Giáo viên, học sinh Hải Phòng khai bút đầu xuân tại Đền thờ Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn

Sáng 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão tổ chức lễ khai bút đầu xuân.

Tham dự chương trình, có Tiến sĩ Phạm Văn Ánh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Văn học; ông Phạm Quốc Hiệu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng; ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố; đại biểu Huyện ủy và UBND huyện An Lão, Kiến An.

 NSUT Văn Mởn - Đoàn Chèo Hải Phòng đọc Chúc văn.

NSUT Văn Mởn - Đoàn Chèo Hải Phòng đọc Chúc văn.

Đây là hoạt động được tổ chức thường niên mừng Đảng, mừng xuân mới của huyện An Lão, TP Hải Phòng; là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn; tôn vinh đạo học, truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Hà Thế Vinh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão nhấn mạnh, Khai bút đầu xuân là một phong tục đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa và truyền thống hiếu học, trọng trí tuệ, trí nhân của dân tộc Việt Nam. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu Xuân ấy là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Trải qua bao đời, phong tục này đã được các thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ và trở thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa, trường tồn.

 Lãnh đạo huyện An Lão ký khai bút đầu Xuân Ất Tỵ.

Lãnh đạo huyện An Lão ký khai bút đầu Xuân Ất Tỵ.

Lễ khai bút diễn ra tại Đền thờ Tiến sĩ, Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn mang một ý nghĩa đặc biệt gắn với cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của con người mẫn cán, tài năng, đức độ. Đền thờ Lê Khắc Cẩn đã trở thành nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, là điểm đến linh thiêng, nơi hun đúc tinh thần hiếu học của các thế hệ con cháu. Đền thờ Lê Khắc Cẩn được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2024 là minh chứng cho giá trị to lớn mà ông đã để lại cho hậu thế.

Tại chương trình, các đại biểu cùng nhân dân đón xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ cùng hoạt cảnh chèo “Vinh quy bái tổ” do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn tái hiện hình ảnh Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn đỗ đạt, trở về quê hương.

 hoạt cảnh chèo “Vinh quy bái tổ”.

hoạt cảnh chèo “Vinh quy bái tổ”.

Tiến sĩ Phạm Văn Ánh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Văn học và ông Nguyễn Hòa- Nghệ nhân dân gian thành phố biểu diễn viết thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ với 4 chữ “Tu đức luyện tài” thể hiện tinh thần rèn luyện cả về phẩm hạnh và tri thức, làm kim chỉ nam cho mỗi người trên hành trình học tập và trưởng thành.

Giáo viên, học sinh trong huyện An Lão khai bút.

Đồng thời, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và huyện An Lão cùng thực hiện nghi thức khai bút qua biểu thư pháp với chủ đề năm 2025 của thành phố Hải Phòng “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số” và Lãnh đạo huyện An Lão thực hiện nghi thức khai bút qua biểu thư pháp với chủ đề hành động năm 2025 của huyện “Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển khu, cụm công nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và chuyển đổi số”.

Tại chương trình, 95 học sinh và giáo viên tham gia khai bút thư pháp chữ quốc ngữ.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-hoc-sinh-hai-phong-khai-but-dau-xuan-tai-den-tho-tien-si-le-khac-can-post718858.html
Zalo