Thủ thuật 'đánh tráo' GV của trung tâm để thầy cô dạy thêm chính HS trên lớp

'Trung tâm sẽ sắp xếp chéo lịch của thời khóa biểu, nghĩa là ngày trước sẽ ghi rõ lớp như thầy A dạy Toán lớp 10XX, nhưng giờ ghi là thầy A dạy Toán 10BB'.

Bài viết: "Long Biên: Học sinh thật thà kể GV bộ môn "kéo" ra trung tâm học thêm thu tiền" được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 15/4 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh, chuyên gia lĩnh vực giáo dục.

Bài viết ghi nhận thực tế nhiều học sinh Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh và Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) học thêm tại Trung tâm BDVH Bách khoa (trong con hẻm của ngõ 94 Thượng Thanh), nhưng giáo viên dạy là chính là người giảng dạy các em trên lớp. Giáo viên giảng dạy tại trung tâm này thu tiền với từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/ca/học sinh.

Ngay sau khi bài viết đăng tải, nhiều phụ huynh tại quận Long Biên đã chia sẻ với Tạp chí đó là một thực tế đáng buồn. Người cho con đi học và cả người không cho con đi học đều đầy "tâm tư". Một phụ huynh còn kể, con họ còn được giáo viên "mớm" nói dối nếu có ai hỏi về lớp học thêm này. Nó khiến góc nhìn của các con với giáo viên trở nên méo mó.

 Trung tâm BDVH Bách khoa.

Trung tâm BDVH Bách khoa.

Trung tâm - tấm "bình phong" cho một số giáo viên THCS Thượng Thanh, THPT Lý Thường Kiệt dạy thêm học sinh chính khóa

Để rõ hơn cách thức trung tâm này làm sao "đối phó" với các quy định. Phóng viên cũng đã tìm hiểu kỹ hơn. Trung tâm này cao 5 tầng, với hơn chục phòng học và ở phía bên ngoài cửa có gắn tấm biển: "Trung tâm BDVH Bách khoa. Luyện thi tiếng Anh các cấp độ, dạy tiếng Anh cho người mất gốc, bồi dưỡng kiến thức: Toán - Văn".

Ở phía dưới có dòng chữ in nghiêng: “Theo Quyết định số 475 QĐ-SGD&ĐT ngày 08/7/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Nếu nhìn bên ngoài hoạt động của trung tâm trên thì khó có thể nhận thấy điều gì bất thường. Không dễ để biết một số giáo viên Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh, Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt đưa học sinh của mình vào trung tâm để giảng dạy bởi tấm "bình phong" trung tâm khá vững chắc, "che" cho giáo viên.

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của trung tâm này, người viết đã liên hệ với người đại diện pháp lý của đơn vị này là bà L để rõ hơn. Theo bà L., trung tâm này hiện là cơ sở 2, nên khó để mở thêm cơ sở nữa.

Trước đề xuất của người viết muốn về trung tâm của bà L. để cho học sinh chính khóa về đây học thêm, bà L. cho hay, việc này còn phụ thuộc vào số lượng học sinh của giáo viên.

"Hiện tại, chỗ chị có khoảng chục phòng học, rất là full. Nếu mà em đẩy lịch dạy sang ngày chủ Nhật thì tốt", bà L. nói.

Bà L. cho biết, gia đình bà đã trót đầu tư vào hoạt động này thì đầu tư cho hết khấu hao, bởi lợi nhuận thu về cũng chả được bao nhiêu.

"Thực sự chúng tôi làm giống như nghề làm phúc thôi. Bởi nếu tôi cho thuê một, hai sàn của căn nhà cũng đã có lời. Vì vậy, chúng tôi mở bây giờ là tạo điều kiện cho giáo viên", bà L. nói.

Khi người viết băn khoăn về mức phí giáo viên nộp cho trung tâm, bà L. thông tin, trung tâm hiện thu theo mức phần trăm bởi nếu không các đơn vị khác sẽ "kiện". Theo đó, trung tâm thu mức phí khoảng trên 20% và bà cũng không quan tâm lắm đến việc này, vì việc quản lý do anh trai của bà là ông D. phụ trách.

Khi phóng viên xin số điện thoại của anh trai bà L., bà này một lần nữa nhắc lại: "Em phải là giáo viên thì chị mới hỗ trợ đấy nhé".

Phóng viên cũng đã liên hệ với ông D. để hỏi về việc muốn làm cơ sở của trung tâm, ông D. cho hay, bên trung tâm có đầy đủ giấy phép của cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, vướng mắc nếu giáo viên mở trung tâm là về điều kiện thủ tục.

"Anh sẽ phải sang bên chỗ em để khảo sát thực tế và liên hệ với các cơ quan chức năng để làm việc về phòng cháy chữa cháy", ông D. nói.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc, liệu có phải xin Sở Giáo dục và Đạo cấp phép hay không, ông D. cho hay, ông chỉ cần làm văn bản thông báo cho Sở về việc thành lập cơ sở của trung tâm. Sau đó, phường sẽ xuống cơ sở để kiểm tra đảm bảo các điều kiện chưa.

 Thông tin về lịch giảng dạy ca buổi chiều tại Trung tâm BDVH Bách khoa.

Thông tin về lịch giảng dạy ca buổi chiều tại Trung tâm BDVH Bách khoa.

 Phụ lục kèm theo Thông tư 29.

Phụ lục kèm theo Thông tư 29.

Trung tâm tiết lộ cách "lách" kiểm tra

Khi người viết hỏi, việc mở cơ sở của trung tâm nhưng tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa liệu có "an toàn" khi bị cơ quan chức năng kiểm tra?

Trả lời câu hỏi trên, ông D. cho hay, theo Thông tư 29 sẽ không cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa. Vì vậy, trung tâm sẽ làm hợp đồng để cơ sở ký và sau đó trung tâm sẽ phân lịch giảng dạy.

"Anh sẽ làm hai loại hợp đồng gồm, hợp đồng thỉnh giảng và hợp đồng trợ giảng. Hôm đó, anh phân tiết đó và bảo thầy (thầy giáo đang dạy học sinh chính khóa) đang trợ giảng. Cách xử lý việc này cũng dễ", ông D. nói.

Khi người viết đặt câu hỏi làm thế nào để tổ chức mở cơ sở và có giáo viên trong trường về cùng dạy cho học sinh chính khóa, ông D. hướng dẫn, cơ sở vẫn phải đăng ký thông tin của giáo viên giảng dạy.

Giả dụ, hôm nay có lớp Toán 10A, thì cơ sở phải phân bố lịch cho giáo viên lớp 10B giảng dạy.

"Tuy nhiên, thực tế thì bên này các giáo viên vẫn dạy cho chính học sinh của mình. Anh chỉ sắp xếp chéo lịch của thời khóa biểu, nghĩa là ngày trước anh sẽ ghi rõ lớp như thầy A dạy Toán lớp 10XX, nhưng giờ anh ghi là thầy A dạy Toán 10BB.

Về việc thu học phí, trung tâm sẽ trực tiếp thu, coi như là thu hộ giáo viên", ông D. nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Trung tâm BDVH Bách khoa thuộc Công ty TNHH Thương mại và Giáo dục Bách Khoa. Địa chỉ của công ty tại phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này đã đăng ký là về hoạt động dạy thêm: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu.

Chi tiết về hoạt động kinh doanh là: Giáo dục không xác định theo cấp độ tại các trung tâm đào tạo bồi dưỡng; Các dịch vụ dạy kèm( gia sư); Các trung tâm dạy học có các khóa học dành cho học sinh yếu kém; Dạy ngoại ngữ và dạy kỹ năng đàm thoại; Đào tạo về sự sống; Đào tạo kỹ năng nói trước công chúng; Dạy máy tính.

Tại Điều 4, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Trong đó có nêu: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".

Đồng thời, tại khoản 3, Điều 6 có quy định trách nhiệm của giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường là: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này)".

Trước phản ánh của nhiều phụ huynh, người dân và ghi nhận thực tế trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ để ghi nhận về công tác quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

Ngày 8/4, phóng viên liên hệ điện thoại với cô Trần Thị Ngọc Yến (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh). Tuy nhiên cô Yến cho hay, cô không nói chuyện này qua điện thoại, và phóng viên muốn gì thì qua Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Sau đó, phóng viên cũng đã Giấy giới thiệu đến Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào phản hồi.

Nguyễn Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-thuat-danh-trao-gv-cua-trung-tam-de-thay-co-day-them-chinh-hs-tren-lop-post250493.gd
Zalo