Lật lại những trang báo Xuân lịch sử 50 năm trước
Từ số báo Tết Ất Mão đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, dòng chảy thông tin trên những trang báo chính thống Việt Nam đã liên tục biến hóa khi bánh xe lịch sử dịch chuyển với tốc độ phi thường.
Lời chúc thành hiện thực
Tết Ất Mão 1975 là cái Tết cuối cùng trước khi đất nước thống nhất. Mùng 1 Tết năm ấy rơi vào ngày 11/2 dương lịch. Các số báo chính thống hôm đó mang màu sắc rực rỡ hơn thường nhật, thể hiện niềm hân hoan đón chào Xuân mới.
Tùy theo tính chất riêng, các tờ báo mang đến cho độc giả những nội dung và góc nhìn đa dạng trong ngày Tết. Trên các trang báo Tết cách đây nửa thế kỷ có tinh thần lao động hăng say của những người đi tìm quặng ở miền núi, trong những xưởng may mặc nơi đồng bằng hay giữa những công trường vùng giải phóng; có khí thế đấu tranh của quân dân miền Nam, với những chiến công và tấm gương anh dũng; có hoạt động thăm hỏi, chúc Tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; có những luận bàn về nếp sống mới bên cạnh những tình cảm gửi gắm trong thơ ca, truyện ngắn… Và có cả những bài viết về chủ đề mèo như “Năm mão nói chuyện mèo” của Báo Nhân Dân, “Bí mật của mèo” của Báo Lao Động, “Từ sinh vật đi tới ngành khoa học mới: Phỏng sinh học” của Báo Tiền Phong...
Đất trời vào Xuân cũng là lúc dành cho nhau những lời chúc. Trên trang nhất báo Nhân Dân ngày mùng 1 Tết Ất Mão 1975 đăng bài xã luận với khát vọng: “Năm 1975 phải là một năm của những thắng lợi to, tiến bộ lớn”.
Bài xã luận mở đầu bằng lời chúc chiến thắng, rồi chúc đồng bào, chiến sĩ hai miền lao động hăng say hơn, chiến đấu tốt hơn; chúc các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả hơn; chúc đời sống nhân dân phát triển hơn – Khép lại bằng lời chúc: “Lời chúc cuối cùng là tất cả những lời chúc đầu năm đều thành hiện thực”.
Trong lúc những trang báo Tết đến tay độc giả, những bước chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng đang âm thầm diễn ra.
Ngay mùa Xuân 1975, ước mong của bao thế hệ người Việt Nam sẽ thành sự thật: “Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối”.
Chỉ ít lâu sau số báo Tết Ất Mão, guồng quay báo chí Việt Nam sẽ liên tục biến hóa, khi bánh xe lịch sử dịch chuyển với tốc độ phi thường.
Bản hùng ca trên những trang báo
Đầu tháng Ba năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng liên tiếp nổ ra. Tuy nhiên, nhịp điệu trên các trang báo chính thống vẫn cơ bản tương đồng với số báo Tết Ất Mão. Dung lượng tin tức về chiến trường miền Nam chưa mở rộng trên các mặt báo.
Tới ngày 15/3/1975, Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân đồng loạt chạy hàng tít lớn về sự kiện ngày 10/3 và ngày 11/3, quân và dân Đắc Lắc “tiến công và nổi dậy làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột các chi khu quân sự, quận lỵ Hòa Bình và Buôn Hồ”.
Trước đó, số báo ngày 14/3/1975, trên báo Nhân Dân và báo Quân đội nhân dân chỉ đăng tin ngắn về “Kiên quyết trừng trị Mỹ - Thiệu tiếp tục phá hoại hiệp định Pa-ri, ngày 8/3, quân và dân Đắc Lắc tiến công chi khu quân sự và quận lỵ Thuần Mẫn, nơi xuất phát các cuộc hành quân và gây tội ác của địch với nhân dân vùng này…”. Tin ngắn về mặt trận Tây Nguyên được đặt cạnh những tin ngắn khác về tình hình đấu tranh ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Sa Đéc… trong mục tin tức về chiến trường miền Nam.
Ở thời điểm lịch sử, phối hợp cùng mặt trận quân sự, mặt trận dư luận có những nhiệm vụ đặc thù. Sự xuất hiện của tin ngắn hay bài dài trên mặt báo cũng được tính toán kỹ, để hướng đến chiến thắng cuối cùng.
Cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiết lộ chủ trương tuyên truyền công khai chỉ tiến hành từng bước: “Lúc đầu đưa ra từng trận, đợi đến khi cuộc tiến công cơ bản hoàn thành mới đưa tin giải phóng Buôn Ma Thuột. Trong khi đưa tin, nêu bật sự vi phạm hiệp định của địch, nói nhiều về phong trào nổi dậy của quần chúng, đồng thời nói nhiều đến hoạt động của Quân giải phóng…”.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong quân sự, nhất là ở thời điểm quyết định, cần phải nói ít làm nhiều, “cần miếng mà không cần tiếng”.
Khi tình hình chuyển biến thần tốc trên chiến trường, dòng chảy thông tin trên báo chí ngày càng sôi sục.
Ngày 21/3/1975, Báo Quân đội nhân dân đưa hàng tít lớn: “Miền Nam tiến công và nổi dậy, thắng rất lớn. Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ra thông cáo: từ 5 đến 20/3/1975 giải phóng toàn bộ vùng Tây Nguyên, tỉnh Quảng Trị và nhiều vùng rộng lớn khác”. Cùng thời điểm, Báo Nhân Dân cũng đưa thông tin tương tự. Bản hùng ca của đất nước và các trang báo Việt Nam cất lên khúc cao trào.
Guồng quay thông tin hối hả, công việc bận rộn của các nhà báo trong nước và quốc tế cũng xuất hiện trong cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:“Cả nước hướng về miền Nam. Báo hàng ngày hết ngay từ sáng sớm".
Từ sau ngày 21/3/1975, thông tin chiến thắng liên tiếp bùng nổ trên các trang báo. Những hàng tít lớn lần lượt báo tin giải phóng Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Rang… Cùng với đó là những tường thuật và hình ảnh nóng hổi từ chiến trường, bản đồ chiến dịch, xã luận, những bài báo về đời sống mới sau giải phóng…
Các trang báo mùa Xuân 1975 còn truyền tải sự đối lập toàn diện giữa hai bên. Trong khi chính quyền ngụy rối ren và tan rã, thì ta tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa V. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, nhân dân ở miền Bắc sôi nổi thi đua đạt thành tích nhằm chào mừng chiến thắng ở tiền tuyến miền Nam, còn bạn bè quốc tế liên tiếp gửi lời chúc mừng, ủng hộ Việt Nam.
Thời khắc lịch sử
Hàng tít chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đồng loạt chiếm trọn trang nhất các báo in ra ngày 1/5/1975.
Báo Nhân Dân hân hoan báo tin: “Hoan hô Sài Gòn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sáng qua, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. 11 giờ 30, cờ cách mạng tung bay trên phủ tổng thống ngụy. Đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh nổi dậy nô nức xuống đường cùng bộ đội dành quyền làm chủ”.
Báo Hà Nội Mới viết: “Mở màn hồi 17 giờ ngày 26/4, 11 giờ 30 phút hôm qua 30/4 Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.
Sau khi đập tan tập đoàn phòng ngự phía Đông, tuyến phòng ngự phía Nam, tuyến phòng ngự phía Bắc và Tây Bắc của địch, hình thành thế bao vây, cô lập hoàn toàn quân địch trong thành phố, đêm 29 rạng ngày 30/4 các binh đoàn chủ lực Quân giải phóng và các lực lượng vũ trang tại chỗ từ nhiều hướng đánh thẳng vào nội thành Sài Gòn, phối hợp với nhân dân nổi dậy, giành quyền làm chủ thành phố.
9 giờ 25 phút, tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút, cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ tổng thống ngụy quyền và ở khắp thành phố. Đồng bào Sài Gòn nô nức đổ ra đường, chào đón Quân giải phóng”.
Số báo ngày 1/5/1975 không chỉ mang đến những bài báo nóng hổi về diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, truyền tải lời chúc mừng của quốc tế, mà còn ghi lại niềm vui vỡ òa của nhân dân khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin chiến thắng trên sóng phát thanh vào ngày 30/4/1975.
Bài viết “Hà Nội chung niềm vui lớn với Sài Gòn” trên báo Nhân Dân có đoạn: “Trong lịch sử gần nghìn năm của mình, chưa bao giờ Hà Nội vui như hôm nay… Tiếng loa truyền tin chiến thắng hòa với tiếng nhạc Giải phóng miền Nam, tiếng trống chiêng, tiếng reo hò không lúc nào dứt.
Từ nhà máy cơ khí Hà Nội, một phóng viên gọi dây nói về cho chúng tôi biết: Khi Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công nhân, nhân viên, cán bộ và gia đình xô tới bên các đài, loa…
Chung niềm vui với dân tộc Việt Nam, các bạn bè nước ngoài công tác ở Hà Nội hôm nay cũng xuống đường. Họ tự động nhập chung vào các toán diễu hành. Họ nhảy cả lên các đoàn xe, cùng ca hát, nhảy múa…”
Bài viết "Hà Nội tràn ngập cờ và khẩu hiệu, rền vang tiếng pháo mừng Sài Gòn giải phóng" của báo Hà Nội Mới có đoạn: “Khi hàng chục vạn đài và loa loan tin “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng… Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng” thì niềm vui không còn gì kìm giữ nổi. Mọi người đổ ra đường hò reo cùng một lúc với hàng loạt tràng pháo nổ giòn giã từ khắp các cơ quan, gia đình. Từ trên cao của cột vô tuyến truyền hình phố Quán Sứ, một tràng pháo dài nổ liên tiếp gần nửa tiếng đồng hồ…
30/4/1975: Lịch sử nước Việt Nam đã ghi lại một ngày tuyệt đẹp. Cả triệu người dân thủ đô, bằng tất cả tấm lòng của mình đã biểu lộ niềm vui, niềm tự hào ngang tầm với sự kiện lịch sử”.
Nửa thế kỷ nhìn lại, niềm vui vỡ òa và khí thế hào hùng của mùa xuân lịch sử năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên khi lật giở những trang báo năm xưa.