'Chìa khóa' để sắp xếp đơn vị hành chính thành công

Việc hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích dài hạn, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức - những người trực tiếp gánh vác và vận hành guồng máy sau hợp nhất.

Thực tiễn của đất nước cho thấy, mỗi lần hợp nhất là một lần sàng lọc, điều chỉnh và phân bổ lại tổ chức bộ máy. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân sự dư thừa sau khi hợp nhất. Khi 2 hoặc nhiều địa phương hợp nhất, các sở, ngành, đơn vị tương đồng sẽ được gộp lại, dẫn đến tình trạng trùng lặp chức danh và dư thừa nhân lực. Việc sắp xếp, điều chuyển cán bộ giữa các địa phương không tránh khỏi sự xáo trộn, thậm chí gây tâm lý lo lắng, mất ổn định. Mỗi địa phương cũng có đặc thù, cách thức quản lý khác nhau nên khi thống nhất mô hình mới, khó tránh khỏi sự bất đồng về phương thức hoạt động.

Đặc biệt, tâm lý của đội ngũ cán bộ là yếu tố cần được quan tâm. Không ít người lo ngại việc hợp nhất sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, vị trí công tác, thậm chí là nguy cơ mất việc. Sự thay đổi này dễ tạo ra tâm trạng bất an, làm giảm hiệu suất làm việc và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Để ổn định tâm tư, trước hết, cần thực hiện công tác tư tưởng một cách chủ động và bài bản. Việc tuyên truyền, giải thích rõ ràng về mục đích, ý nghĩa của việc hợp nhất phải được triển khai sâu rộng, giúp cán bộ hiểu đúng và đồng thuận với chủ trương. Song song đó, việc minh bạch trong quy trình sắp xếp cán bộ là yếu tố sống còn. Các tiêu chí về lựa chọn, điều chuyển cần được công khai, rõ ràng, đảm bảo công bằng và hợp lý. Việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự phải dựa trên năng lực, đạo đức và uy tín, tránh tình trạng thiên vị hay thiếu khách quan nhằm giữ lại được người giỏi, người tài ở lại với bộ máy lâu dài.

Đặc biệt, cần tạo cơ chế đối thoại, lắng nghe ý kiến của cán bộ. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp cấp trên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ, từ đó điều chỉnh các quyết sách phù hợp. Các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, cần phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ cán bộ trong quá trình thích nghi với môi trường làm việc mới. Việc xem xét, bố trí các vị trí công tác phù hợp với chuyên môn, năng lực sẽ tạo điều kiện để cán bộ tiếp tục phát huy sở trường, cống hiến cho địa phương. Lãnh đạo các cấp cần là tấm gương trong việc thực thi chính sách, tạo sự gắn kết giữa các cán bộ từ nhiều địa phương khác nhau khi về chung “một nhà”.

Việc sắp xếp cán bộ trong quá trình hợp nhất tỉnh là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt và tinh thần trách nhiệm cao từ các cấp quản lý. Để khắc phục những khó khăn, phát huy thuận lợi, các giải pháp phải được triển khai đồng bộ, minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể. Giữ vững ổn định tâm tư của đội ngũ cán bộ chính là “chìa khóa” giúp công cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra suôn sẻ, thành công.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/chia-khoa-de-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-thanh-cong-1b125c8/
Zalo