Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi

Ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Dương yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, dự báo nhu cầu phát triển quy mô trường lớp để sớm có giải pháp, phương án đầu tư nhằm giải quyết vấn đề thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong hệ thống giáo dục công lập, nhất là ở một số địa phương hiện đang quá tải; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi; nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống…

Gỉai quyết tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng các môn học đặc thù

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học trên địa bàn, HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, xem xét tổng thể để phân bổ ngân sách hợp lý, đầu tư cho giáo dục địa phương theo tinh thần “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên” và phải đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Làng sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều thế kỷ nay vẫn là niềm tự hào, vinh dự của người dân địa phương

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều thế kỷ nay vẫn là niềm tự hào, vinh dự của người dân địa phương

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu ban hành các Đề án về phát triển giáo dục làm cơ sở đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng của ngành trong giai đoạn mới. Tiếp tục rà soát và dự báo nhu cầu phát triển quy mô trường lớp trên địa bàn so với tốc độ gia tăng dân số để sớm có giải pháp, phương án đầu tư nhằm giải quyết vấn đề thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong hệ thống giáo dục công lập, nhất là ở một số địa phương hiện đang quá tải. Bên cạnh đó, chú trọng kêu gọi các nguồn lực xã hội, thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập. Chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện tập trung cải tạo, giải quyết hiệu quả nhu cầu đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho ngành giáo dục và đào tạo; bảo đảm tổ chức học 2 buổi/ngày theo quy định.

Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu về đào tạo giáo viên để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cụ thể cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; góp phần giải quyết tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là các môn học đặc thù (như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ, Trải nghiệm - Hướng nghiệp…). Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển, thu hút giáo viên.

Phát triển các tuyến, sản phẩm du lịch đường sông

Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, yêu cầu đặt ra với UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các Đề án phát triển du lịch của tỉnh. Điển hình, về Đề án phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử - văn hóa cho UBND cấp huyện, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch tiêu biểu cho địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, thợ giỏi; nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Bình Dương.

Đối với Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một”, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND thành phố Thủ Dầu Một hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan sớm hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án (xây dựng cơ sở vật chất làng nghề) theo đúng tiến độ đã được phê duyệt; chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Thủ Dầu Một và các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường phối hợp, có phương án, kế hoạch sớm đưa vào sử dụng hiệu quả các công trình, hạng mục sẽ hoàn thành trong năm 2025.

HĐND tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh việc tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, du lịch. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục kêu gọi xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội; hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong đầu tư để thực hiện các dự án xã hội hóa. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, thông tin tuyên truyền và công khai nội dung liên quan đến đất đai để các sở, ngành, địa phương và cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội biết và thực hiện đúng theo quy định.

KIỀU BẢO

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tham-muu-ban-hanh-chinh-sach-ho-tro-nghe-nhan-tho-gioi-post401126.html
Zalo