Người cựu binh và vườn đào Thất Thốn

Cứ cuối năm tôi lại chạnh nhớ đến cố nhà văn Băng Sơn. Băng Sơn không chỉ nổi tiếng với những tùy bút đầy đam mê về ẩm thực Hà Thành mà còn là người yêu hoa, sành cây. Ngày ấy, cũng vào tháng Chạp mưa xuân giăng mắc, chợ hoa Nhật Tân rợp đào, tôi cùng nhà văn Băng Sơn và nhà báo Đinh Quang Thành lên vườn đào Nhật Tân ngắm đào Thất Thốn.

Từ trung tâm thành phố đi về phía Tây Bắc Hồ Tây là làng Nhật Tân, kề làng Quảng Bá. Từ xưa, làng này vốn là một phường, có tên là Nhật Chiêu, chuyên nghề trồng hoa, cây cảnh. Tôi vốn chưa mấy am hiểu về giá trị của đào Thất Thốn, nhưng hai bậc đàn anh trên đường đi đã hăng hái truyền cảm hứng cho tôi về giống đào quý hiếm này.

Theo hai ông thì đào Thất Thốn là một loại đào cảnh cổ rất hiếm và có sức sống mãnh liệt. Đặc trưng của giống đào này là cây thấp lùn, lá to, dài có màu xanh đậm, từ gốc đến cành đều sần sùi, nổi những mấu u tạo vẻ cổ kính, phong trần. Phần bên trong thân đào có màu đỏ từ rễ lên tới búp.

Các cụ ta đặt tên cho cây đào Thất thốn nghĩa là từ gốc đến ngọn khoảng 7 thốn, mỗi thốn dài khoảng 1 đốt ngón tay. Giống đào này từ xa xưa là đào tiến Vua cùng với chuối ngự Nam Định, chỉ các quan lại nhà giàu mới dám chơi.

Đào Thất Thốn vốn khó trồng, khó chăm sóc, đỏng đảnh như cô gái mới về nhà chồng, nhưng khéo chiều thì cây có thể sống đến hàng chục năm. Do đào Thất Thốn kén khách chơi, giá lại đắt nên người trồng đào Nhật Tân không mặn mà phát triển giống đào này.

Làng Nhật Tân qua nhiều thế hệ người dân sống bằng nghề lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, sau chuyển sang trồng rau xanh, trồng hoa… Xuất xứ nghề trồng đào là từ vùng đất gò cao gọi là “dinh đào”.

Thời bao cấp, cứ đến tháng cuối năm âm lịch thì các gia đình trồng đào Nhật Tân được Sở Thương nghiệp Hà Nội tìm đến thu mua bằng cách đổi lương thực quy ra gạo, bột mì, đỗ xanh, thực phẩm thịt lợn, gà… Còn lại thì người ta mang về chợ Hàng Lược bán trong mấy ngày Tết.

Cũng phải gần chục năm tôi mới có dịp quay lại vườn đào của anh Lê Minh Hàm, cái ngày tôi theo chân nhà văn Băng Sơn và nhà báo Đinh Quang Thành ghé qua vườn anh.

Anh Hàm là một quân nhân ngành y, có cha là ông Lê Phước Kiên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau hòa bình 1954 công tác ở Cục Đối ngoại cho đến ngày nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Anh Hàm cũng là người đầu tiên nối nghiệp gia đình đàng ngoại trồng ghép cành đào Thất Thốn.

Ngày ấy khu vườn nhà anh khiêm tốn trên mảnh đất Nghi Tàm, loanh quanh chỉ vài trăm gốc đào Thất Thốn. Khách đến tham quan ngắm đào phần đông là những người chơi cây cảnh am hiểu về giá trị đào Thất Thốn, giới nhà giàu, những người có tuổi hay nhà nghiên cứu cây cảnh, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia…

Khách hàng đa phần từ trung tâm Hà Nội, nhưng nhiều người từ tỉnh xa cũng cất công tìm đến vườn đào anh Hàm để sắm một cây chơi Tết.

Lê Minh Hàm say mê với đào Thất Thốn khi mới 13 tuổi. Cậu bé Hàm lúc đó đã được các cậu trong gia đình hướng dẫn cách chăm sóc, ghép đào, tiếng địa phương gọi là “gi gi”.

Ngày ấy cả xóm Lò (tên gọi cũ của thôn Nam, xã Nhật Tân) có rất ít gia đình trồng đào Thất thốn. Năm 1983, Lê Minh Hàm nhập ngũ tham gia mặt trận biên giới phía Bắc. Đến năm 1989, anh phục viên với quân hàm Thiếu úy. Trở về địa phương, anh tiếp tục theo nghề nuôi đào.

Là người trong gia đình có truyền thống trồng đào, có tay nghề, kinh nghiệm chăm sóc đào, anh Hàm nhanh chóng phát triển vườn đào lên tới vài ngàn mét vuông với số lượng trên dưới 1.000 cây. Những cây đào Thất Thốn đẹp nhất có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ năm 2017- 2022, vào những ngày áp Tết âm lịch, vườn đào nhà anh khách tìm đến rất đông. Những cây đào có giá từ vài triệu đến 10 triệu đồng cháy hàng không có mà bán.

Tháng 9/2024, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào Việt Nam, nước sông Hồng dâng cao gây lũ lụt khiến cả một vùng đào Nhật Tân bị ngập úng. Vườn đào của Lê Minh Hàm bị ngập chết đến một phần ba. Trước thiên tai, mất mát, Lê Minh Hàm lại cùng gia đình vực dậy những cây còn sống để chăm sóc. Giờ thì vườn đào Thất thốn nhà anh lại đỏ rực màu nụ, báo hiệu một vụ thu hoạch thắm đỏ trong dịp Tết Ất Tỵ.

Một kỷ niệm anh vẫn còn nhớ là có vị khách tuổi trên dưới 70 từ Hưng Yên tìm đến địa chỉ nhà anh. Sương sớm chưa tan, những chậu đào Thất thốn hoa nở đỏ rực trong mưa xuân. Vị khách đi vòng quanh các gốc đào đang độ nở hoa, ngắm nghía từng cây, kiểm tra từng mấu đào sần sùi, sau hơn 2 tiếng đồng hồ mới tìm cho mình được một cây ưng ý. Hỏi giá tiền, ông tần ngần thất vọng nói “Tôi không dám mặc cả. Đây là cây đào tôi rất thích nhưng trong túi chỉ còn có hơn 3 triệu”. Trong khi giá cây đào mà anh Hàm đưa ra là 5 triệu. Chủ mời khách nhâm nhi chén trà nóng mới pha, biết khách am hiểu, sành cây, cất công từ Hưng Yên về tận Hà Nội để mua đào, anh quyết định bớt hẳn giá cho khách.

Giờ thì Lê Minh Hàm có hẳn một “kho báu” là vườn đào lên tới 6.000m2 với hơn nghìn cây đào Thất Thốn. Dân chơi đào hay sưu tầm cây cảnh Hà Nội không thể không biết đến anh. Mấy chục năm gắn bó với giống đào Thất Thốn, nghiên cứu, tìm tòi, cấy ghép, đến nay anh đã trở thành một trong những chủ đào nổi tiếng ở đất đào Nhật Tân - Quảng Bá. Thương hiệu đào Thất thốn Lê Minh Hàm được nhiều kiều bào nước ngoài biết tới tìm đến mua sau khi về Việt Nam. Cây cảnh mang đi xa vài ngàn cây số được chủ đào đóng gói cẩn thận và hướng dẫn cách chăm sóc giống đào quý khó tính nhưng đẹp và độc đáo.

Duy Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-cuu-binh-va-vuon-dao-that-thon-post1707506.tpo
Zalo