Giữ vị thế cho cà phê Việt (*): Đầu tư vào nội lực

Chỉ có đầu tư vào sản xuất bền vững là giải pháp lâu dài cho cà phê Việt

Anh Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH iForest (Đắk Lắk), là một người trẻ "bỏ phố về rừng" để khởi nghiệp với mô hình cà phê bền vững từ năm 2021. Khởi đầu với 6 ha vườn nhà, đến nay anh đã mở rộng lên 26 ha nhờ liên kết với các hộ nông dân.

Tăng giá trị cho vườn cà phê

Nông trại cà phê bền vững iForest đã có 3 năm liên tiếp sở hữu lô cà phê Robusta đạt chứng nhận "cà phê đặc sản" với điểm số trên 80 do Ban Tổ chức Cà phê đặc sản Việt Nam trao tặng vào các năm 2023, 2024 và 2025.

Phương pháp của anh Dũng và cộng sự là áp dụng đa dạng sinh học trong canh tác, giúp tăng độ màu của đất, giữ nước và tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Không chỉ từ cà phê mà còn từ hạt tiêu, mắc ca, sầu riêng, mật ong... Riêng sản phẩm cà phê được chế biến chất lượng cao và rang đặc sản, hiện có giá bán lên tới 540.000 đồng/kg. Nhờ đó, doanh thu vườn cà phê xen canh của anh đạt khoảng 900 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Trong khi đó, mô hình chuyên canh cà phê, dù giá hiện tại cao tới 130.000 đồng/kg nhưng doanh thu cũng chỉ khoảng 390 triệu đồng/ha.

Không chỉ dừng lại ở canh tác, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang tập trung vào xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Lộc - Đà Lạt Tự Nhiên (Quốc Lộc Coffee), chuyên xuất khẩu cà phê rang xay sang Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Mỹ..., tiết lộ bí quyết thành công chính là nguyên liệu cà phê nhân "xịn". Công ty này đã xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao, nhiều lô hàng được chứng nhận "đặc sản" nên luôn được khách hàng săn đón. Tuy nhiên, DN không bán nguyên liệu thô mà chỉ bán sản phẩm rang xay để giữ chuỗi giá trị. Do vùng nguyên liệu mở rộng chậm, Quốc Lộc Coffee thường xuyên phải từ chối các đơn hàng tăng thêm để giữ vững chất lượng.

Tương tự, ông Bùi Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết những năm qua, giá xuất khẩu tốt, nhu cầu toàn cầu tăng, thị trường nội địa phát triển, người tiêu dùng cũng có xu hướng ưa chuộng cà phê sạch. Bên cạnh đó, công nghệ ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, giá cà phê tăng cao và biến động mạnh đang gây khó khăn cho việc ký hợp đồng dài hạn và định giá ổn định. Chi phí logistics, vận chuyển cũng leo thang. Thêm vào đó, người tiêu dùng nội địa nhạy cảm với giá, có xu hướng cắt giảm chi tiêu. "Giá cà phê biến động khiến DN khó dự báo thị trường, chi phí đội lên, việc lập kế hoạch tồn kho và quản lý hợp đồng dài hạn trở nên rủi ro" - ông Thắng cho biết.

Để giảm thiểu rủi ro, anh cho rằng cần phát triển chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân - hợp tác xã - DN. Người dân cần tuân thủ hợp đồng bao tiêu để DN yên tâm thực hiện các đơn hàng tương lai.

Ngoài ra, các DN cũng cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô, tăng cường quản trị rủi ro và xây dựng thương hiệu bền vững.

Thích ứng để phát triển

Bàn về xu hướng phát triển ngành, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco), nhận định ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thị trường biến động, năng suất thấp và chuỗi giá trị chưa tối ưu. Đặc biệt, yêu cầu về minh bạch nguồn gốc và giảm phát thải từ thị trường EU (chiếm hơn 40% thị phần) đòi hỏi ngành phải thay đổi mạnh mẽ. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, các DN xuất khẩu cần chứng minh sản phẩm không liên quan đến phá rừng, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ và gia nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Theo lãnh đạo Simexco, ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị cà phê giúp nâng cao chất lượng, tối ưu sản xuất và mở rộng thị trường. Trong bối cảnh hội nhập, đây là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cà phê Việt. Công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ lên men, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hương vị cà phê đặc sản.

Ông Dũng cho biết công ty ông đã chủ động ứng phó với quy định chống phá rừng của EU (EUDR) bằng cách ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản lý nhà cung cấp chặt chẽ, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và tuân thủ EUDR.

Công ty cũng đang hỗ trợ trực tiếp 9 hợp tác xã tại Đắk Lắk trong việc bao tiêu sản phẩm và xúc tiến đầu tư, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho nông dân. Mô hình hợp tác xã giúp tập hợp sức mạnh cộng đồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng đều chất lượng nguyên liệu và tăng khả năng tiếp cận thông tin thị trường cũng như kỹ thuật mới.

Bên cạnh đó, ngành cà phê cần phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng như cà phê hòa tan để gia tăng thu nhập cho nông dân và DN, đồng thời đáp ứng xu hướng tiêu dùng tiện lợi. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp tăng năng suất lao động 20%-30% và cải thiện chất lượng sản phẩm. Simexco đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ quản lý hơn 40.000 nông dân trên 50.000 ha. Việc tiếp thị số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng, cá nhân hóa chiến lược và tăng trải nghiệm người dùng.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cho rằng để phát triển ngành cà phê bền vững, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của khí hậu. Đồng thời, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh là hướng đi quan trọng để giữ vững vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. "Yêu cầu hiện nay là phát triển các sản phẩm cà phê có chứng nhận chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh trong toàn ngành. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút DN trong và ngoài nước tham gia liên kết sản xuất với nông hộ. Ngoài ra, cần ban hành và thực thi các chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển các chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao" - ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.

Phải tăng cường chế biến sâu

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết dù đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngành cà phê của tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Hiện nay, xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê nhân; cà phê hòa tan dù có tăng nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang, cà phê bột... vẫn rất ít, chất lượng chưa đồng đều, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ chế biến còn hạn chế.

(Còn tiếp)

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-5

NGỌC ÁNH - LÊ GIANG - CAO NGUYÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-vi-the-cho-ca-phe-viet-dau-tu-vao-noi-luc-196250514205552364.htm
Zalo