Gỡ vướng để phát triển kinh tế tư nhân
Từ đầu tháng 5-2025 đến nay, vấn đề được dư luận, doanh nghiệp (DN) quan tâm nhiều là việc Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 4-5-2025. Sau đó, ngày 17-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân. Đồng thời, cũng trong ngày 17-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198 của Quốc hội.
Hầu hết các DNTN đều kỳ vọng những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ hiện đại sẽ được tháo gỡ. Như vậy, DNTN sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhìn lại quá trình gần 40 năm phát triển, kinh tế tư nhân Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như: đóng góp hơn 50% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước, 60% vốn phát triển xã hội, giải quyết việc làm cho 82-85% lao động. Hiện Việt Nam có gần 1 triệu DN nhưng chỉ đạt 10 DN/ngàn dân vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực châu Á như: Hàn Quốc 140 DN/ngàn dân, Singapore đạt 110 DN/ngàn dân, Thái Lan đạt 42 DN/ngàn dân, Nhật Bản đạt 32 DN/ngàn dân, Malaysia 28 DN/ngàn dân. Tốc độ DNTN Việt Nam rút khỏi thị trường tăng cho thấy môi trường sản xuất, kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn nên các DNTN đã không trụ được. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm DN phải rút khỏi thị trường tăng từ 14-20%.
Các vướng mắc về thể chế, chính sách đang được Đảng, Nhà nước quan tâm tháo gỡ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, trong thời gian tới, các DN đối mặt với những khó khăn khác như: tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở nhiều nơi diễn ra gay gắt, tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, đầu tư toàn cầu chậm lại, bất ổn, rủi ro gia tăng... Đặc biệt, Mỹ dự kiến sẽ áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 46% và Chính phủ đang gấp rút đàm phán để giảm thuế quan. Nếu đàm phán thuận lợi, Mỹ giảm thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam về 10% sẽ là cơ hội tốt cho DNTN phát triển mới, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là dịp để các DN cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, thị trường, tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường khi có biến động sẽ chịu rủi ro rất lớn.