Lực lượng điều dưỡng tăng, nhưng bất bình đẳng đe dọa các mục tiêu y tế toàn cầu
HNN - Theo báo cáo Tình hình Điều dưỡng thế giới năm 2025 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) và các đối tác công bố nhân Ngày Điều dưỡng quốc tế (12/5)...
Theo báo cáo Tình hình Điều dưỡng thế giới năm 2025 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) và các đối tác công bố nhân Ngày Điều dưỡng quốc tế (12/5), lực lượng điều dưỡng toàn cầu đã tăng từ 27,9 triệu vào năm 2018 lên 29,8 triệu vào năm 2023, nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn về số lượng điều dưỡng viên giữa các khu vực và quốc gia. Bất bình đẳng trong lực lượng điều dưỡng toàn cầu khiến nhiều người dân thế giới không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, điều này có thể đe dọa tiến trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân (UHC), an ninh y tế toàn cầu và các mục tiêu phát triển liên quan đến y tế.

Phụ nữ vẫn tiếp tục thống trị nghề này, chiếm 85% lực lượng lao động điều dưỡng toàn cầu. Ảnh: RightPath
Tổng hợp thông tin từ 194 quốc gia thành viên của WHO, báo cáo mới cung cấp những phân tích toàn diện và cập nhật về lực lượng điều dưỡng ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, qua đó cho thấy tiến bộ toàn cầu trong việc giảm tình trạng thiếu hụt lực lượng điều dưỡng từ 6,2 triệu vào năm 2020 xuống còn 5,8 triệu vào năm 2023, và dự báo con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,1 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên, tiến bộ chung vẫn ẩn chưa sự chênh lệch sâu sắc giữa các khu vực: khoảng 78% số điều dưỡng viên trên thế giới tập trung ở các quốc gia vốn chỉ chiếm 49% dân số toàn cầu.
Theo báo cáo, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đào tạo, tuyển dụng và giữ chân điều dưỡng viên trong hệ thống y tế, đồng thời cần phải tăng đầu tư trong nước để tạo việc làm và duy trì công việc. Song song đó, các quốc gia có thu nhập cao cần phải chuẩn bị để ứng phó với số lượng lớn điều dưỡng viên nghỉ hưu, xem xét lại sự phụ thuộc vào điều dưỡng viên được đào tạo ở nước ngoài, và tăng cường các thỏa thuận song phương với các quốc gia cần tuyển dụng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng báo cáo này thể hiện rõ một số tiến bộ đạt được, tuy nhiên, không thể bỏ qua những bất bình đẳng đang tác động đến bối cảnh điều dưỡng toàn cầu, vì bất bình đẳng đang kìm hãm nghề điều dưỡng và là rào cản đối với việc đạt được bảo hiểm y tế toàn dân (UHC).
Báo cáo cho thấy giới tính và công bằng tiếp tục là mối quan tâm chính trong lực lượng lao động điều dưỡng. Phụ nữ vẫn tiếp tục thống trị nghề này, chiếm 85% lực lượng lao động điều dưỡng toàn cầu.
Ngoài ra, sức khỏe tâm thần và phúc lợi của lực lượng lao động vẫn là những vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ có 42% các quốc gia có các điều khoản hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho điều dưỡng, mặc dù khối lượng công việc tăng lên trong và sau đại dịch COVID-19. Giải quyết vấn đề này là điều cần thiết để giữ chân các chuyên gia lành nghề và đảm bảo chất lượng chăm sóc.
Từ đó, WHO và ICN vạch ra các ưu tiên chính sách hướng tới tương lai, kêu gọi các quốc gia cải thiện điều kiện làm việc, công bằng tiền lương và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho đội ngũ điều dưỡng viên; thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ các điều dưỡng viên làm việc trong các bối cảnh dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi xung đột; đồng thời khai thác các công nghệ kỹ thuật số và trang bị cho điều dưỡng viên những kỹ năng chăm sóc phù hợp với điều kiện hiện nay…