Sách - người bạn không thể thiếu trong xã hội tri thức
Từ xưa đến nay, sách luôn được coi là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách và xem đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển con người.

Bạn đọc chọn tìm những cuốn sách ưng ý tại hội sách do CLB Sách và Văn hóa Huế tổ chức trong những ngày đầu tháng 4. Ảnh: P. THÀNH
Người khẳng định rằng, việc đọc sách là cần thiết cho tất cả mọi người, từ những người mới bắt đầu học chữ cho đến các nhà lãnh đạo và đã dạy rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn”. Lời khuyên này phản ánh sự quan trọng của sách trong việc phát triển tư duy nhắc nhở sâu sắc về việc không ngừng nâng cao sự tiếp nhận tri thức của mỗi người ở trong mọi lĩnh vực của công việc và đời sống. Những lời của Bác cũng thể hiện rõ ràng một quan điểm: Việc đọc sách không phải chỉ dành riêng cho những người làm việc trong lĩnh vực học thuật hay nghiên cứu, mà nên là một thói quen cần thiết đối với tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Các danh nhân như Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát trong lịch sử cũng đã từng coi sách là một phương tiện quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của mỗi người. Chu Thần Cao Bá Quát từng cho rằng: “Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” thể hiện sự coi trọng của ông đối với sức mạnh của sách trong việc giúp con người soi sáng trí tuệ và khám phá thế giới. Lê Quý Đôn thì khẳng định giá trị vô cùng của sách khi nói rằng: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”, đã nói lên rằng dù vật chất có quý giá đến đâu, sách vẫn là thứ vô giá trong việc nuôi dưỡng trí thức và xây dựng nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong Tạp ngâm kỳ 1 rằng: “Tứ bích đồ thư bất yếm đa” nghĩa là “Sách vở đầy bốn vách, có mấy cũng không vừa”. Sách là một nguồn kiến thức vô tận, là một người bạn tinh thần chung thủy, một tri kỷ của mỗi người, là món ăn tinh thần không thể thiếu, là thứ mà càng thưởng thức, chúng ta càng muốn đắm chìm vào đó, tìm kiếm sự hiểu biết, sự đồng cảm và cả sự cứu rỗi. Sách “đầy bốn vách” là thói quen làm bạn với sách, thể hiện sự phong phú và đa dạng của kiến thức mà con người có thể thu nhận từ sách. Dù sách có nhiều đến đâu “có mấy cũng không vừa” là khát khao vô hạn trong việc tiếp thu tri thức.
Trong cuộc sống hiện đại, việc đọc sách được xem là một trong những phương thức quan trọng để phát triển bản thân. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về giá trị và mục đích của việc đọc sách. Có người xem việc đọc sách là một cách để nâng cao nhận thức, phát triển chuyên môn, có người lại chỉ cho đó là một phương tiện giải trí. Như vậy, chúng ta trước khi đọc sách phải xác định mục đích của việc đọc sách là gì? Đọc sách có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Người làm việc có thể đọc sách để lấy thông tin, nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Ngược lại, những người tìm kiếm cảm hứng và ý tưởng cho cuộc sống, công việc hoặc sáng tạo có thể đọc sách để khám phá các quan điểm mới, mở rộng tầm nhìn và thúc đẩy sự sáng tạo của bản thân.
Tùy vào mục đích và nhu cầu, việc đọc sách có thể là một công cụ để truyền tải thông tin, học hỏi, hoặc đơn giản chỉ để thưởng thức và tìm thấy niềm vui trong mỗi trang sách. Theo quan điểm cá nhân, tôi tin rằng việc đọc sách dù là thể loại gì, từ văn chương đến sách tâm lý, khoa học… đều có ích cho sự phát triển nhận thức của con người. Ví dụ, nếu người đọc nhiều truyện tình cảm sẽ học được những bài học về tình yêu và cách xây dựng, duy trì các mối quan hệ xã hội, từ đó trở nên cao thượng và hiểu biết hơn trong các mối quan hệ thực tế. Hay khi đọc sách của các tác giả nước ngoài, chúng ta sẽ hiểu được cách nhìn nhận vấn đề của mỗi quốc gia, từ đó mở rộng tầm nhìn về thế giới. Sự đa dạng trong thể loại sách giúp bạn mở rộng kiến thức và có cái nhìn phong phú hơn về cuộc sống.
Không phải ai cũng có thể đọc sách một cách hiệu quả. Giống như trong học tập, có người giỏi, người kém, trong việc đọc sách cũng vậy. Có người chỉ dừng lại ở việc “đọc truyện”, có người tiến xa hơn một chút với “đọc văn” và cũng có những người có thể “đọc ý”, “đọc phi hư cấu” để có những góc nhìn sâu sắc hơn về thế giới. Chẳng hạn, tác giả Mortimer Adler trong cuốn How to Read a Book (Đọc một cuốn sách như thế nào) đã chia việc đọc thành 4 cấp độ chính, gồm: Đọc sơ cấp; đọc kiểm tra/thông tin; đọc phân tích; đọc tổng hợp.
Đọc tổng hợp là cấp độ cao nhất, người đọc phải nghiên cứu nhiều sách, nhiều tư tưởng khác nhau và rút ra quan điểm chung, sự khác biệt, từ đó hình thành quan điểm cá nhân. Lấy ví dụ về việc đọc sách phi hư cấu, cụ thể đây là một sách nghiên cứu chuyên sâu, sẽ mở rộng kiến thức của chúng ta về các vấn đề trong xã hội nhưng cũng không phải tất cả đều dễ dàng để hiểu. Những tác phẩm này thường mang một quan điểm nhất định của tác giả và nếu như không đọc đủ nhiều, chúng ta sẽ dễ bị đồng hóa với quan điểm đó. Do vậy, để trở thành người đọc thông thái, cần phải học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và phát triển tư duy phản biện, tách biệt bản thân khỏi quan điểm của tác giả.