Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số
Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phụ huynh, học sinh loay hoay tìm hướng đi
Thời gian gần đây, AI (trí tuệ nhân tạo) xuất hiện phổ biến, rộng rãi trong cuộc sống của con người, được dự đoán tạo ra sự thay đổi về thị trường lao động trong tương lai.
Lấy ví dụ, một công ty khá nổi tiếng ở Việt Nam từng chia sẻ với truyền thông, họ đã ứng dụng AI Parsing vào việc xử lý hồ sơ tuyển dụng. Công nghệ này giúp tốc độ xử lý đạt 0,1 giây/mỗi hồ sơ cơ bản, mang lại hiệu suất vượt trội và tiết kiệm thời gian đáng kể cho các nhà tuyển dụng. Khả năng tạo nguồn và kết nối liên tục với ứng viên đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là tính năng nâng cao tương tác trong quá trình tuyển dụng như đặt lịch phỏng vấn, tự động cá nhân hóa email, báo cáo tuyển dụng trực quan.
Qua đó cho thấy, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa công việc. Đồng thời, nguy cơ “xóa sổ” rất nhiều nghề nghiệp đang phổ biến trong xã hội hiện nay. Như theo báo cáo từ Công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới PwC, cho thấy gần 50% nhân viên đang phải vật lộn với khối lượng công việc gia tăng và áp lực buộc phải thích ứng với tốc độ thay đổi nhanh chóng tại nơi làm việc. Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60 - 70% so với trước đây.
Mặt khác, công nghệ số phát triển là một cơ hội để hỗ trợ người lao động hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Với các tính năng phân tích và tạo văn bản, hình ảnh, AI tăng cường hiệu suất và năng suất thông qua tự động hóa công việc, cho phép con người tập trung vào công việc phức tạp và sáng tạo hơn. Với khả năng xử lý và phân tích nhanh chóng lượng lớn dữ liệu, AI hỗ trợ người dùng ra quyết định tốt hơn.
Điều này đặt ra nỗi lo cho học sinh, phụ huynh và ngay cả người lao động trong thị trường hiện nay. Một câu hỏi “làm sao để đi trước đón đầu”, thay đổi thích nghi một kỷ nguyên số hóa, biến AI trở thành công cụ hỗ trợ hay bị AI “đàn áp” đang cần lời giải đáp.
Mỗi năm, trước các kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia, phụ huynh, học sinh phải “đau đầu” định hướng chọn trường, chọn nghề nghiệp cho các em. Một nghề nghiệp, hướng đi không bị thoái trào, thay thế bằng công nghệ AI trong 10 - 20 năm tiếp theo.
Có thể thấy, mỗi năm, ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh tế đang nắm giữ một số lượng “khủng” sinh viên thi vào. Mùa tuyển sinh đại học 2024, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo ngành công nghệ cao như khoa học máy tính, thiết kế vi mạch bán dẫn..., tổng số nguyện vọng tăng khoảng 30%, dẫn đầu trong tốp những ngành nghề được các thí sinh đăng ký nhiều nhất. Đây là nhóm ngành nghề được phụ huynh, học sinh kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn trong tương lai.
Thực tế, nhiều công ty, doanh nghiệp lớn (trong đó có cả các công ty công nghệ) cho biết, họ phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại nguồn nhân lực trẻ mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Có đến 60 - 70% nhân lực mới không đáp ứng nhu cầu công việc, thay đổi nhanh chóng của xã hội trong thời đại công nghệ số. Càng khó khăn hơn cho người lao động trong thời hiện đại, khi có hàng nghìn, trăm nghìn thông tin mới, các sáng kiến thay đổi công nghệ, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Việc học sinh, sinh viên, người lao động chậm chạp tiếp thu kiến thức, cứng nhắc đi theo lối mòn trở thành một rào cản, bài toán không có đáp số trong các cơ quan, doanh nghiệp. Cho nên, dễ dàng thấy một nghịch lý đang xuất hiện trong nhiều năm gần đây là tỷ lệ người lao động thất nghiệp cao.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, cho thấy hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở các đô thị lớn, khu công nghiệp vẫn đang phải “đỏ mắt” tìm lao động. Nghịch lý này cho thấy cần cấp bách tìm giải pháp xử lý hiệu quả, từ công tác hướng nghiệp cho tới hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Điều này do công tác hướng nghiệp còn tập trung định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh lựa chọn ngành “hot” trong thời điểm hiện tại. Quên mất việc chú ý đến khả năng của con người, cũng như đào tạo kỹ năng để thích nghi trong một thị trường lao động số hóa ngày càng mở rộng, đa dạng và liên tục đào thải những ngành nghề đã không còn phù hợp.
“Học tập suốt đời” để thích nghi trong thời đại công nghệ
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tốc độ cải cách giáo dục trong lịch sử vẫn còn chậm, thường tụt hậu so với những thay đổi trong xã hội. Mặc dù có những giai đoạn mở rộng và cấu trúc lại giáo dục xảy ra bất chợt trong thế kỷ XIX và XX, các khoảng thời gian giữa các giai đoạn này vẫn còn chậm thay đổi, tuyến tính và cứng nhắc trong việc phát triển chương trình giáo dục và phương pháp giảng dạy. Trao đổi với truyền thông, GS. Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam đã nhận định, AI đang phát triển một cách toàn diện và sẽ có những sự thay đổi tác động lên thị trường lao động. Sinh viên đang chuẩn bị vào đại học nên suy nghĩ liệu ngành mình học sẽ có khả năng thay đổi như thế nào trong tương lai. Bên cạnh đó, sinh viên và phụ huynh nên chuẩn bị cho mình một tư duy phản biện, học cách chủ động nâng cấp khả năng của mình.
Thực tế, với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam, việc chọn ngành, nghề theo bằng cấp, theo xu hướng đang ngày càng rủi ro hơn. Điều quan trọng là mỗi học sinh phải xác định được khả năng, sở trường và niềm yêu thích của mình để tìm ra định hướng đúng đắn trong tương lai.
Xuất phát từ nền tảng sở trường, khả năng và niềm đam mê, học sinh tiếp tục bồi dưỡng thêm những kỹ năng khác để thích nghi thị trường lao động. Lấy ví dụ như cần phải có kiến thức cơ bản về AI, công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ để hội nhập với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, học sinh phải sẵn sàng đương đầu thử thách, nắm bắt cơ hội mở rộng nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức mới khi thị trường lao động bất ngờ có những thay đổi.
Để làm được điều này, mỗi học sinh phải có kỹ năng “học tập suốt đời”. Thầy Dương Minh Ngọc (giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong kỷ nguyên số, bài giảng từ các thầy, cô giáo trên trường đối với học sinh phổ thông là những gợi mở, hướng dẫn để các em tiếp tục phát triển niềm say mê yêu thích học tập, tự tìm tòi, mở rộng kiến thức. Thầy chia sẻ: “Hiện nay, kho dữ liệu thông tin trên mạng Internet dường như là không gian vô tận. Một buổi học, một tiết học, một năm học không thể giảng dạy hết mọi kiến thức đang đổi mới mỗi ngày trên thế giới. Vì vậy, học sinh cần chú trọng nâng cao, mở rộng phạm vi bài học để tích lũy vốn kiến thức cho bản thân”.
Thầy Ngọc cho biết, học tập lý thuyết phải đi kèm với thực hành và rèn luyện kỹ năng. Từ nền tảng “học tập suốt đời” học sinh cần nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá và tạo ra cơ hội học tập. Khả năng thích ứng với môi trường học tập đa dạng. Phát triển tư duy sáng tạo và khám phá, khuyến khích học sinh tìm kiếm các cách tiếp cận mới và sáng tạo để giải quyết vấn đề. Điều này giúp các em phát triển tư duy phản biện, khám phá và trở thành người học tích cực. Tự nhận thức và phát triển bản thân, học sinh tự nhận thức về điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó phát triển bản thân và nắm bắt những cơ hội học tập phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Ngoài học sinh, người lao động, các cán bộ, thậm chí cả giáo viên, luôn cần phải nỗ lực tiếp thu, học tập kiến thức mới. Cô Hoàng Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Nghệ An cho biết, bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đưa ra: Học để biết, Học để làm, Học để chung sống, Học để làm người. Đề án “Xây dựng xã hội học tập” theo từng giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2012 đến năm 2020 và giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2030 đòi hỏi các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cũng như luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám thách thức với những loại hình mới.