Ưu đãi thuế đúng mức với doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ
Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN) cần gắn với thể chế hóa kịp thời tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung ưu đãi thuế cho các DN trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Quang cảnh Phiên thảo luận về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH
Kéo dài thời gian miễn thuế tối đa với thu nhập từ khoa học, công nghệ
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi), tiếp thu ý kiến ĐBQH, để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung cho phép DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi phí bổ sung áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN; giao Chính phủ quy định chi tiết về mức chi được trừ bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng.
Khoản 4, Điều 4 Dự thảo Luật về thu nhập được miễn thuế nêu rõ: “Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm”.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) nhận xét, đây một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để DN đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
"Thực tế, nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, tái tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cần từ 5-10 năm để hoàn thiện, vì vậy tôi đề xuất tăng thời gian miễn thuế lên không quá 5 năm" - đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa 3 năm như Dự thảo Luật cơ bản phù hợp, nhưng thời gian 3 năm để khuyến khích đầu tư, đặc biệt lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ rất mới, chúng ta phải tiệm cận với thế giới là chưa đủ.
Vì vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với các lĩnh vực thực hiện nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ được ưu tiên như: Y tế, công nghệ sinh học, AI...
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung ưu đãi với ứng dụng khoa học và thử nghiệm, bởi đây cũng là khâu quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cũng cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa 3 năm sẽ không đủ để các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, các DN công nghệ cao vận hành từ hoạt động nghiên cứu phát triển.
Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu kéo dài thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu phát triển thuộc lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, cần ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá quy trình xác nhận để bảo đảm tính minh bạch và dễ áp dụng.
Thiết kế cơ chế kiểm soát rủi ro, hậu kiểm chặt chẽ
Cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) cũng quy định khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập DN, đồng thời, DN tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ này vào chi phí khi tính thuế TNDN.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Chính phủ đề nghị cho phép miễn thuế TNDN đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không phân biệt DN cho và DN nhận tài trợ có quan hệ liên kết hay không, nhằm tạo nguồn cho DN nhận tài trợ đủ nguồn lực thực hiện nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cho rằng, các khoản chi tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, nhất là đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi.
Vì vậy, từ góc độ quản lý thuế, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa DN cho và DN nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết.
Chia sẻ lo ngại của Cơ quan thẩm tra song đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, việc giới hạn miễn thuế chỉ đối với các khoản tài trợ từ bên trong, không có quan hệ liên kết là quá thận trọng, có thể làm giảm hiệu quả của chính sách.
Thực tế, phần lớn các đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hiện nay đều đến từ các tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn tư nhân lớn hoạt động theo mô hình liên kết.
“Nếu loại trừ các khoản tài trợ nội bộ, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo và làm suy yếu động lực lan tỏa công nghệ trong nền kinh tế” - đại biểu Lê Thu Hà nói.
Đại biểu cũng cho biết, nhiều quốc gia vẫn áp dụng ưu đãi cho tài trợ nội bộ đi kèm với cơ chế kiểm soát hiệu quả. Do đó, Dự thảo Luật cần thiết kế một cơ chế kiểm soát rủi ro thông minh, thực hiện hậu kiểm chặt chẽ, truy thu nếu có vi phạm, ban hành tiêu chí rõ ràng, khả thi, khuyến khích kiểm toán độc lập và tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan giám sát chuyên ngành.
Đồng quan điểm, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cũng đề nghị cho phép miễn thuế TNDN áp dụng cho mọi khoản tài trợ, không phân biệt DN cho và nhận tài trợ có quan hệ liên kết hay không.
Dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng ưu đãi thuế song chưa có cơ chế kiểm soát hậu kiểm rõ ràng để đảm bảo DN duy trì điều kiện trong thời gian hưởng ưu đãi. Vì vậy, tôi kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc các DN đang được miễn giảm thuế hoặc hưởng ưu đãi thuế phải chịu kiểm toán thuế định kỳ từ 3-5 năm một lần. Ngoài ra, cần bổ sung quyền cho các cơ quan thuế thu hồi ưu đãi nếu phát hiện DN không còn đáp ứng điều kiện. Đồng thời, DN cũng phải có trách nhiệm báo cáo hàng năm về việc duy trì điều kiện ưu đãi.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)