Nao lòng nhớ vị Tết quê hương

Với mỗi người Việt Nam xa xứ, Tết luôn là thời khắc vô cùng ý nghĩa. Với họ, thực hiện và trân trọng ngày Tết, trên hết là lưu giữ những giá trị truyền thống, là tấm lòng thơm thảo chân thành, hàm ơn hiếu kính cha mẹ, tổ tiên và quê hương Việt Nam.

Chị Hiệu cùng tham gia hướng dẫn các món ăn ngày Tết cho các bạn Pháp. (Ảnh trong bài: NVCC)

Chị Hiệu cùng tham gia hướng dẫn các món ăn ngày Tết cho các bạn Pháp. (Ảnh trong bài: NVCC)

Bâng khuâng nỗi nhớ

Xa quê và sống tại Pháp gần 30 năm nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhà văn Hiệu Constant (tên thật là Lê Thị Hiệu) vẫn không khỏi nao lòng. “Với bà con kiều bào ở bất kỳ nơi đâu, ngày Tết cổ truyền bao giờ cũng khiến lòng người bâng khuâng ưu tư. Những lúc đó, chỉ một chút hoài niệm cũng gợi lại hình ảnh quê hương, cũng khiến lòng người xa quê xao xuyến. Nhất là đêm Giao thừa, bởi đó là thời khắc quan trọng. Đó là những khoảng lặng thiêng liêng, lắng tâm ngồi lại, nhớ vọng tổ tiên. Đó cũng là lúc nhìn lại thành quả đã đạt được trong một năm, như là một món quà hồi hướng tri ân đến cha mẹ, ông bà, nhưng cũng là lúc nhìn lại những sai lầm, những gì chưa đạt được như ý nguyện, để cầu mong trời phật, tổ tiên tiếp tục phù độ, để tự an ủi sẽ cố gắng vào năm sau”, chị Hiệu cho biết.

Chị Hiệu nói rằng, với người viễn xứ, thời khắc đó còn trở nên thiêng liêng hơn. Bởi với họ, thực hiện và trân trọng ngày Tết cổ truyền, trên hết là lưu giữ những giá trị truyền thống, là tấm lòng thơm thảo, chân thành, hàm ơn hiếu kính cha mẹ, tổ tiên và quê hương Việt Nam.

Nhớ lại những năm tháng đầu xa quê, chân ướt chân ráo tới Pháp, chị Hiệu cho biết bản thân đã có trải nghiệm chật vật của những người con lần đầu xa xứ khi Tết về. “Mua thực phẩm làm Tết Nguyên đán hồi đó không hề dễ dàng... Vào năm đầu tiên, tôi không biết rằng phải đi mua đồ từ rất sớm, nên khi đi chợ vào những ngày áp Tết, tôi đã không mua được gì nữa, ngoài một chiếc bánh chưng mà đêm Tất niên, tôi bóc ra thì đã cứng rồi (mà mẹ tôi xưa kia gọi là “bị lại gạo”)! Rút kinh nghiệm cho những năm sau, tôi đi mua đồ Tết ngay khi siêu thị châu Á bày bán”, chị Hiệu bồi hồi.

Gia đình anh Nguyễn Duy Hà được nhiều bạn bè mến mộ vì nếp nhà đậm chất Việt.

Gia đình anh Nguyễn Duy Hà được nhiều bạn bè mến mộ vì nếp nhà đậm chất Việt.

Khi đó, dù các con còn rất bé, mới hai và bốn tuổi, nhưng chị Hiệu đã cùng các con chuẩn bị Tết và từ đó đến nay chưa năm nào là không thực hiện. Chị Hiệu kể: “Bố đi công tác, ba mẹ con cứ từ từ làm. Vừa làm, tôi vừa kể chuyện sự tích Tết cho các con. Tôi lần hồi làm tất cả những gì tôi nhớ được khi thấy mẹ tôi làm khi xưa. Chúng tôi làm bánh chưng, nấu chè lam, thịt nấu đông, gà luộc, nem rán, có dưa hành và nhiều món truyền thống khác. Các con còn bé, được làm cùng với mẹ thì thích lắm!”.

Với chị, “làm Tết” trước tiên là để thỏa mãn nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương; thứ là muốn dạy cho các con làm quen với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, tổ chức Tết Nguyên đán tại nhà là điều không thể thiếu đối với gia đình chị. Giờ đây, các con chị đều có thể tự đi chợ mua đồ về gói bánh chưng, làm nem và nhiều món khác mà đôi khi không cần mẹ giúp. Mỗi năm, gia đình chị lại mời một số bạn Pháp đến vui xuân và thưởng thức những món ăn ngày Tết. “Tôi chợt nhận ra rằng để lưu giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống, chúng ta cần thời gian và sự kiên nhẫn”, chị Hiệu nói.

Cùng đón Tết để nhớ về nguồn cội

Trong khi đó, tại nước Áo, những ngày này, gia đình TS. Nguyễn Duy Hà - hiện đang công tác tại Đại học Bách khoa Vienna - cũng đang rộn ràng không khí chào đón Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi dịp năm hết Tết đến, những người Việt ở xa Tổ quốc như gia đình anh Hà lại không thể không nghĩ đến những cảnh như vậy và bùng lên nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, về quê hương, đất nước.

TS. Hà cho biết, năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức đón Tết cho cộng đồng người Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Áo vào ngày 25/1/2025. Cả gia đình anh sẽ tham dự sự kiện này. Con gái anh, hiện đang làm nghiên cứu sinh TS chuyên ngành Luật thông tin lượng tử và tính toán lượng tử tại Trường Đại học tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) cũng về Áo để đón Tết cùng gia đình và tham gia.

Trần Thiện Quang cùng bà con kiều bào đón Tết cổ truyền do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Trần Thiện Quang cùng bà con kiều bào đón Tết cổ truyền do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Tuy xa Tổ quốc nhưng gia đình anh Nguyễn Duy Hà vẫn duy trì phong tục đón Tết của quê hương. “Dịp Tết năm nay không vào đúng ngày nghỉ nhưng cả nhà vẫn giữ truyền thống, văn hóa Việt Nam, đó là sum họp và nấu ăn bữa tất niên, chờ đón Giao thừa như ở Việt Nam, gọi điện về chúc Tết ông bà và người thân ở Việt Nam. Đón Tết ở nước ngoài chỉ đơn giản vậy thôi nhưng nó khơi dậy niềm tự hào cho các con, nhắc nhớ các con rằng các con là người Việt và nhớ tới cội nguồn”, TS. Nguyễn Duy Hà cho hay.

Sinh sống và làm việc chủ yếu ở nước ngoài nhưng tâm trí, tình cảm của TS. Nguyễn Duy Hà cũng như các thành viên trong gia đình anh vẫn luôn hướng về quê hương, muốn đóng góp cho đất nước. “Mỗi người Việt Nam đều có dòng máu Việt chảy trong người. Hầu hết người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bản thân tôi, luôn phấn đấu làm việc để đạt thành tựu tốt nhất có thể, trước hết là cho bản thân, khẳng định trí tuệ của người Việt Nam, sau đó là cho nơi làm việc và mang trí tuệ Việt Nam đóng góp cho khoa học, công nghệ của nhân loại”, anh nói.

Theo đuổi lĩnh vực còn khá mới mẻ là vật lý lượng tử, bằng trí tuệ và sự nỗ lực của mình, TS. Nguyễn Duy Hà đến nay trở thành nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu ở châu Âu và thế giới. Bà xã của anh hiện cũng là TS, làm việc tại Đại học Bách khoa Vienna, còn các con đều có thành tích học tập vượt trội, từng giành nhiều huy chương, giải thưởng quốc tế và ở nước sở tại. Ở Áo, gia đình TS. Nguyễn Duy Hà được nhiều bạn bè quốc tế ngưỡng mộ không chỉ về thành tích học thuật, mà còn cả nếp nhà ấm cúng của gia đình đậm chất Việt mà họ gìn giữ.

Cuộc gọi đêm Giao thừa

Từng có hơn 10 năm sinh sống và học tập tại Hàn Quốc, Trần Thiện Quang, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ, trước đây, khi đón Tết tại xứ sở Kim Chi, anh cảm thấy rất cô đơn và nhớ quê hương da diết. Vào đêm Giao thừa, hình ảnh người người, nhà nhà quây quần bên nhau khiến anh càng nhớ gia đình và không khí đầm ấm của Tết Việt Nam. “Tôi vẫn nhớ như in năm 2012, khi điện thoại thông minh chưa phổ biến, vào đúng đêm Giao thừa, tôi đã một mình đi ra booth điện thoại để gọi về cho gia đình. Cuộc gọi ngắn ngủi ấy là cách duy nhất để tôi cùng người thân san sẻ niềm vui năm mới và vơi bớt nỗi buồn nơi đất khách”, Trần Thiện Quang kể.

Sau này, vào dịp cuối năm, Trần Thiện Quang có cơ hội đón Tết cùng bạn bè tại Hàn Quốc, cùng các bạn trang trí và tạo không khí Tết. Thế nhưng, với anh, cảm giác đó vẫn không thể thay thế được hình ảnh những cành mai vàng, những lời chúc năm mới rộn ràng và không khí sum họp đặc trưng của Tết Việt.

Sau khi hoàn tất chương trình học Tiến sĩ, nỗi nhớ quê hương, cộng thêm việc mỗi lần về Việt Nam công tác, cảm nhận được sự thay đổi và phát triển không ngừng của đất đã thôi thúc Trần Thiện Quang mới đây quyết định trở về Việt Nam làm việc, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của quê hương. “Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ với vô vàn cơ hội dành cho những người trẻ để khẳng định khát khao và năng lực. Tôi tin rằng những kinh nghiệm tích lũy được từ một quốc gia phát triển như Hàn Quốc sẽ mang lại cho tôi góc nhìn đa chiều, đồng thời cũng sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển cũng như đóng góp trong quá trình phát triển đất nước”, anh cho hay.

Không còn phải đón Tết xa quê, dịp Tết năm nay, Trần Thiện Quang đã suy nghĩ làm sao để Tết quê hương của anh thêm ý nghĩa. Nhận thấy mong muốn đóng góp cho xã hội Việt Nam từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, anh đã kết nối một chuỗi nhà hàng của Hàn Quốc với Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh và Nhà Thiếu nhi TP để tổ chức chương trình Liên hoan Búp Mai Vàng lần thứ 34 năm 2025. Đây là chương trình đặc biệt dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mang lại niềm vui và sự quan tâm cho các em trong dịp Tết Nguyên đán. Khoảng 500 trẻ em từ 26 mái ấm, trường chuyên biệt tại TP Hồ Chí Minh sẽ được tham gia chương trình. Ngoài ra, doanh nghiệp còn trao tặng 500 phần quà cho các em nhỏ và 100 phần quà cho gia đình công nhân tại KCN Cần Giờ.

Còn với chị Hiệu Constant, dịp Tết năm nay càng đầy đủ, trọn vẹn hơn khi sau hơn 20 năm, cả gia đình chị lại cùng nhau về Việt Nam đón Tết. Chị hào hứng cho biết, ông xã của chị dự kiến sẽ ở Việt Nam 3 tuần, còn chị ở lại lâu hơn.

“Với kiều bào, tụ tập để cùng nhau ngắm cành mai cành đào, thưởng thức những món ăn Tết cổ truyền thuần Việt, chia sẻ những hồi ức về quê cha đất tổ hoặc đơn giản chỉ là để nói tiếng Việt, cùng nhau hát hoặc nghe những ca khúc tiếng Việt về Việt Nam... Những điều tưởng như đơn giản nhưng lại khiến cho tâm hồn người viễn xứ cảm thấy ấm áp hơn giữa mùa đông giá lạnh và quê hương không còn quá xa nữa”, chị Hiệu nhấn mạnh.

An Diệp

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nao-long-nho-vi-tet-que-huong-post538363.html
Zalo