Giảm nghèo 'sâu địa bàn, sát đối tượng'

Trong cuộc sống vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau, nhiều hộ dân rơi vào cảnh nghèo khó. Điểm tựa duy nhất của họ là sự chung tay, góp sức, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, thông qua chính sách giảm nghèo của Nhà nước, thời gian qua rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo bền vững. Câu chuyện ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng là một điển hình.

BÁM SÁT CHỈ TIÊU, KẾ HOẠCH ĐỀ RA

Xã Long Hà có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trình độ dân trí cũng như điều kiện kinh tế của các hộ dân trên địa bàn không đồng đều. Do vậy, muốn thúc đẩy sự phát triển, công tác giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền nơi đây ưu tiên đặt lên hàng đầu.

“Đầu năm 2024, xã Long Hà còn 9 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Đến thời điểm này, qua rà soát không còn hộ nghèo, chỉ còn 11 hộ cận nghèo, bằng khoảng 0,3% tỷ lệ hộ dân, đạt nghị quyết đề ra. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Hằng năm, Đảng ủy xây dựng nghị quyết, UBND đề ra kế hoạch để thực hiện” - ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Long Hà chia sẻ.

Bà Thị Nơm chăm sóc bò được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững

Bà Thị Nơm chăm sóc bò được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững

Trong 15 thôn của xã Long Hà thì có 4 thôn tập trung đông đồng bào DTTS. Bám sát thực tế, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Bà Đặng Thị Yến, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách giảm nghèo xã Long Hà cho biết: Sau khi nhận được chủ trương, chúng tôi phối hợp với ban thôn rà soát, nắm tình hình thực tế hộ nghèo, đặc biệt là người DTTS có nhu cầu cần hỗ trợ, như về nhà ở, nông cụ sản xuất, vay vốn chuyển đổi nghề, hỗ trợ cây - con giống... Sau đó, UBND xã xem xét hỗ trợ cụ thể từng trường hợp.

“Nếu khó khăn về nhà ở sẽ hỗ trợ xây nhà; thiếu vốn sản xuất thì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các đơn vị ủy thác cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Trường hợp có lao động nhưng thiếu việc làm thì giải quyết bằng cách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ bò sinh sản hoặc công cụ sản xuất. Trường hợp đặc biệt là đối tượng bảo trợ xã hội, chúng tôi phối hợp với các đơn vị kinh tế kết nghĩa để bảo trợ hằng tháng” - ông Thể cho biết.

Thôn Bù Ka 1 có hơn 70 hộ dân tộc S’tiêng (khoảng 70% dân số toàn thôn). Chăn nuôi trâu, bò là thế mạnh nên chính quyền địa phương đã chọn mô hình này hỗ trợ bà con làm kinh tế. Thông qua chương trình giảm nghèo bền vững, các hộ dân được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Tính từ năm 2019 đến nay, số bò đầu tư cho hộ nghèo ban đầu là 46 con, hiện đã nhân đàn lên hơn 60 con. Nhiều hộ nghèo được tặng nhà tình thương, dụng cụ sản xuất… nhờ vậy đến nay thôn không còn hộ nghèo.

Thoát nghèo cuối năm 2023, bà Thị Pó phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, nhà mình khổ lắm. Năm vừa rồi, Nhà nước xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ 2 con bò về nuôi và bò sinh thêm 1 con, từ đó kinh tế gia đình ổn định hơn”.

PHÁT HUY VAI TRÒ TRƯỞNG THÔN

Quá trình thực hiện công tác giảm nghèo đòi hỏi cán bộ thôn phải sâu sát cơ sở, nắm bắt hoàn cảnh và động viên các hộ vươn lên. “Tôi khích lệ và khuyên bà con phải vệ sinh chuồng trại, đồng thời nắm bắt kỹ thuật để nuôi bò sinh sản nhiều hơn. Bò ăn kém hoặc bị bệnh thì báo ngay cho trưởng thôn để thông báo thú y xã nhằm phòng, trị bệnh kịp thời. Đối với các hộ nghèo, phải sâu sát như thế!” - anh Điểu Minh Hưng, Trưởng thôn Bù Ka 1 trải lòng.

Còn anh Điểu Thót, Trưởng thôn Phu Mang 1 cho biết: Mình khuyên bà con, Nhà nước cho bò, mình biết ơn, nuôi nhân đàn chứ không được lén lút bán. Các dụng cụ như máy phát cỏ, máy xịt thuốc cũng phải bảo quản tốt. Làm vườn nhà mình xong, rảnh rỗi thì đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, không được bán hoặc bỏ bê. Bà con nghe mình nói vậy, thấy ưng cái bụng nên ai cũng làm theo. Họ thoát nghèo, có cái ăn, cái mặc, của để dành, mình cũng vui lây.

Ở thôn Phu Mang 1, gia đình bà Thị Nơm là hộ khó thoát nghèo. Vì thế, Trưởng thôn Điểu Thót rất quan tâm. Sau khi nắm bắt các nhu cầu cần hỗ trợ, bà Thị Nơm đã được tặng nhà tình thương, kéo điện, đào giếng, bồn chứa nước, 1 con bò mẹ và bê. Qua gần 1 năm chăm sóc, bò mẹ chuẩn bị sinh thêm bê. Tuy đã được công nhận thoát nghèo nhưng Trưởng thôn Điểu Thót vẫn luôn sâu sát để kịp thời động viên, hỗ trợ bà Thị Nơm, tránh trường hợp kẹt tiền tự ý bán bò, dễ dẫn đến tái nghèo.

Đối với cấp xã, cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách dành cho hộ nghèo, hỗ trợ phù hợp, sát điều kiện, hoàn cảnh, khi các hộ đã được công nhận thoát nghèo, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để họ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của từng thành viên trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn; tuyên dương các hộ biết cách vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giao các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đảng ủy viên phụ trách chi bộ các thôn tích cực hỗ trợ, nếu có nguy cơ tái nghèo thì tìm hiểu nguyên nhân để giúp đỡ kịp thời, quyết tâm không để tái nghèo.

Chủ tịch UBND xã Long Hà PHẠM VĂN THỂ

Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2024 của huyện Phú Riềng là thực hiện hiệu quả, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh do tỉnh và huyện đề ra. Công tác giảm nghèo bền vững là một trong những chỉ tiêu vượt kế hoạch và xã Long Hà là địa phương có đóng góp quan trọng. Kết quả này là cơ sở vững chắc để Long Hà thực hiện thành công xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2025, tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Quốc Phong - Đức Hiển

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/167020/giam-ngheo-sau-dia-ban-sat-doi-tuong
Zalo