Từ thể chế đến mục tiêu tăng trưởng: Hành động để bứt phá
Nền kinh tế đi qua 4 tháng đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Có thể thấy, tinh thần chủ động, kiên định mục tiêu nhưng sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ trong điều hành để tận dụng mọi thời cơ bứt phá trong bối cảnh nhiều thách thức đan xen đã được thể hiện rõ nét trong điều hành vừa qua và cả thời gian tới đây.
Chuyển động mạnh mẽ trong tư duy điều hành
Với tinh thần xuyên suốt là hành động quyết liệt, lấy hiệu quả làm thước đo, một trong những điểm nổi bật trong công tác của Chính phủ những tháng đầu năm là việc tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; qua đó tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, mở ra không gian phát triển mới và quan trọng nhất tăng cường cho cơ sở, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được Chính phủ đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển dài hạn. Chỉ trong 4 tháng qua, một số lượng “khổng lồ” với gần 1.200 văn bản (nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, công điện) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phản ánh nỗ lực cải cách hành chính để phục vụ phát triển. Đặc biệt, liên quan đến hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đã trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các nghị quyết về “bộ tứ chiến lược”: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68); trình Quốc hội 44 dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra… Tất cả cho thấy một bước đi quyết liệt, bài bản, căn cơ về thể chế, hướng đến giải phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới.
Dù bối cảnh trong và ngoài nước còn không ít khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn ghi nhận những điểm sáng nối tiếp. Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so với tháng 3 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong khi đó, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Doanh thu du lịch lữ hành tăng vọt 24,5% nhờ chính sách visa mới và chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn. Việt Nam cũng đón gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8% - mức cao kỷ lục trong nhiều năm, khẳng định sức hút và sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Quan trọng hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%; Thu ngân sách nhà nước đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 276 tỷ đồng USD, tăng 15,7%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 3,8 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng với tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư được tăng cường và củng cố. Một điểm sáng nữa là tình hình doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi tích cực. Cả nước có trên 51.600 doanh nghiệp thành lập mới, gần 38.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường vượt 89.000, tăng gần 10% - một con số đáng khích lệ trong bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.

Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính
Tận dụng thời cơ để cơ cấu lại nền kinh tế
Dù những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, áp lực điều hành trong thời gian tới là rất lớn, nhất là khi bối cảnh toàn cầu tiếp tục biến động, nền kinh tế chịu tác động từ các chính sách thuế quan mới.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế trong nước, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả…
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội rất lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới; đồng thời vừa là “thước đo”, vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Định hướng rõ ràng, hành động quyết liệt
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả. Trên tinh thần đặt ra là kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, Thủ tướng đã chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả “bộ tứ chiến lược” theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải được điều hành linh hoạt, chủ động, phối hợp chặt chẽ, hài hòa. NHNN giữ ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất hợp lý. Bộ Tài chính kiểm soát thu – chi, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; phát huy vai trò các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành kinh tế số, xanh, tuần hoàn, văn hóa và công nghiệp giải trí. An sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại tiếp tục được giữ vững, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển lâu dài.
Thủ tướng chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
1. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý.
2. Quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
3. Thực hiện hiệu quả sắp xếp địa giới hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
4. Triển khai “bộ tứ chiến lược” và các nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng chương trình hành động của Chính phủ.
5. Ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
6. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn.
7. Làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
8. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn, FDI công nghệ cao.
9. Mở rộng chính sách visa, thu hút khách du lịch, thúc đẩy dịch vụ và sửa đổi Luật Quốc tịch.
10. Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, thúc đẩy triển khai hàng nghìn dự án chậm trễ.
11. Phát triển văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025.
12. Triển khai quyết liệt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và xóa nhà tạm.
13. Bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.
14. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, thúc đẩy hội nhập và hoạt động đối ngoại.
15. Tăng cường thông tin, truyền thông chính sách, nhân rộng mô hình tốt, tạo đồng thuận xã hội.