Kiến nghị chính thức hóa hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến đối với cán bộ, công chức

Đại biểu Quốc hội kiến nghị chính thức hóa hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến như là một phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, được áp dụng linh hoạt, đi kèm đó là cơ chế đánh giá kết quả công việc thật sự khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 14/5, có ý kiến đại biểu đề xuất bổ sung quy định về chế độ làm việc từ xa, làm việc trực tuyến đối với cán bộ, công chức. Đi kèm với đó là cơ chế đánh giá hiệu quả công việc thực chất, khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số; sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

ÁP DỤNG LINH HOẠT HÌNH THỨC LÀM VIỆC TỪ XA

Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cho biết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh hệ thống pháp luật để thích ứng với xu hướng làm việc linh hoạt, đặc biệt là hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến.

Thực tế thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid 19, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước đã từng bước thử nghiệm và triển khai làm việc từ xa, làm việc trực tuyến.

“Dù chưa được luật hóa nhưng hình thức làm việc này đã chứng minh tính khả thi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất công việc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có khoảng cách địa lý lớn sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nhận xét.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, phần mềm quản lý công, hệ thống văn bản điện tử, họp trực tuyến nhân dân đã và đang tạo nền tảng vững chắc để làm việc không phụ thuộc vào không gian địa lý.

“Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức hiện hành chưa có quy định chính thức về chế độ làm việc từ xa. Điều này gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và dễ tạo tâm lý e ngại trong việc đổi mới phương thức làm việc”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị chính thức hóa hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến như là một phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, được áp dụng linh hoạt, phù hợp theo vị trí việc làm, nhiệm vụ công tác, và điều kiện hạ tầng của từng cơ quan, đơn vị.

Để làm việc từ xa hiệu quả, đại biểu cho rằng cần có cơ chế đánh giá kết quả công việc thật sự khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra. Đồng thời, luật cần định hướng xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ, gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân; ứng dụng các công cụ số để giám sát, đánh giá công việc mà không cần giám sát trực tiếp.

Ngoài ra, đại biểu nhấn mạnh cần phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quyết định cho phép làm việc từ xa, bảo đảm nguyên tắc, hiệu quả, kỷ luật và kiểm soát được tiến độ, chất lượng công việc. Việc này cũng giúp tăng tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức có hoàn cảnh đặc biệt mà vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt khác, trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả quản lý, đại biểu cho rằng làm việc từ xa sẽ giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí hành chính. Đồng thời, cũng sẽ góp phần giữ chân được đội ngũ cán bộ có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện công tác tập trung.

“Đây là một bước đi phù hợp để thích ứng với yêu cầu mới của quản trị Nhà nước hiện đại. Nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân thì cũng không thể giữ mãi cách làm việc cứng nhắc, máy móc gắn chặt với thời gian, địa điểm mà bỏ qua hiệu quả thực chất”, nữ đại biểu tỉnh Bến Tre góp ý.

Theo đại biểu, việc luật hóa hình thức làm việc từ xa và đổi mới cơ chế đánh giá công việc không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu suất hoạt động của cả hệ thống.

PHÂN LOẠI RÕ CÁC NHÓM CÔNG CHỨC

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, nói dự thảo Luật hiện tại sử dụng khái niệm công chức theo hướng bao quát, nhưng chưa thực sự làm rõ sự khác biệt giữa các nhóm công chức theo tính chất, chức năng công vụ.

Vì thế, đại biểu đề nghị luật nên phân loại rõ ràng thành phần công chức thành các nhóm, một là công chức hành chính, hai là công chức chuyên môn kỹ thuật, ba là công chức đặc thù như tòa án, kiểm sát, ngoại giao.

Việc phân loại này sẽ giúp xác định chính xác yêu cầu tuyển dụng, đánh giá đào tạo, lộ trình nghề nghiệp của từng nhóm, tương tự như mô hình công vụ của Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi hệ thống công chức được chia thành 3 nhóm chức năng rõ rệt, từ đó áp dụng các chế độ quản lý linh hoạt và phù hợp hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quochoi.vn.

Liên quan đến phân loại công chức, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng chế độ công vụ của chúng ta là thống nhất, cán bộ, công chức đều thực hiện chung các quy định về quyền và nghĩa vụ, cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý đều thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về chế độ, chính sách cơ bản giống nhau, dù hoạt động cơ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể hay trong lực lượng vũ trang đều là hoạt động công vụ. Mặt khác, nếu phân loại theo cơ quan công tác thì trong cả hệ thống chính trị còn rất nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, tổ chức không thể liệt kê hết.

Do đó, đại biểu đề nghị không nên phân loại công chức theo cơ quan công tác như dự thảo. Việc phân loại công chức theo thứ bậc cũng cần chú ý, hiện tại có 5 mức độ ngạch từ cao cấp tới các ngạch khác.

Hơn nữa, ngạch cán sự và ngạch nhân viên không thể cùng một mức độ, thứ bậc về chuyên môn nghiệp vụ được. Đây cũng là vấn đề cần quy định khái quát, vì có thể cần bổ sung thêm ngạch chuyên gia, ngạch chuyên gia cao cấp đối với các vị trí công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách và chiến lược.

“Nếu quy định các ngạch này trong luật thì vô hình trung sẽ dẫn tới sự khép kín, tạo điểm nghẽn trong việc quy định các ngạch cụ thể trong chế độ công vụ việc làm. Tương tự như vậy, nếu quy định các ngạch công chức tại luật thì không nên giao cho Chính phủ quy định các ngạch khác nữa, quy định luôn trong luật các ngạch công chức là những gì, hoặc là giao Chính phủ quy định cụ thể”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-chinh-thuc-hoa-hinh-thuc-lam-viec-tu-xa-lam-viec-truc-tuyen-doi-voi-can-bo-cong-chuc.htm
Zalo