Gieo tri thức tài chính - xây tương lai quốc gia

Muốn xây dựng một quốc gia ngày càng phát triển, phải gieo mầm tri thức tài chính từ sớm - đây không chỉ là khẩu hiệu mà đang được hiện thực hóa...

Lần đầu tiên, học sinh thi tài chính toàn quốc

Ngày 11/4/2025, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT tổ chức lễ ra mắt, đồng thời thực hiện ký kết hợp tác triển khai sân chơi "Tài chính thông minh" - sân chơi giáo dục tài chính trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh phổ thông toàn quốc, theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP.

Lãnh đạo Thời báo Ngân hàng và lãnh đạo FPT IS, Tập đoàn FPT ký kết hợp tác triển khai sân chơi "Tài chính thông minh". Ảnh: Hồng Sơn

Lãnh đạo Thời báo Ngân hàng và lãnh đạo FPT IS, Tập đoàn FPT ký kết hợp tác triển khai sân chơi "Tài chính thông minh". Ảnh: Hồng Sơn

Phát biểu khai mạc lễ ký kết, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - cho biết, thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, một trong những trụ cột quan trọng là nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về tài chính. Trong đó, việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của giáo dục tài chính, đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng của giới trẻ, được xác định là yếu tố then chốt.

Hơn hết, việc trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính cho thế hệ trẻ không chỉ giúp họ chủ động hơn trong quản lý tài chính cá nhân mà còn góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia. "Chúng tôi mong muốn lan tỏa kiến thức tài chính một cách sống động, linh hoạt và phù hợp với tư duy của thế hệ Z, Alpha. Chúng tôi kỳ vọng hợp tác cùng FPT mang đến hình thức truyền đạt kiến thức tài chính hiện đại, mới mẻ, tăng cường hiệu quả truyền thông kiến thức tài chính tới học sinh, phụ huynh và nhà trường" - bà Lê Thị Thúy Sen bày tỏ.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - phát biểu khai mạc lễ ký kết. Ảnh: Hồng Sơn

Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - phát biểu khai mạc lễ ký kết. Ảnh: Hồng Sơn

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT - cho rằng, muốn xây dựng một quốc gia ngày càng phát triển, thì không chỉ dừng lại ở việc phát triển công nghệ, chuyển đổi số hay kinh tế số. Điều quan trọng hơn hết là phải gieo mầm tri thức tài chính từ sớm để thế hệ trẻ Việt Nam có thể làm chủ đồng tiền, làm chủ tương lai của chính mình. "Thông qua sân chơi "Tài chính thông minh", chúng tôi kỳ vọng sẽ cùng các cơ quan, đối tác chung tay ươm mầm một lực lượng dự bị vững vàng, những công dân số không chỉ giỏi công nghệ mà còn am hiểu tài chính, sẵn sàng kiến tạo giá trị và làm chủ kinh tế số trong kỷ nguyên mới" - ông Hòa kỳ vọng.

Tiếp cận 22 triệu học sinh, mở rộng sân chơi ra các nước ASEAN

Theo Ban tổ chức, sân chơi "Tài chính thông minh" được thiết kế theo mô hình hiện đại, kết hợp thi trực tuyến trên nền tảng VioEdu và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Tham gia sân chơi, học sinh sẽ vượt qua các thử thách tài chính được thiết kế theo cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, rèn luyện kỹ năng quản lý chi tiêu, tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính cá nhân qua từng vòng thi. Đặc biệt, các em sẽ được trải nghiệm các tình huống tài chính thực tiễn - "những kỹ năng rất thật, rất đời và cực kỳ cần thiết cho hành trang trưởng thành", trước khi bước vào vòng chung kết toàn quốc.

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT - chia sẻ tại lễ ký kết. Ảnh: Hồng Sơn

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT - chia sẻ tại lễ ký kết. Ảnh: Hồng Sơn

Bên cạnh đó, với các hệ thống câu hỏi chất lượng, nội dung gần gũi và hình thức thi đấu sinh động trên nền tảng trực tuyến, chương trình sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức về tiêu dùng, tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân theo hình thức "học mà chơi - chơi mà học".

Chia sẻ về thể lệ và cách thức tổ chức sân chơi, bà Nguyễn Thị Ngọc - Giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu - cho hay, sân chơi sẽ diễn ra từ ngày 30/6 - 31/12/2025 dành cho học sinh phổ thông từ lớp 1 - 12. Cấu trúc sân chơi gồm 3 vòng thi chính, đó là: Khởi động (online cá nhân - 18 tuần); thử thách đồng đội (online cá nhân - 4 tuần); về đích (Chung kết toàn quốc - Offline tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Sân chơi còn có giải đấu bên lề là Talkshow và Gameshow tại các tỉnh, thành phố.

Mục tiêu trong ngắn hạn của sân chơi là tiếp cận 5 triệu học sinh trong năm đầu tiên, phủ sóng tại 63/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Trong dài hạn sẽ tiếp cận 22 triệu học sinh, mở rộng sân chơi ra các nước ASEAN, phát triển đưa môn tài chính thành môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. "Với mục tiêu lớn, đơn vị đã đầu tư rất kỹ lưỡng về hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhu cầu tham gia cùng lúc của học sinh cũng như đảm bảo hệ thông vận hành xuyên suốt, liên tục, hiệu quả. Đặc biệt, khi tham gia sân chơi phụ huynh, học sinh sẽ không mất bất kỳ chi phí nào" - bà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu - chia sẻ về thể lệ và cách thức tổ chức sân chơi "Tài chính thông minh". Ảnh: Hồng Sơn

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu - chia sẻ về thể lệ và cách thức tổ chức sân chơi "Tài chính thông minh". Ảnh: Hồng Sơn

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, bên cạnh sân chơi "Tài chính thông minh", trong thời gian tới, với tinh thần quyết liệt làm luôn làm ngay công tác đổi mới sáng tạo, một loạt các sự kiện với những chủ đề nóng, được dư luận và toàn xã hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ được Thời báo Ngân hàng tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân. Đặc biệt là giúp những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính và tạo ra một cộng đồng tài chính thông minh.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gieo-tri-thuc-tai-chinh-xay-tuong-lai-quoc-gia-382538.html
Zalo