Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực

Sau hơn bốn năm chuẩn bị, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế với những sinh viên đầu tiên được tuyển chọn kỹ lưỡng.

TP.HCM đang đẩy nhanh Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho tám ngành trọng điểm giai đoạn 2020-2035. Trong đó, bốn ngành thuộc các đề án thành phần đã được nghiệm thu và triển khai thí điểm tại các trường ĐH từ năm 2024 đến 2030.

Cơ hội phát triển cho những sinh viên tài năng

Tại một buổi học của lớp thí điểm ngành tài chính - ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) trong tháng 4 này, 26 sinh viên (SV) năm nhất vừa có buổi chuyên đề thú vị khi được nghe giảng trực tiếp từ một đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Các em được giới thiệu một cách trực quan đại cương về cơ sở dữ liệu toàn cầu như thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp…

 Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: THUẬN VĂN

Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: THUẬN VĂN

Được biết đây là những SV đầu tiên theo học lớp thí điểm, bắt đầu từ tháng 1-2025 và được học hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ một số môn đại cương).

Chia sẻ với chúng tôi, em Trần Ngọc Cát Tường cho biết em chọn theo học lớp này vì đây là cơ hội cho em tiếp cận các phương pháp giảng dạy và học tập theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

“Việc học chương trình này hoàn toàn bằng tiếng Anh khiến em hơi lo lắng nhưng theo em, tiếng Anh là một công cụ thật sự rất cần thiết khi tham gia vào các thị trường nước ngoài. Vì vậy, em nghĩ việc học tập và rèn luyện ngay từ bây giờ sẽ mang lại nhiều lợi thế khi tham gia vào thị trường lao động sau này” - em Cát Tường bày tỏ.

Tương tự, tại Trường ĐH KHXH&NV, sau khi nghiệm thu, 19 SV đã được tuyển chọn và theo học thí điểm chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị.

Đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế cho tám ngành giai đoạn 2020-2035 được UBND TP.HCM ban hành năm 2021. Đến nay, năm đề án thành phần đã được nghiệm thu, gồm các ngành công nghệ thông tin - truyền thông, trí tuệ nhân tạo, tài chính - ngân hàng, quản lý đô thị, y tế.

Ba đề án đang tiếp tục triển khai là các ngành cơ khí - tự động hóa, quản trị doanh nghiệp, du lịch.

Trong đó, bốn đề án đã được UBND TP.HCM thí điểm đào tạo tại bốn trường ĐH giai đoạn 2024-2030. Đây là cơ sở rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm đề án thành phần, từ đó sẽ triển khai thực hiện đào tạo cho giai đoạn 2030-2035.

Theo GS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường, trường triển khai đề án với hai giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn thí điểm (năm 2025), trường tuyển chọn những SV có năng lực tốt về điểm tích lũy cao và trình độ ngoại ngữ, đang học năm ba của ngành đô thị học. Đây là bước khởi đầu nhằm đánh giá và hoàn thiện nội dung chương trình, trong đó học phí hoàn toàn do người học tự chi trả.

 Sinh viên lớp thí điểm ngành tài chính - ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) trong một giờ học. Ảnh: DI LINH

Sinh viên lớp thí điểm ngành tài chính - ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) trong một giờ học. Ảnh: DI LINH

Sau đó, trường sẽ triển khai chính thức (dự kiến năm 2026), có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đầu vào. Chỉ tiêu dự kiến là 40-60 SV mỗi năm trong giai đoạn đầu và sẽ tăng dần để đạt 120 SV vào năm thứ tư.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã có 50 SV đang theo học chương trình thí điểm ngành trí tuệ nhân tạo (AI) do trường chủ trì. Đây là những SV xuất sắc, có năng lực cao, nhất là các em có thành tích nổi bật tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế về công nghệ thông tin.

Hỗ trợ tối đa mọi mặt cho người học

Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế cho tám ngành trọng điểm của TP.HCM, bên cạnh tuyển chọn những SV tiêu biểu, các trường ĐH được giao chủ trì đề án thành phần còn chuẩn bị, bố trí nguồn lực tốt nhất đáp ứng cho công tác đào tạo.

Chia sẻ về việc thí điểm ngành AI tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, cho biết ngay khi trường được phép mở ngành AI cho cả ba bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ năm 2021, trường đã chủ động phát triển đội ngũ giảng dạy chất lượng, ưu tiên đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, chú trọng đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho SV, học viên giao lưu quốc tế, nghiên cứu khoa học…

“Vì sự phát triển chung của TP.HCM, trường đã chủ động dành ngân sách cần thiết để đầu tư cho công tác chuẩn bị, dành nguồn học bổng để khuyến khích sinh viên giỏi tham gia chương trình.”

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM

Là đơn vị được giao đến hai đề án thành phần, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mặc dù chưa được TP.HCM đầu tư về kinh phí triển khai thí điểm nhưng vì sự phát triển chung của TP.HCM, trường đã chủ động dành ngân sách cần thiết để đầu tư cho công tác chuẩn bị, dành nguồn học bổng để khuyến khích SV giỏi tham gia chương trình.

“Chúng tôi cũng đang nỗ lực trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức để tạo điều kiện triển khai các hoạt động thực tế cho SV trong quá trình đào tạo” - PGS-TS Bùi Quang Hùng cho biết.

Còn với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện trường cũng đang rốt ráo chuẩn bị để triển khai thí điểm đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành cơ khí - tự động hóa.

Theo TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng, trường đã chủ trương đầu tư có trọng điểm vào cơ sở vật chất, xây dựng các phòng nghiên cứu và thí nghiệm với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ngang tầm với quốc tế.

SV sẽ được giảng dạy theo phương pháp tiên tiến, được tăng cường ngoại ngữ, kỹ năng mềm để sẵn sàng làm việc trong môi trường đa quốc gia sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, trường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, nhằm tạo môi trường học tập thực tế và cơ hội việc làm cho SV.•

PGS-TS NGUYỄN VĂN VŨ, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên:

Năm giải pháp để tăng hiệu quả đào tạo

Để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trình độ quốc tế tại TP.HCM hiệu quả, chúng tôi có năm đề xuất với TP.HCM như sau:

Đầu tư hạ tầng hiện đại: Xây dựng phòng thí nghiệm chuyên sâu, trang bị siêu máy tính GPU và trung tâm nghiên cứu tiên tiến để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Học bổng cho nhân tài: Tăng cường học bổng, đặc biệt cho bậc sau ĐH, nhằm đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực như AI và vi mạch bán dẫn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.

Kết nối trường - doanh nghiệp: Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để đưa nghiên cứu vào thực tiễn, tạo cầu nối giữa lý thuyết và ứng dụng.

Hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ: Tài trợ các dự án nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Mở rộng giao lưu quốc tế: Khuyến khích giảng viên và SV tham gia hội nghị, khóa học và trao đổi quốc tế, giúp hội nhập sâu rộng với cộng đồng khoa học toàn cầu.

TP.HCM kỳ vọng “cán đích” chiến lược đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế

Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM được đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ với kiến thức liên ngành. Ảnh: TK

Cùng với sự kiện trọng đại của TP.HCM, năm 2025 cũng là cột mốc đánh dấu hành trình phát triển không ngừng của ngành GD&ĐT TP.

Bên cạnh mạng lưới trường lớp dày đặc từ mầm non đến THPT, TP.HCM hiện nay đang hội tụ 97 trường ĐH-CĐ, năm viện nghiên cứu với quy mô đào tạo 400.000 sinh viên. Nhiều cơ sở ĐH, ngành đào tạo ngày càng tăng thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng thế giới.

Những điều này cho thấy TP có tiềm lực phải tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ cho TP.HCM mà cho cả khu vực phía Nam và cả nước.

Thực tế cho thấy những năm gần đây, TP.HCM đã đón đầu khi sớm xác định hướng đi mang tính chiến lược trong đào tạo để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế số. Trong đó, đề án tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ở tám ngành trọng điểm của TP đang dần hoàn thành 1/3 chặng đường và bước vào giai đoạn đào tạo thí điểm.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách khiến cả chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo lẫn người học rơi vào thế khó. Dù vậy, TP vẫn quyết tâm triển khai, như lời khẳng định đầy cam kết của người đứng đầu TP: “TP sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cho đổi mới sáng tạo của TP”.

Vì vậy, khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành và triển khai, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - PGS-TS Vũ Hải Quân phấn khởi ví rằng: “Nghị quyết 57 như một làn gió thổi bùng sự hào hứng và sự kỳ vọng tích cực cho các cơ sở đào tạo vì nó chạm đến những vấn đề cốt lõi, gợi mở cơ chế, tháo gỡ điểm nghẽn”.

Từ đây, TP cũng đã xây dựng chương trình và triển khai nhiều kế hoạch chung của TP trên cơ sở phối hợp cùng nhau, cả chính quyền, cơ sở đào tạo và các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt lên hàng đầu.

Với những nỗ lực và quyết tâm đó, TP.HCM được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm ra một số cơ chế, chính sách để đi đến mục tiêu cuối cùng là về đích trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, thu hút nhân tài, làm yếu tố quyết định cho quá trình phát triển bền vững của TP.HCM. PHẠM ANH

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-toc-dao-tao-nguon-nhan-luc-post844599.html
Zalo