Nghị quyết số 68-NQ/TW – Bệ phóng cho kinh tế tư nhân Việt Nam
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nhằm góp phần lan tỏa tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68, Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài chuyên đề: 'Nghị quyết 68 – Bệ phóng cho kinh tế tư nhân Việt Nam' do TS. Trần Văn Khải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu và thể hiện.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: VGP
Nghị quyết số 68-NQ/TW là lời hiệu triệu để doanh nhân Việt trở thành “chiến binh thời bình” – dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường. Khu vực tư nhân được trao cơ hội và nguồn lực toàn diện, dẫn dắt kinh tế quốc gia tới phồn vinh 2045”.
Bài 1: Động lực mới cho kinh tế tư nhân – Từ 40 năm Đổi mới đến Nghị quyết 68
Bối cảnh và lý do cho một Nghị quyết mới
Gần 40 năm sau công cuộc đổi mới 1986, Việt Nam đã vươn mình từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường sôi động. Thành tựu phát triển là không thể phủ nhận: đất nước từ chỗ thiếu thốn đã trở thành một nền kinh tế năng động trong khu vực. Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình quốc tế và yêu cầu phát triển trong nước, mô hình tăng trưởng hiện tại đang bộc lộ những giới hạn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình số hóa, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức. Để không bị tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần một động lực mới cho tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được nhìn nhận là then chốt. Thực tế cho thấy không một quốc gia nào đạt được thịnh vượng mà thiếu đi một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Trên thế giới, khu vực tư nhân đã được chứng minh là “động cơ” chính của nền kinh tế: nó tạo ra 90% việc làm, đóng góp khoảng 70% GDP và tới 75% tổng đầu tư của các nền kinh tế đang phát triển.
Ở các quốc gia thuộc OECD, khu vực tư nhân cũng chiếm tỷ trọng áp đảo trong GDP và việc làm, là nguồn gốc của hầu hết các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, tại Việt Nam, dù khu vực tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, vẫn còn nhiều rào cản kìm hãm đóng góp của nó so với tiềm năng. Những động lực tăng trưởng cũ (lao động giá rẻ, đầu tư nhà nước, vốn FDI) dần suy giảm hiệu quả, đòi hỏi một sự chuyển dịch chiến lược. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thắp lửa cho khu vực tư nhân, biến khu vực này thành đầu tàu thực sự đưa nền kinh tế bứt phá.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đó. Ban hành ngày 4/5/2025, Nghị quyết 68 thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tạo động lực chiến lược mới cho phát triển đất nước – bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân.
Đây là một bước ngoặt quan trọng về tư duy phát triển: một lời khẳng định mạnh mẽ rằng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò khu vực tư nhân, sẵn sàng đổi mới tư duy và hành động quyết liệt vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Bối cảnh đòi hỏi và ý Đảng đã thuận, Nghị quyết 68 ra đời như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng khơi dậy xung lực giúp kinh tế tư nhân cất cánh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển quốc gia.
Nhìn lại 40 năm đổi mới: Hành trình khẳng định khu vực tư nhân
Trước đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân gần như “đi lên từ con số 0”. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), mô hình kế hoạch hóa tập trung khiến kinh tế tư nhân không được thừa nhận và bị xem là thứ cần xóa bỏ. Chỉ đến Đại hội VI năm 1986, với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, khu vực tư nhân mới bắt đầu được nhìn nhận trở lại. Từ đó, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy ngoạn mục: năm 1990, cả nước chỉ có vài nghìn cơ sở kinh doanh cá thể và rất ít doanh nghiệp tư nhân chính thức; nhưng chỉ 5 năm sau đổi mới, khu vực ngoài nhà nước đã tăng trưởng bình quân 6,2%/năm, cao hơn nhiều so với 1,9% của khu vực nhà nước. Việc ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đánh dấu bước ngoặt đầu tiên, mở đường cho làn sóng doanh nghiệp tư nhân hình thành.
Nếu như năm 1990 mới có khoảng 840 nghìn hộ kinh doanh cá thể, thì đến năm 1996 đã có 2,2 triệu hộ. Số doanh nghiệp tư nhân cũng tăng từ con số không đáng kể lên khoảng 30.000 doanh nghiệp vào giữa thập niên 1990. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp 1999 (có hiệu lực năm 2000) đã cởi trói mạnh mẽ cho kinh doanh tư nhân, tạo nên “làn sóng” khởi nghiệp sôi động kéo dài suốt hai thập kỷ đầu thế kỷ 21. Từ năm 2000 trở đi, hàng chục nghìn doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm, đưa khu vực tư nhân trở thành mảnh ghép không thể thiếu của nền kinh tế.
Về mặt chủ trương, Đảng đã từng bước đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân qua các kỳ Đại hội. Nếu Đại hội IX (2001) lần đầu khẳng định kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, thì đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (năm 2017), Nghị quyết 10-NQ/TW được ban hành, đặt mục tiêu “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nghị quyết 10 (2017) thể hiện bước đột phá khi chính thức xem khu vực tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Cụ thể, Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến 2025 có 1,5 triệu và năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP được kỳ vọng tăng lên khoảng 50% vào năm 2020, 55% năm 2025 và 60-65% vào năm 2030.
Nghị quyết 10 đã tạo cú hích quan trọng: môi trường đầu tư kinh doanh dần cải thiện, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh mẽ. Thực tế, số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đã tăng từ khoảng 550.000 (năm 2015) lên gần 800.000 vào năm 2020 và tiếp tục tăng sau đó. Các tập đoàn tư nhân lớn bắt đầu xuất hiện, vươn ra khu vực và thế giới trong những lĩnh vực như bất động sản, hàng không, công nghiệp ô tô, công nghệ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều mục tiêu đề ra từ 2017 đến nay chưa đạt được như kỳ vọng. Mốc 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 chưa thể cán đích đúng hạn; chất lượng và sức cạnh tranh của khu vực tư nhân vẫn là dấu hỏi. Điều này phản ánh một thực tế rằng cải cách nửa vời là chưa đủ – những điểm nghẽn cố hữu cần được tháo gỡ quyết liệt hơn.
Bước sang giai đoạn mới, với khát vọng trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một cú huých mạnh hơn cho kinh tế tư nhân. Đó chính là lý do sự ra đời của Nghị quyết 68 mang ý nghĩa lịch sử: tổng kết chặng đường 40 năm đổi mới, nhìn thẳng vào hạn chế, và đề ra tầm nhìn chiến lược mới để khu vực tư nhân “cất cánh” đóng góp xứng đáng cho đất nước.
Kinh tế tư nhân – trụ cột quan trọng của nền kinh tế hiện đại
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước. Điều đó có nghĩa là cứ 10 lao động thì hơn 8 người đang làm việc trong khu vực tư nhân – từ những doanh nghiệp lớn cho tới các hộ kinh doanh, tiểu thương.
Kinh tế tư nhân không chỉ tạo sinh kế cho phần lớn người dân, mà còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tế 40 năm qua cho thấy khu vực tư nhân đã góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội. Nhiều thương hiệu Việt đã hình thành và khẳng định tên tuổi trên thị trường khu vực, toàn cầu, như Vinamilk (sữa), Vingroup/VinFast (công nghệ, ô tô), Thaco (công nghiệp ô tô), Vietjet (hàng không), Masan (hàng tiêu dùng)... Những doanh nghiệp tư nhân tiên phong này vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, vừa mang hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động ra thế giới.
Đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân hiện hữu trong mọi ngành nghề, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho đến nông nghiệp. Khu vực tư nhân chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa về hàng tiêu dùng, bán lẻ, xây dựng, du lịch..., đồng thời ngày càng tham gia sâu hơn vào những lĩnh vực trước đây do kinh tế nhà nước thống lĩnh như hạ tầng, năng lượng, tài chính, công nghệ cao. Nhờ sự nhanh nhạy và linh hoạt, doanh nghiệp tư nhân thường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới và thích ứng với thị trường.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện khả năng chống chịu và sáng tạo, góp phần cùng nhà nước đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy vậy, nhìn một cách công bằng, tiềm năng của khu vực tư nhân Việt Nam còn rất lớn nếu được khơi thông mạnh mẽ hơn. So sánh quốc tế cho thấy dư địa phát triển còn nhiều: Tỷ trọng 50% GDP của kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước phát triển (nơi khu vực tư nhân thường đóng góp 70-80% GDP). Số lượng doanh nghiệp trên đầu người của Việt Nam cũng còn khiêm tốn – với khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn nhiều so với các nước OECD. Chúng ta mới chỉ có vài doanh nghiệp tư nhân đạt tầm cỡ khu vực về doanh thu và quy mô, trong khi ở các nền kinh tế lớn hơn, những tập đoàn tư nhân đa quốc gia là động lực chính đưa quốc gia tiến lên. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” và trở thành nước phát triển, việc phát huy tối đa nguồn lực tư nhân là con đường tất yếu.
Kinh nghiệm toàn cầu khẳng định khu vực tư nhân càng phát triển thì nền kinh tế càng năng động, sáng tạo, khả năng chống chịu và thích ứng càng cao. Đây chính là cơ sở để tin rằng việc Đảng ta đề ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới là đúng đắn và kịp thời.
Nghị quyết 68 – Vì sao cần thiết và mục tiêu hướng tới 2030, 2045
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do vấp phải nhiều điểm nghẽn kéo dài. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời một phần xuất phát từ thực tế này – nhằm giải quyết tận gốc những lực cản đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân, đồng thời đề ra tầm nhìn, mục tiêu dài hạn cho giai đoạn mới. Trước hết, cần nhìn thẳng vào những hạn chế chủ yếu của kinh tế tư nhân hiện nay:
Thứ nhất, quy mô nhỏ, phân mảnh: Phần lớn doanh nghiệp tư nhân nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và quản trị hạn chế. Số doanh nghiệp lớn rất ít, thiếu vắng các tập đoàn tầm cỡ dẫn dắt trong đa số lĩnh vực. Điều này khiến sức cạnh tranh chung của khu vực tư nhân còn thấp.
Thứ hai, hạn chế về công nghệ và nhân lực: Mức độ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến của nhiều doanh nghiệp còn thấp, dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả hoạt động chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực quản lý và lao động kỹ thuật cao, còn hạn chế.
Thứ ba, thiếu liên kết và tầm nhìn: Nhiều doanh nghiệp thiếu tầm nhìn chiến lược, kinh doanh ngắn hạn, đồng thời liên kết yếu với các doanh nghiệp khác. Sự kết nối giữa khu vực tư nhân với khu vực nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn lỏng lẻo, khiến chuỗi giá trị trong nước chưa hình thành vững chắc.
Thứ tư, môi trường kinh doanh chưa thật thuận lợi: Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập; thủ tục hành chính đôi khi phức tạp, chi phí tuân thủ cao. Quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh tuy đã được luật pháp bảo vệ nhưng trên thực tế chưa được đảm bảo đầy đủ, doanh nghiệp vẫn lo ngại rủi ro về pháp lý. Khu vực tư nhân cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực (vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao) do cạnh tranh với khu vực nhà nước và FDI hoặc do thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Một số chính sách ưu đãi của nhà nước còn khó tiếp cận hoặc chưa thực sự hiệu quả.

TS. Trần Văn Khải. Ảnh: Quochoi.vn
Chính những rào cản trên đã khiến kinh tế tư nhân chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, “chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước”. Để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia đến 2030 và 2045, việc tháo gỡ các điểm nghẽn này được xem là vấn đề cấp bách. Nghị quyết 68 ra đời nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể, toàn diện và đột phá để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nghị quyết nêu rõ: “đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động... với các giải pháp đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế...”. Điều này cho thấy Đảng ta nhìn nhận việc hỗ trợ khu vực tư nhân trỗi dậy không chỉ là cần thiết, mà là nhiệm vụ “cần thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 lần này đặt ra mục tiêu rất cao cho khu vực tư nhân vào các mốc 2030 và 2045, thể hiện tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng. Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu:
Một là, kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khu vực tư nhân được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.
Hai là, tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt bình quân 10 – 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nước. Đóng góp vào GDP khoảng 55 – 58%, vào ngân sách nhà nước khoảng 35 – 40%, và tạo việc làm cho khoảng 84 – 85% lực lượng lao động. Năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5 – 9,5%/năm.
Ba là, quy mô doanh nghiệp tăng mạnh: Cả nước có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động (tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân). Hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế.
Trình độ phát triển: Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực tư nhân thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu châu Á.
Vươn tầm xa hơn, tầm nhìn đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, khu vực tư nhân được định hướng sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trên phạm vi khu vực và quốc tế. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 2045 Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia. Khi đó, kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực chủ đạo, cùng với các khu vực kinh tế khác đưa Việt Nam vươn lên phát triển thịnh vượng.
Những mục tiêu trên cho thấy một vị thế mới được xác lập cho khu vực tư nhân trong chiến lược phát triển: từ chỗ là “một động lực quan trọng” (theo NQ 10 năm 2017) nay vươn lên thành “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Nói cách khác, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ là đầu tàu chiến lược kéo nền kinh tế tiến bước trong những thập niên tới. Đây là một thay đổi có tính đột phá về tư duy: mạnh dạn giao trọng trách và niềm tin cho khu vực tư nhân, coi khu vực này bình đẳng và đóng vai trò ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trong vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.
Tất nhiên, để đạt được những mục tiêu tham vọng đó, Nghị quyết 68 cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản và tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, đất đai, thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính... Những giải pháp này sẽ tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra.
Thông điệp chiến lược: Đổi mới tư duy và giao vai trò đầu tàu cho khu vực tư nhân
Từ nội dung của Nghị quyết 68, có thể thấy một thông điệp chiến lược mang tính xuyên suốt: Đảng ta tiếp tục đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi phát triển kinh tế tư nhân vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài; mạnh dạn giao trọng trách đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cho khu vực tư nhân. Điều này thể hiện sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và Nhà nước: muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào sức mạnh của người dân và doanh nghiệp, khơi dậy mọi nguồn lực trong Nhân dân vì mục tiêu chung.
Nếu như trước đây, khu vực kinh tế nhà nước thường được nhấn mạnh là “chủ đạo” thì nay quan điểm đã rất cởi mở: kinh tế tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đều giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập. Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất, cạnh tranh quốc gia, đồng thời tham gia tích cực vào các mục tiêu lớn như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Một điểm nhấn quan trọng trong tư duy mới của Đảng là việc thừa nhận và tôn trọng quy luật thị trường trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Nhà nước chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật.
Nghị quyết 68 đề ra yêu cầu xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân. Điều này hàm ý loại bỏ những suy nghĩ cũ kỹ cho rằng kinh tế tư nhân đối lập với kinh tế nhà nước hay chủ nghĩa xã hội. Thay vào đó, cần đánh giá đúng vai trò to lớn và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế-xã hội, coi thành công của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sự chuyển biến tư tưởng rất đáng ghi nhận, tiếp nối tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” từ thời Đổi Mới.
Cùng với đổi mới tư duy, Nghị quyết 68 còn thể hiện quyết tâm hành động quyết liệt của bộ máy lãnh đạo để biến chủ trương thành hiện thực. Tổng Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành Nghị quyết này cho thấy sự cam kết ở cấp cao nhất. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành nhanh chóng xây dựng kế hoạch thể chế hóa Nghị quyết 68 thành các cơ chế, chính sách cụ thể.
Tinh thần “thượng tôn pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp” được đề cao: bảo đảm thực thi nghiêm minh quyền tài sản, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệ. Nghị quyết cũng đề ra nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thương mại; phân định rõ trách nhiệm cá nhân và pháp nhân khi có vi phạm, tạo tấm lá chắn để doanh nhân yên tâm hoạt động dám nghĩ, dám làm, dám thất bại và làm lại. Đây là những thông điệp rất mạnh mẽ, trấn an cộng đồng doanh nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Có thể nói, Nghị quyết 68 vừa là “ngọn cờ” định hướng, vừa là “lời hiệu triệu” hành động đến toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp: hãy coi doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phục vụ, là động lực phát triển; hãy trân trọng người dân làm kinh tế, tạo mọi điều kiện cho họ góp sức làm giàu cho mình và cho đất nước.
Thông điệp “dân giàu, nước mạnh” xuyên suốt nhiều thập kỷ nay được Nghị quyết 68 cụ thể hóa bằng những quyết sách mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, muốn “dân giàu” thì phải khuyến khích làm giàu chính đáng, phải có nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều người dân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả. Muốn “nước mạnh” thì nền kinh tế phải có những đầu tàu đủ sức kéo cả đoàn tàu đi lên – và những đầu tàu đó không ai khác chính là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh. Khi khu vực tư nhân thật sự lớn mạnh, đất nước sẽ có thêm nguồn lực dồi dào để đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, quốc phòng..., tạo nền tảng cho một quốc gia giàu mạnh và phồn vinh. Nói cách khác, phát triển kinh tế tư nhân chính là phương thức thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tầm vóc Nghị quyết 68 và lời hiệu triệu hành động
Nghị quyết 68 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời năm 2025 xứng đáng được xem là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Nếu ví công cuộc Đổi Mới 1986 đã mở cánh cửa cho kinh tế tư nhân hồi sinh từ bóng tối, thì Nghị quyết 68 chính là luồng gió mạnh đưa cánh buồm kinh tế tư nhân căng gió ra biển lớn.
Tầm vóc của Nghị quyết thể hiện ở chỗ: lần đầu tiên, khu vực tư nhân được đặt vào vị trí “động lực quan trọng nhất”đối với nền kinh tế – một sự khẳng định dứt khoát về vai trò chiến lược của kinh tế tư nhân trong mô hình phát triển của đất nước ta. Đây không chỉ là sự tiếp nối tư tưởng từ Nghị quyết 10 (2017) mà còn là một bước phát triển cao hơn, táo bạo hơn trong nhận thức và hành động.
Giờ đây, cánh cửa lớn đã mở, nhiệm vụ đặt ra là làm sao để tinh thần và nội dung Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, thực sự tạo chuyển biến rõ nét cho khu vực tư nhân. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các chủ thể: các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách thuận lợi, minh bạch; chính quyền các cấp phải thay đổi cách phục vụ doanh nghiệp, loại bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực; các tổ chức tài chính, giáo dục... cần chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp vốn và công nghệ cho doanh nghiệp; và quan trọng nhất, bản thân cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đạo đức kinh doanh, chuẩn bị tốt tâm thế để đón nhận thời cơ mới.
Mỗi doanh nhân cần ý thức hơn nữa về sứ mệnh quốc gia của mình: làm giàu cho mình nhưng cũng chính là đóng góp xây dựng đất nước. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cần được thổi bùng trong giới doanh nhân, để họ dám nghĩ lớn, dám làm lớn, hình thành nên những doanh nghiệp Việt Nam tầm cỡ khu vực và thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nghị quyết 68 chính là lời hiệu triệu để khơi dậy khát vọng phồn vinh của dân tộc thông qua kênh phát triển kinh tế tư nhân. Từ đây, một hành trình mới đã bắt đầu – hành trình mà ở đó khu vực tư nhân được trao trọng trách lịch sử để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” trong những thập niên tới. Chắc chắn, chặng đường phía trước sẽ còn nhiều thách thức.
Sẽ không dễ dàng để xóa bỏ ngay những rào cản tích tụ qua nhiều năm, hay để biến những mục tiêu đầy tham vọng thành hiện thực sống động. Song với ý chí quyết tâm từ Nghị quyết 68, cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và xã hội, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ có một bước ngoặt phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới, trở thành động lực chiến lược đưa đất nước tiến nhanh, tiến vững chắc tới phồn vinh.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự “cất cánh” như kỳ vọng, chúng ta cần thẳng thắn trả lời câu hỏi: Đâu là những rào cản phải tháo gỡ để kinh tế tư nhân cất cánh? Đó cũng chính là nội dung sẽ được bàn đến trong Bài 2 của loạt bài này, nhằm tiếp tục tìm ra giải pháp hóa giải các trở lực, biến những mục tiêu cao cả của Nghị quyết 68 thành hiện thực. Hãy cùng chờ đón và chung tay hành động, vì một Việt Nam thịnh vượng do chính người Việt kiến tạo.
TS. Trần Văn Khải
Phó Bí thư Đảng ủy,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội
(Còn tiếp)