Giữ lại mảnh trời quê

Mỗi lần tôi nói với má về một cuộc rời mà tôi đã định sẵn, chỉ cần má gật đầu là mọi thứ sẽ đâu vào đó, tôi thấy gương mặt má tôi thoáng buồn và đôi mắt hình như đẫm nước. Nếu má chấp nhận, chẳng bao lâu nữa nơi này sẽ chỉ còn trong ký ức của chúng tôi.

Má tôi vẫn chần chừ, nửa muốn nghe lời tôi, nửa lại quyến luyến cái mảnh đất này. Bởi cái mảnh đất này đã hằn in trong tim má tôi những kỷ niệm khó phai. Những mùa mưa nắng, những dòng sông, con rạch mùa về nước từ trong rừng tràm chảy ra đỏ quạch. Những sớm có tiếng chim kêu ríu ran trong rừng vọng về, những buổi chiều có khói hầm than bay lên mịt mù xóm nhỏ ven rừng và đêm đêm có tiếng mái chèo khua nước trên con kênh đổ vào sông lớn… Tất cả đã trở thành tâm hồn, thành máu thịt của chúng tôi, để rồi má tôi không nỡ xa rời dù phố phường đầy ắp những niềm vui đón đợi. Má tôi bước ra sân kiểm tra hầm than đang mịt mù khói trắng.

 Minh họa TQ.

Minh họa TQ.

- Gió dữ, không coi kỹ, hầm than có lỗ thủng là cháy rụi. - Má tôi vừa đi vừa nói vọng vào, để tôi chưng hửng với lời đề xuất mà tôi đã nói không biết bao nhiêu lần: “Mình lên thành phố mà sống, ha má!”.

Tôi không đáp lại, chỉ đằng hắng, đủ để má biết rằng tôi có hồi âm.

Hầm than vẫn êm ả tỏa khói. Xóm ven rừng sống chủ yếu bằng nghề hầm than hoặc lấy mật ong hoặc đóng đáy dưới sông bắt tôm cá. Cuộc sống bình dị mà chan chứa niềm vui, trên hết là vì người ta được sống ở cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình, gắn bó tâm hồn mình với miền đất, miền sông nhớ thương da diết này. Trong đêm tĩnh vắng, xóm tôi cơ hồ chỉ còn nghe tiếng rừng tràm xạc xào, tiếng nổ lép bép của hầm than và âm thanh ê a đọc bài của đám trẻ con xóm rừng mới vào lớp một.

Tôi bước theo má về phía hầm than. Đám chuối cạnh hầm vẫn xanh tốt, trổ buồng, sắp sửa chín bói. Má tôi lom khom lấp đất lại những chỗ sắp sửa thủng. Hầm than mà không kín, gió lọt vào trong là củi sẽ cháy sạch. Khói làm má ho sặc sụa, rồi nước mắt giàn giụa. Tôi nhìn má, thấy thương đứt ruột. Những ngày tôi không ở đây, má hẳn sẽ cô đơn trong căn nhà từ lâu vắng bóng ba tôi. Má sẽ lủi thủi một mình từ sớm đến tối mịt. Đời má tôi nhiều gian truân, vất vả. Có lần tôi mủi lòng, không chịu được nói với má:

- Má à! Con thì không thể bỏ việc mà về đây sống với má, má cũng không thể sống một mình ở đây mãi được. Con không yên tâm! Má về thành phố sống với con, ha má. Trên đó nhà cao cửa rộng, mấy má con mình có nhau…

Má tôi suy nghĩ hồi lâu. Tôi thấy má nhìn lên bàn thờ của ba, rồi nhìn ra con kênh nhỏ trước nhà, cây cầu lắt lẻo. Mắt má có màu khói trắng. Đột nhiên, tôi thấy má tôi khẽ lấy khăn thấm thấm vào khóe mắt. Tôi cầm tay má, rưng rưng:

- Má ơi! Con có nói gì sai, má đừng giận. Con chỉ muốn được sống cạnh bên má, để má được an ổn suốt phần đời còn lại.

Má tôi cắt ngang lời tôi:

- Không, má không giận gì con đâu. Con nói đúng, chỉ tại má còn lưu luyến chốn này, má chưa thể bỏ quê mà đi.

Đêm bao trùm miền quê, càng về khuya gió càng thổi mạnh. Hương hoa tràm từ cánh rừng theo gió bay vào thơm nức nở. Tôi ngồi bên má, chợt thấy thời gian ngược về thuở tôi còn bé thơ, tôi cũng ngồi bên má như thế này, dưới ánh đèn dầu lòe nhòe, má vừa vá áo cho ba vừa chỉ tôi đánh vần từng chữ…

Hai tiếng “bỏ quê” của má khiến tim tôi quặn thắt. Tôi đã “bỏ quê” từ những ngày chập chững lên thành phố học, để rồi những ngày về nhà chỉ đếm trên ngón tay. Căn nhà của tôi, miền quê của tôi, nơi tôi từng sống suốt những năm tháng ấu thơ, giờ đây trở thành nơi trọ, thành đất khách, dù trong tâm tôi vẫn luôn tha thiết chốn này. Tôi hiểu, trong một phút giây ngắn ngủi, má tôi không thể gật đầu theo tôi lên thành phố. Thành phố quen thuộc với tôi nhưng lại xa lạ với má. Nơi đó không có mùi khói hầm than thoang thoảng mỗi sớm, mỗi chiều, không có tiếng lá tràm xạc xào mỗi đợt gió ùa qua và cũng không có mảnh đất lổm nhổm cỏ dại nhưng đã lưu giữ cho chúng tôi biết bao hoài niệm đẹp.

Với má, quê hương là máu thịt, là tâm hồn, là thiên đường đẹp đẽ. Từ ngày má tôi lưu lạc đến miền đất này cho đến nay đã một nửa đời người. Nửa đời người má đã sống, gắn bó, đã yêu, đã sinh tôi ra và rồi đặt trái tim mình tại nơi này. Má tôi yêu dòng sông thiết tha, yêu cánh rừng tràm nơi mà sinh thời ba tôi thường bơi xuồng vào trong đó gác kèo ong rồi trở về cùng tàn ong trĩu mật, yêu mùi khói tỏa ra từ hầm than rồi tản mác ra mặt sông, điểm cho miền quê này một nét riêng mà suốt đời má tôi không thể nào quên được. Những tháng ngày đó, má tôi đã phải bươn chải rất nhiều. Vậy mà má vẫn thấy hài lòng và chẳng mong cầu điều gì xa xôi, ảo vọng. Má tôi vẫn một lòng thủy chung với đất, với rừng, với sông và với ba tôi.

Ngó nghiêng, thấy hầm than đã kín, má tôi bước vào trong nhà. Tôi bước theo sau má. Ngọn đèn leo lét tỏa ra sân một quầng sáng hẹp. Tôi thấy cơ thể mình mơn man, ấm áp lạ thường. Bao giờ cũng vậy, hễ về tới nhà là tôi thấy lòng mình bình yên hẳn. Mấy lần tôi định cất nhà mới cho má nhưng má ngăn. “Nhà cũ mới quý chứ! Nó nhiều kỷ niệm” - Má nói vậy. Tôi nghe lời má, phần vì tôi cũng định đưa má lên thành phố mà sống trong tương lai gần nên tôi thôi ý định cất lại nhà ở quê. Nhà cũ nhưng ấm áp, mọi thứ được má giữ gìn kỹ càng, mấy chục năm vẫn không di dời, thay đổi. Từ thành phố về quê ngót nghét hai trăm cây số, vậy mà cứ tranh thủ được thì tôi lại lái xe về, khi nào mệt thì đi xe đò. Để má ở quê một mình tôi thấy lòng nhấp nhỏm.

Đêm bao trùm miền quê, càng về khuya gió càng thổi mạnh. Hương hoa tràm từ cánh rừng theo gió bay vào thơm nức nở. Tôi ngồi bên má, chợt thấy thời gian ngược về thuở tôi còn bé thơ, tôi cũng ngồi bên má như thế này, dưới ánh đèn dầu lòe nhòe, má vừa vá áo cho ba vừa chỉ tôi đánh vần từng chữ… Thuở ấy xa xôi, nhưng đẹp và bình yên lắm! Tôi ước ao được quay về những ngày tháng ấy để tóc má tôi vẫn còn đen nhánh và tôi cũng không phải lao đao trong vòng xoáy của lợi danh mà rời xa má và quê hương máu thịt của tôi.

Trong tiếng nước chảy rạt rào dưới dòng kênh nhỏ, đêm nước lớn, má nhìn tôi, mắt má là cả một bầu trời sâu thẳm. Má khẽ khàng nói:

- Má biết con giờ đã lớn, cuộc sống cũng đủ đầy nên con muốn bù đắp cho những vất vả của má suốt những tháng ngày còn trẻ, nhưng con ơi, với má nơi này là tất cả. Con có thể có một mái nhà riêng, một gia đình riêng, còn má chỉ có mớ ký ức đẹp gắn với miền quê này. Má không rời bỏ được đâu con…

Tôi nhìn má đăm chiêu, rồi mắt tôi ầng ậng nước từ lúc nào không biết. Người già thường trân trọng những ký ức đã qua, họ sống vì ký ức, bám trụ lại một nơi nào đó chỉ vì nơi đó hằn in những ký ức không quên. Má tôi đang sống vì điều đó, và rồi tôi cũng vậy. Tôi òa lên nức nở như một đứa trẻ:

- Má ơi! Con xin lỗi má…

Má xoa đầu tôi, rồi kéo tôi ngồi sát lại bên má. Mùi khói hầm than bám trên áo quần, trên tóc má. Má tôi trìu mến:

- Má luôn muốn các con của má có nơi để trở về. Má vẫn sẽ luôn ở đây, giữ hơi ấm căn nhà, giữ nhang khói ấm cúng trên bàn thờ của ba và giữ cho các con cội nguồn mà nhất định các con của má không được quên lãng.

Tôi hiểu lòng má tôi. Lòng má bao dung. Nguồn cội là thứ mà con người dù có đi đến đâu cũng không bao giờ được phép lãng quên, không bao giờ để mình bật gốc.

Tôi ngồi bên má. Đêm khuya vắng. Xóm chìm trong giấc ngủ tịch mịch, chỉ có tiếng của loài chim rừng ăn đêm vọng về và tiếng lách tách của đốm than bay lên trong gió. Trong khoảnh khắc bình dị mà ấm áp đó, tôi cảm nhận được đâu đó âm vọng của đất, của sông nước quê mình, của những cánh rừng tràm bạt ngàn và âm vọng từ trái tim nhân từ, độ lượng của má tôi. Một lúc nào đó, trên hành trình ngỡ là dài dằng dặc của cuộc đời, tôi sẽ lại giống má tôi, sẽ chắt chiu từng ký ức đẹp giữ riêng cho mình.

Tôi tựa vào má, như tựa vào sông nước, vào đất quê, vào bóng tràm, vào cội nguồn thiêng liêng, quý giá!.

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giu-lai-manh-troi-que-postid417667.bbg
Zalo