dục phổ thông ở Mỹ rất phân hóa. Trẻ ở các khu nhà nghèo thì học toán rất ít, trẻ ở các khu nhà giàu thì học toán rất nhiều, nhiều hơn Việt Nam.
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 tăng cường quản lý về dạy thêm, học thêm. Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể quản lý được hoạt động này vì có cung ắt có cầu. Theo ông, gốc rễ của vấn đề dạy thêm là do đâu và giải pháp để giảm thiểu cũng như hướng tới trường học không dạy thêm như ý chí của Bộ GD&ĐT đợt này?
Về cơ bản, việc dạy thêm học thêm không có gì là sai nếu đó là hành động tự nguyện. Nếu vì lý do này khác mà học sinh bị bắt đi học thêm thì sai rồi.
Trong thực tế, một số thầy cô giáo thay vì đảm bảo dạy toàn bộ nội dung chương trình giáo dục phổ thông trong các tiết học chính quy thì lại yêu cầu học sinh đi học thêm để dạy nốt. Việc này là sai.

"Cần đảm bảo quyền cơ bản của học sinh là không phải học thêm, chỉ cần nghiêm túc học trên lớp là đủ để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông", GS Ngô Bảo Châu nói.
Bên cạnh đó, nhiều người phản ánh rằng không đi học thêm thì không đi thi được. Nếu đúng thế thì cũng cần phải xem xét lại phương pháp kiểm tra đánh giá và dạy học. Cần đảm bảo quyền cơ bản của học sinh là không phải học thêm, chỉ cần nghiêm túc học trên lớp là đủ để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
"Có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông môn toán bây giờ nặng quá, nếu không học thêm thì không dạy hết được. Đánh giá sơ bộ tôi thấy chương trình hiện hành không nặng hơn những chương trình trong quá khứ, không nặng hơn các nước khác", GS Ngô Bảo Châu.
Khung pháp lý cho việc dạy thêm học thêm là cần thiết để không vi phạm quyền lợi hợp pháp của học sinh, trong đó có quyền không phải đi học thêm.
Tôi thấy việc dạy thêm có thu phí cần được đăng ký như một hình thức kinh doanh dịch vụ đặc thù và phải tuân thủ theo một số quy định để quyền lợi các bên tham gia được đảm bảo.
Khung pháp lý đặc thù cho việc dạy thêm và học thêm là cần thiết nhưng nên được giữ ở mức đơn giản để các thầy cô giáo, nếu muốn, có thể tự đăng ký mà không cần đến hỗ trợ pháp lý tốn kém.
Có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông môn toán bây giờ nặng quá, nếu không học thêm thì không dạy hết được. Đánh giá sơ bộ tôi thấy chương trình hiện hành không nặng hơn những chương trình trong quá khứ, không nặng hơn các nước khác. Nhưng trước mắt có lẽ cần xem xét cách kiểm tra đánh giá, và cách dạy, tuyệt đối không dùng các bài toán mẹo mực đánh đố nữa. Về lâu dài, cần xem xét lại cách áp dụng mô hình đồng tâm xoắn ốc và chú trọng hơn đến việc đảm bảo mạch kiến thức.
Nếu làm nhẹ hơn nữa chương trình phổ thông môn toán, chắc chắc trong tương lai Việt Nam sẽ gặp khó khăn về nhân lực để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ.
Lớp học thêm truyền thống không khác tiết học ở trường
Hiện nay, phụ huynh Việt Nam khá hoang mang, lo lắng con sẽ học kém, thua thiệt khi các lớp dạy thêm, học thêm dừng hoạt động. Ông có lời khuyên nào đối với phụ huynh khi con học Toán nói riêng và phương pháp tự học nói chung?
Tôi không nghĩ các lớp dạy thêm học thêm sẽ dừng hoạt động. Có chăng thì các lớp dạy thêm tự phát sẽ phải đăng ký kinh doanh dịch vụ và tuân thủ một số quy định mới cho việc dạy thêm học thêm.
Ngoài ra, phụ huynh và học sinh có thêm lựa chọn là các chương trình hỗ trợ trực tuyến mà tôi tin rằng chất lượng sẽ ngày một tốt hơn.
Các lớp dạy học thêm truyền thống thực ra không khác nhiều lắm so với các tiết học ở trường. Trong tương lai, học sinh có thể tìm được các bài giảng phụ trợ trên các chương trình học tập trực tuyến cũng như hệ thống bài tập để tự luyện tập. Trong các lớp học thêm trong tương lai, thay vì thầy hỏi học sinh trả lời, tốt hơn là để học sinh hỏi thầy trả lời. Đấy chính là mô hình tutoring hay office hours ở các trường Anh Mỹ mà tôi thấy rất hiệu quả (nhưng tốn kém).
Nếu làm nhẹ hơn nữa chương trình phổ thông môn toán, chắc chắn trong tương lai Việt Nam sẽ gặp khó khăn về nhân lực để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ - GS Ngô Bảo Châu.