Tổng hợp 10 điểm mới của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Thông tư 29 nhận được rất nhiều sự đồng thuận, hoan nghênh của đa số phụ huynh, giáo viên cả nước với những điểm mới được đánh giá là giúp quản lý học thêm, dạy thêm hiệu quả.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người viết xin được tổng hợp 10 điểm mới trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Thứ nhất, hoạt động dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 29 quy định: Dạy thêm, học thêmhoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông...

Quy định này nêu rõ hoạt động dạy thêm là hoạt động phụ trợ giúp học sinh cải thiện chất lượng, so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định: “Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.”

Thứ hai, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm

Tại khoản 1 Điều 3 Nguyên tắc dạy thêm quy định: “ Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.’

Quy định mới này cụ thể, không được dùng bất kỳ hình thức gì để ép buộc học sinh học thêm, quan điểm này là xuyên suốt, có lợi cho học sinh.

Nguyên tắc dạy thêm học thêm theo Thông tư 29 cũng có nhiều điểm mới, sửa đổi phù hợp hơn so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Thứ ba, tiếp tục cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học

Tại khoản 1 Điều 4 Các trường hợp không được dạy thêm quy định: “1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.’ Điểm này giống với quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Khi ban hành dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm, dự định bỏ cấm giáo viên tiểu học dạy thêm. Lúc đó nhiều ý kiến lo lắng, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ lại quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học. Người viết cho rằng quy định cấm dạy thêm ở tiểu học là hết sức hợp lý, vì học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, các em còn nhỏ tuổi, trí não đang trong quá trình phát triển, ép buộc sẽ lợi bất cập hại,….

Thứ tư, không cho dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa

Tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.”.

Có nghĩa là giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh đang dạy chính khóa, đây là điểm được đồng thuận rất cao, nhận được nhiều ý kiến của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và cả học sinh thời gian qua.

Hàng loạt bất cập, o ép học thêm đều từ giáo viên dạy chính khóa, sáng dạy trên lớp, chiều kéo học sinh ra ngoài dạy lấy tiền, dẫn đến học sinh sợ học thêm 2 giáo viên, 1 giáo viên để được điểm cao, 1 giáo viên để lấy kiến thức,…

Từ 14/02/2025, sẽ cấm dạy thêm học sinh chính khóa, kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng o ép, ép buộc học sinh học thêm, dạy thêm khi học sinh học với giáo viên khác sẽ hợp lý, chất lượng hơn.

Thứ năm, việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền học sinh

Tại khoản 1 Điều 5 quy định về dạy thêm trong nhà trường quy định:

“1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.”

Như vậy, việc dạy thêm trong nhà trường được siết chặt hơn, dạy không thu tiền học sinh (miễn phí hoặc ngân sách trả) và chỉ dạy cho các đối tượng học sinh chưa đạt, yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn luyện tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thứ sáu, không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm

Tại điểm b khoản 4 Điều 5 quy định mới về xếp thời khóa biểu quy định: “b. Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Quy định này kỳ vọng sẽ chấm dứt việc các trường xếp thời khóa biểu xen kẽ để ép học sinh học thêm, học liên kết,…

Quy định mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần cũng là hợp lý.

Thứ bảy, tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh

Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Thứ tám, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng

Ngoài việc nơi tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng. Điều này có nghĩa là giáo viên phải dạy thêm ở địa điểm có đăng ký kinh doanh.

Thông tư tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm".

Thứ chín, quy định rõ hơn về dạy thêm thu tiền phải đóng thuế

Tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền dạy thêm, học thêm quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Do đó, giáo viên dạy thêm ở đơn vị có giấy phép kinh doanh, đóng thuế theo quy định, mọi hành vi gian dối, trốn thuế có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thứ mười, quy định về xử lý khi vi phạm dạy thêm, học thêm

Tại khoản 1,2 Điều 16. Xử lí vi phạm nêu rõ:

“1. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật.”

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tong-hop-10-diem-moi-cua-thong-tu-29-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-post248291.gd
Zalo