Tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội hạ nhiệt
Số lượng học sinh dự thi giảm so với năm trước, trong khi chỉ tiêu vào trường công lập tăng. Hai yếu tố này khiến kì thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay hạ nhiệt.
Thêm gần 5.000 chỉ tiêu
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2025 - 2026, thành phố tuyển gần 80.000 học sinh vào lớp 10, trong đó, 199 trường THPT công lập được giao 78.400 chỉ tiêu, tương đương với 1.763 lớp. Còn 3 trường THPT công lập tự chủ được giao 1.340 chỉ tiêu, với 32 lớp.
So với năm học 2024 - 2025, năm nay, Hà Nội có 70 trường THPT tăng chỉ tiêu Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên) tăng nhiều nhất với 180 học sinh. Các trường: THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm), THPT Đa Phúc (Sóc Sơn) và THPT Thường Tín (Thường Tín) tăng 135 chỉ tiêu/trường. Tiếp đến có 39 trường tăng 90 chỉ tiêu như THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm), THPT Kim Liên (Đống Đa), THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), THPT Nguyễn Thị Minh Khai và THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), THPT Mỹ Đình (Nam Từ Liêm)...

Học sinh thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2024 Ảnh: NHƯ Ý
Bên cạnh đó, 27 trường tăng 45 chỉ tiêu như THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình). Ngoài ra, 4 trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội tăng 500 chỉ tiêu tương đương với 14 lớp.
Trường THPT Chuyên Sơn Tây tăng chỉ tiêu mạnh nhất với 210 học sinh. Trường THPT Chuyên Chu Văn An tăng 4 lớp chuyên với 135 học sinh. Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường Chuyên Nguyễn Huệ tăng 70 chỉ tiêu/trường. Như vậy, so với năm học 2024 - 2025, tổng chỉ tiêu lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026 của Hà Nội tăng khoảng 5.000.
Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với tổng chỉ tiêu 12.080 học viên.
Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp trung học cơ sở (nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó). Học sinh có nguyện vọng nộp đơn đăng kí dự tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên từ ngày 21/4.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất đổi mới toàn diện nội dung, phương thức thi cử, đặc biệt trong kì thi tuyển sinh lớp 10. Khi học sinh nắm vững kiến thức và trải qua kì thi chuyển cấp, đủ trải nghiệm để định hướng được mục tiêu, hiểu được điểm mạnh và yếu trong quá trình thực hiện, từ đó, lựa chọn đúng nhóm môn học phù hợp khi bước vào lớp 10.
Giảm áp lực
Bà Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, nhà trường, phụ huynh, học sinh giảm được một phần áp lực.
Khoảng 50% học sinh lớp 9 của trường tham dự kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập sắp tới.
Phần còn lại, phụ huynh, học sinh đã có định hướng lựa chọn khác. Thời điểm hiện tại, Trường THCS Lê Lợi cố gắng sắp xếp tăng số lượng tiết tăng cường đối với 3 môn thi lớp 10 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) lên 2-3 lần so với bình thường, vừa củng cố nền tảng, vừa nâng cao kiến thức cho học sinh.
Trong giai đoạn nước rút ôn thi vào lớp 10, ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, học sinh cần chia nhỏ mục tiêu với từng môn học, không nên quá ôm đồm, đặc biệt cần chú trọng việc hệ thống lại kiến thức và dành thời gian tự học. Đặc biệt trong giai đoạn này, học sinh lớp 9 nên luyện các đề thi tham khảo, tập thói quen làm bài nghiêm túc trong khoảng thời gian như thi thật để rèn kĩ năng và tâm lí.
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với gần 3.000 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và 29 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó, 119 trường THPT công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây áp lực lớn đối với học sinh thi tuyển vào lớp 10.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ở bậc THPT các loại hình trường học đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh. Ngành đã có tham mưu, đề xuất thành phố dành nguồn lực để xây thêm trường THPT công lập.
Thực tế, việc đầu tư xây dựng trường THPT công lập đã và đang được TP Hà Nội quan tâm. Giai đoạn 2021-2025, thành phố phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới các trường THPT, gồm: Minh Hà (huyện Thạch Thất); Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); 1 trường tại quận Cầu Giấy; Việt Hưng (quận Long Biên); Uy Nỗ, Nguyên Khê và Việt Hùng (huyện Đông Anh).
Giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện trong giai đoạn rà soát. Ví dụ như, quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập; quận Hoàng Mai, Đông Anh… sẽ xây thêm trường.
Đặc biệt, 7 trường liên cấp tiểu học, THCS-THPT tiên tiến hiện đại đã lên kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí nguồn vốn để xây dựng. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.