Gìn giữ phong vị Tết
Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là 'di sản' văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Trong nhịp sống hôm nay, những phong tục truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ, phát huy.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” - câu thơ ấy như một bức tranh mùa xuân, khắc họa trọn vẹn hương vị Tết cổ truyền. Bánh chưng xanh gói ghém bao yêu thương, câu đối đỏ mang theo bao lời chúc tốt đẹp, cây nêu xua đi những điều không may mắn... Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh Tết sum vầy, ấm áp. Hôm nay, dẫu cuộc sống có muôn vàn đổi thay, Tết vẫn luôn là dịp để mỗi người tìm về cội nguồn, tìm về những giá trị tinh thần sâu sắc. Tết cổ truyền như một lời nhắc nhở về bản sắc dân tộc, về tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người.
Từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã ngập tràn khắp đường làng, ngõ phố. Mỗi gia đình, mỗi người dường như trở nên tất bật hơn với những công việc chuẩn bị đón Tết. Đến ngày 23 tháng Chạp, mâm cơm cúng ông Công, ông Táo được bày biện chu đáo, chú cá chép tung tăng trong chậu nước như đang háo hức chờ đón khoảnh khắc lên “thiên đình”.
Theo truyền thống, Tết đến xuân về, nhiều người dân vẫn duy trì tục dựng cây nêu với mong muốn “tống cựu nghênh tân”. Ngày trước, trên ngọn cây nêu, người dân thường treo chuông, khánh, cành đa, lá dứa, đèn lồng… với mong muốn xua đuổi ma quỷ và những điều không may của năm cũ để đón chào năm mới an lành. Còn ngày nay, cây nêu được trang trí cầu kỳ, hiện đại, đẹp mắt hơn với đèn led, đèn lồng, dây kim tuyến… và không thể thiếu lá cờ Tổ quốc.
Ông Lê Trần Hữu Sáng (xã Thạch Châu, Thạch Hà) chia sẻ: “Gần 7 năm qua, cứ vào mỗi dịp cận Tết, gia đình tôi lại nhận làm cây nêu theo nhu cầu của người dân. Công việc này không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà còn là cách để chúng tôi gìn giữ phong tục truyền thống của quê hương, thể hiện ước vọng về một năm mới hạnh phúc, bình an”.
Với nhiều người, mỗi độ xuân về, đi chợ Tết cũng đã trở thành một niềm háo hức, mong chờ. Họ đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để tìm về những ký ức tuổi thơ. Là được cùng mẹ lựa chọn chiếc áo mới, được cha dẫn đi mua chiếc kẹo ngọt thơm, chiếc bóng bay hay con tò he xanh, đỏ…, được hòa mình vào dòng người tấp nập, cảm nhận hơi thở cuộc sống.
Dường như, mỗi một góc nhỏ của phiên chợ quê đều thấm đẫm hương vị Tết cổ truyền. Chợ Tết cũng là nơi tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Nơi những người quen gặp nhau, tay bắt mặt mừng hỏi thăm về những người thân xa quê, về việc mua sắm chuẩn bị đón Tết, vui xuân… tất cả tạo nên một cộng đồng gắn kết.
Ngày Tết, giờ phút đầm ấm nhất có lẽ là lúc cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, đôi bàn tay khéo léo gói từng chiếc bánh chưng. Hương thơm của lá dong, của gạo nếp… quyện lẫn với tiếng nói cười rôm rả, tạo nên một không gian ấm cúng, hạnh phúc. Đó còn là bữa cơm tất niên sum họp gia đình, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp và chia sẻ những dự định cho năm mới. Khoảnh khắc giao thừa đến, mọi người cùng nhau đón chào một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và kỳ vọng.
Sau thời điểm giao thừa bước sang năm mới, người Việt thường có phong tục “xông đất” với mong ước các thành viên trong gia đình sẽ có một năm gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, thành công… Ngày nay, tục xông đất đầu năm vẫn tiếp tục được duy trì, trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và hướng thiện. Người đi xông đất có niềm vui làm được việc phúc, còn chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo sẽ may mắn, an khang, thịnh vượng trong năm mới.
Ngày xuân, các hoạt động văn hóa tâm linh như đi lễ chùa, xin lộc, phong tục chúc Tết, mừng tuổi... cũng được người Việt gìn giữ và kế thừa. Tất cả đều gửi gắm niềm mong ước và nguyện cầu một năm mới an lành, hạnh phúc... Qua bao thế hệ, những phong tục ấy vẫn giữ nguyên giá trị, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức người Việt, như một lời nhắc nhở về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về tình người ấm áp.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (quê xã Sơn Trung, Hương Sơn) - hiện đang sinh sống tại Hy Lạp, chia sẻ: “Xa quê, nỗi nhớ nhà cứ len lỏi trong từng khoảnh khắc, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về. Để phần nào vơi đi nỗi nhớ ấy, tôi luôn cố gắng tái hiện không khí Tết để các con có được những trải nghiệm chân thực về phong vị Tết cổ truyền của dân tộc. Từ việc cùng nhau gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, đến chuẩn bị mâm cơm tất niên, chúc Tết, lì xì... Những khoảnh khắc ấy giúp các con cảm nhận được tình yêu thương của gia đình và hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tết Nguyên đán. Đặc biệt, việc gìn giữ những phong tục tập quán này sẽ giúp các con luôn nhớ về cội nguồn và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc, bồi đắp tình yêu gia đình, quê hương, đất nước”.
Thời gian trôi đi, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống của ngày Tết vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Tết trở thành dịp quý giá để mọi người tạm gác lại những lo toan thường ngày, dành thời gian cho gia đình và người thân. Việc gìn giữ những phong tục truyền thống trong dịp Tết giúp chúng ta tìm lại sự cân bằng giữa cuộc sống hiện đại và những giá trị truyền thống, góp phần xây dựng một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh.