Giữ vững danh hiệu 'Thành phố xanh quốc gia'

Huế đang đứng trước cơ hội trở lại 'đường đua' trở thành 'Thành phố xanh quốc gia' trong chương trình 'One Planet City Challenge' (Thành phố xanh) (OPCC) do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) phát động. Song để tiếp tục đạt danh hiệu này, Huế cần phát huy được 'bản sắc xanh' từ văn hóa và cộng đồng, đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn trong hạ tầng và quy hoạch.

 Phân loại rác tại nguồn mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: WWF - Việt Nam

Phân loại rác tại nguồn mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: WWF - Việt Nam

Nền tảng vững chắc

Chương trình OPCC được xem là một trong những thước đo khắt khe nhất trên bình diện toàn cầu đối với các thành phố trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và huy động sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ môi trường. Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam đạt danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” vào năm 2016 và lọt vào danh sách 18 thành phố tiêu biểu toàn cầu. Trong kỳ OPCC 2025, Huế tiếp tục lọt vào vòng chung khảo và tham gia chiến dịch truyền thông quốc tế “We Love Cities” do WWF tổ chức.

Theo PGS.TS. Trần Anh Tuấn, cố vấn kỹ thuật của OPCC, chương trình này nhấn mạnh thông điệp: Con người chỉ có một hành tinh và chúng ta cần chung tay bảo vệ nó. “OPCC chú trọng các hành động giảm thiểu BĐKH liên quan đến xây dựng, giao thông, năng lượng… Một số tiêu chí quan trọng mà OPCC xét đến như: Chiến lược hoặc kế hoạch hành động khí hậu, hiệu quả giảm phát thải, tính bền vững toàn diện, sáng kiến và khả năng nhân rộng, sự tham gia của cộng đồng, khả năng thích ứng với BĐKH”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn cho biết.

Thực tế, Huế có một nền tảng vững chắc từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để một lần nữa đạt được danh hiệu Thành phố xanh quốc gia năm 2025. Theo PGS.TS. Lê Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Huế có vị trí rất đặc biệt với hệ sinh thái rất đa dạng, gồm: sông - núi - biển cùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là điều kiện thuận lợi để Huế phát triển những giải pháp giảm tác động của BĐKH dựa vào thiên nhiên, một tiêu chí quan trọng của OPCC. Bên cạnh đó, với vị trí sát biển và thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, bão và lũ lụt, buộc Huế phải luôn có những kế hoạch chủ động để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Huế đang phát triển theo định hướng là đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”, đồng thời, cũng dành nhiều nguồn lực để phát triển theo hướng xanh, chống BĐKH. Theo đó, nhiều dự án, phong trào, hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, hoạt động phân loại rác tại nguồn… Huế cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Mạng lưới các thành phố giảm nhựa của WWF. Thành phố quan tâm phát triển xe buýt điện, dịch vụ thuê xe đạp công cộng, khuyến khích sử dụng các loại năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà, hệ thống chiếu sáng thông minh, điện rác…

“Với việc thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, nên chính quyền cũng như người dân luôn chủ động và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Qua đó, ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao, góp phần giảm thiểu BĐKH. Những cơ sở đó giúp Huế có nhiều ưu điểm để OPCC ưu tiên lựa chọn”, PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế nhìn nhận.

Phát huy “bản sắc xanh” từ văn hóa và cộng đồng

Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” một lần nữa và vươn xa hơn trên bản đồ phát triển bền vững toàn cầu, Huế không thể không đối diện với những thách thức nội tại. Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Huế, hiện nay, hệ thống xử lý nước thải đô thị vẫn chưa hoàn thiện, tỷ lệ xử lý đạt quy chuẩn mới chỉ khoảng 25%. Tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, con số này lần lượt là 33,3% và 0%. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số môi trường đô thị và là điểm trừ trong tiêu chí mà OPCC đưa ra.

Song song đó, tiến độ phân loại rác tại nguồn còn chậm. Mặc dù đã có chủ trương triển khai từ vài năm qua, song việc thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ và chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) cho biết, Nhà máy điện rác Phú Sơn hiện chỉ xử lý rác cho 6/9 quận, huyện, thị xã trong thành phố, phần còn lại đa số chưa được xử lý đảm bảo quy chuẩn.

Một vấn đề khác là Huế vẫn phụ thuộc lớn vào các nguồn năng lượng truyền thống. Như nhiều đô thị ở Việt Nam, sản xuất và tiêu dùng tại Huế vẫn phụ thuộc lớn vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mới dừng ở quy mô thí điểm. Trong khi đó, dù chương trình phát triển xe đạp công cộng tại Huế do UBND thành phố (cũ) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Công ty cổ phần Vietsoftpro triển khai thực hiện thí điểm và hiện đã có gần 20 điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố, nhưng thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân vẫn còn phổ biến và dịch vụ này vẫn còn ít du khách, người dân lựa chọn.

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Huế, kế hoạch hành động để ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 của Huế hiện chưa được cập nhật với các mục tiêu giảm phát thải rõ ràng và có căn cứ khoa học. Hiện, Huế chỉ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Điều này sẽ gây bất lợi khi so sánh với các thành phố khác đã công bố lộ trình hành động cụ thể theo chuẩn quốc tế như GcoM (Global Covenant of Mayors for Climate & Energy - Liên minh Toàn cầu các Thị trưởng vì khí hậu và năng lượng) hay Cities Race to Zero (chiến dịch toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm huy động các thành phố và chính quyền đô thị cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050).

Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Huế đang hội tụ đủ các điều kiện để tiến xa hơn trong chương trình “Thành phố xanh quốc tế”. Tuy nhiên, để chạm đích, điều quan trọng là thành phố cần tăng tốc ở những “nút chặn” về thể chế, hạ tầng kỹ thuật và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Nếu biết cách phát huy “bản sắc xanh” từ văn hóa và cộng đồng, đồng thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hạ tầng và quy hoạch, Huế hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu phát triển xanh tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong mạng lưới OPCC toàn cầu.

Đăng Trình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/giu-vung-danh-hieu-thanh-pho-xanh-quoc-gia-153122.html
Zalo