'Giữ lửa' cho công tác đội ở vùng cao

Thời gian qua, giải thưởng 'Cánh én hồng' là động lực, mục tiêu vươn tới của nhiều tổng phụ trách đội trên khắp mọi miền đất nước. Vinh dự là 1 trong 35 điển hình nhận giải thưởng, thầy VÕ VĂN HƯNG, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông đã có được niềm vui trọn vẹn sau quá trình dài phấn đấu, rèn luyện. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trò chuyện với thầy Hưng.

Yêu nghề thì nghề không phụ

- Trước tiên, xin chúc mừng thầy Võ Văn Hưng vừa vinh dự được Hội đồng Đội Trung ương lựa chọn trao tặng giải thưởng “Cánh én hồng”. Cảm xúc của thầy như thế nào khi nhận tin vui này?

- Tôi thấy mình như đang sống trong một giấc mơ đẹp mà trước đây vốn chỉ thầm ao ước. Từ lâu, giải thưởng “Cánh én hồng” là động lực, mục tiêu vươn tới của tôi cũng như nhiều giáo viên tổng phụ trách đội khác. Vì thế, khi thấy tên mình trong danh sách được nhận giải thưởng, trái tim tôi như loạn nhịp. Cảm xúc đặc biệt ấy nhân lên khi tôi được đứng trên sân khấu lớn, nhận giải thưởng cao quý của Hội đồng Đội Trung ương. Để có niềm vui hôm nay, tôi rất biết ơn những người đã đồng hành trên chặng đường vừa qua, đặc biệt là Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, đồng nghiệp và người thân. Họ đã luôn tin tưởng, tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi chạm đến giấc mơ.

- Để nhận được giải thưởng của Hội đồng Đội Trung ương, thời gian qua, thầy đã nỗ lực như thế nào?

- Để có thành tựu này, tôi đã trải qua một hành trình dài với những nỗ lực không ngừng nghỉ. Trước hết, với vai trò là giáo viên tổng phụ trách đội, tôi luôn đặt lợi ích của đội viên, học sinh lên hàng đầu. Không tổ chức rập khuôn, tôi luôn tìm cách đổi mới, sáng tạo để các hoạt động, phong trào trở nên hấp dẫn, ý nghĩa. Mỗi chương trình, hoạt động đều được tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng, có sự lắng nghe ý kiến của đội viên, học sinh và đồng nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, thời gian qua, tôi chủ động áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hiện đại nhằm khơi dậy sự hứng thú, sáng tạo trong mỗi đội viên, học sinh. Từ việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, hội thi văn hóa, thể thao..., đến những buổi sinh hoạt đội, tôi luôn cố gắng giúp các em nhỏ cảm nhận rõ niềm vui và giá trị đích thực. Ngoài việc giảng dạy và tổ chức hoạt động, tôi luôn cố gắng để trở thành người bạn đồng hành, người truyền cảm hứng cho học sinh. Tôi chia sẻ với các em không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng sống, những giá trị nhân văn, khuyến khích các em nuôi dưỡng ước mơ và sống trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, tôi luôn chú trọng đến việc hỗ trợ học sinh khó khăn, khơi dậy trong các em ý chí vươn lên. Ngoài ra, tôi còn không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm; xây dựng tinh thần đoàn kết trong tập thể; tích cực huy động nguồn lực cho phong trào...

- Những nỗ lực ấy đã mang về kết quả đáng mừng gì, thưa thầy?

- Tôi rất vui mừng khi liên đội Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang 9 năm liền đạt danh hiệu liên đội mạnh cấp tỉnh. Liên đội từng nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương. Về phía cá nhân, tôi cũng đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng, trong đó ý nghĩa nhất có lẽ là giải thưởng “Cánh én hồng”. Tuy nhiên, đối với tôi, niềm vui lớn nhất vẫn là thấy phong trào liên đội nhà trường ngày càng phát triển. Các học sinh vùng cao có môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi... tốt hơn. Điều đó đã thôi thúc tôi nỗ lực rất nhiều. Tôi luôn tin, nếu yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình.

Cần tiếp sức cho tổng phụ trách đội

- Cơ duyên nào đưa thầy đến với công việc tổng phụ trách đội và gắn bó với ngôi trường Tiểu học thị trấn Krông Klang?

-Trước khi đến với Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, tôi từng có 6 năm làm tổng phụ trách đội ở một ngôi trường tại huyện Hải Lăng. Đây là quãng thời gian hợp đồng đầy gian nan nhưng đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm quý giá, nhất là biết cách để cân bằng giữa công việc, cuộc sống và đam mê. Năm 2014, cơ duyên đã đưa tôi đến với huyện Đakrông - vùng đất mà trước đó tôi chưa từng đặt chân đến. Buổi đầu, nhiều khó khăn đặt ra nhưng không thể ngăn bước chân tôi. Sau này, tôi dần nhận ra những khó khăn, thử thách ấy lại có giá trị riêng của nó. Chính những rào cản đã giúp tôi thay đổi và trưởng thành. Tôi học được cách “giữ lửa”, yêu thương và đồng cảm với mọi người, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong quãng thời gian này, tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh từ nhiều đồng nghiệp. Họ chính là những người thầy, người cô nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Tại Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, mọi người, mọi việc đều dạy tôi những bài học quý về cách nhìn nhận cuộc sống bằng trái tim rộng mở; biết sống đơn giản nhưng sâu sắc; trân trọng từng khoảnh khắc bên học trò...

Thầy Võ Văn Hưng hướng dẫn kỹ năng công tác đội cho học sinh - Ảnh: NVCC

Thầy Võ Văn Hưng hướng dẫn kỹ năng công tác đội cho học sinh - Ảnh: NVCC

- Tổng phụ trách đội trong nhà trường là công việc thầm lặng, không phải ai cũng đủ tâm huyết, nhiệt tình để gắn bó. Thầy có thể cho biết mình đã và đang trải qua những khó khăn, thử thách như thế nào?

- Với tôi, công việc tổng phụ trách đội là một hành trình đầy ý nghĩa nhưng cũng có không ít khó khăn. Để đảm nhận vai trò này, người giáo viên cần hội tụ nhiều yếu tố như: sự tâm huyết, nhiệt tình; tính kiên trì; sức sáng tạo; khả năng thích nghi với nhiều hoàn cảnh, tình huống... Trong số những khó khăn, điều trước tiên mà tôi muốn chia sẻ là áp lực thời gian và khối lượng công việc. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn như tổ chức hoạt động đội, lễ hội, phong trào thi đua, tổng phụ trách đội đảm đương nhiều công việc “không tên” và “không công” khác. Họ là những người thường xuyên đi sớm, về trễ, chạy theo hoạt động, phong trào kể cả vào thứ 7, Chủ nhật và thời gian nghỉ hè. Việc cân đối thời gian để hoàn thành tất cả nhiệm vụ là một thách thức không nhỏ. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện giải trí hiện đại, việc làm sao để các hoạt động đội trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia tích cực là một bài toán mà bất cứ tổng phụ trách nào cũng trăn trở, không ngừng nỗ lực tìm cách giải quyết. Trong khi đó, kinh phí tổ chức hoạt động đội thường hạn chế. Điều đó đòi hỏi người tổng phụ trách phải xoay sở khá vất vả. Một thực tế khác là tổng phụ trách đội thường nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ nhà trường, phụ huynh, học sinh... Đây là động lực lớn nhưng đôi khi lại là áp lực đối với những người đảm trách công việc này.

- Vậy điều gì đã giúp thầy vượt qua những khó khăn, thử thách đó?

- Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, niềm vui lớn nhất và cũng chính là động lực đối với tôi là thấy học sinh trưởng thành, tự tin và phát triển nhân cách toàn diện. Chính sự nhiệt huyết của đồng nghiệp, sự ủng hộ từ nhà trường và phụ huynh, cùng những nụ cười rạng rỡ của học sinh là động lực to lớn để mỗi tổng phụ trách đội như tôi tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghề. Qua 10 năm gắn bó, tôi nhận thấy những yếu tố cần thiết giúp tổng phụ trách đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách là: tình yêu, đam mê với công việc; chí hướng, mục tiêu cụ thể; sự đoàn kết, hỗ trợ từ tập thể; nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm; tinh thần lạc quan, yêu đời...

- Để giáo viên tổng phụ trách đội giữ mãi ngọn lửa yêu nghề, gắn bó hơn nữa với công việc đang làm, thầy có kiến nghị, đề xuất gì gửi đến các cấp, ngành?

- Để giáo viên tổng phụ trách đội giữ mãi ngọn lửa yêu nghề và gắn bó lâu dài với công việc, tôi nghĩ cần có chế độ phụ cấp phù hợp dành riêng cho các thầy cô. Cùng với đó, việc cần thiết là tạo điều kiện cho tổng phụ trách đội tham gia các khóa bồi dưỡng kỹ năng, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động đội; góp mặt tại các buổi hội thảo, giao lưu với đồng nghiệp trên cả nước để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; giảm tải công việc hành chính không cần thiết để giáo viên tổng phụ trách đội tập trung vào việc phát triển kỹ năng, chuyên tâm tổ chức hoạt động, phong trào cho học sinh...Thiết nghĩ những đề xuất trên không chỉ giúp giáo viên tổng phụ trách đội có thêm động lực mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

- Xin cảm ơn thầy!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-lua-cho-cong-tac-doi-o-vung-cao-190683.htm
Zalo