Giảm cân không cần tập luyện: Bí quyết đốt cháy 500 calo mỗi đêm từ chuyên gia
Bí quyết giảm cân đặc biệt này thu hút sự quan tâm của nhiều chị em lười vận động.
Theo tờ Daily Mail, một giấc ngủ trọn vẹn mỗi đêm có thể giúp chị em phụ nữ đốt cháy tới 500 calo, thay vì phải cật lực chạy bộ trong suốt 1 giờ đồng hồ tại phòng tập. Khi nghỉ ngơi vào ban đêm, cơ thể đang thực hiện loạt quá trình như sửa chữa mô, củng cố trí nhớ, tiết kiệm năng lượng và điều chỉnh hormone.

Ngủ đủ giấc vào ban đêm giúp đốt cháy hàng trăm calo, ngang bằng với việc chạy bộ 1 giờ đồng hồ. (Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu chỉ ra, trung bình một người nặng khoảng 57kg và sẽ đốt cháy khoảng 38 calo mỗi giờ khi ngủ, tương đương khoảng 266 đến 342 calo khi ngủ từ 7 đến 9 tiếng. Người nặng 68kg sẽ đốt cháy khoảng 46 calo mỗi giờ, tổng cộng khoảng 322 đến 414 calo khi ở thời gian ngủ tương tự. Và người nặng 84kg có thể đốt cháy 56 calo mỗi giờ, tương đương với 392 đến 504 calo.
Tuy nhiên, tiến sĩ Cassidy Jenkins cho rằng không phải ai cũng có thể đốt cháy lượng calo giống nhau. Mọi thứ có thể phụ thuộc vào tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (BMR). Đây là số calo mà cơ thể đốt cháy ở trạng thái nghỉ ngơi để duy trì các chức năng cơ bản như hô hấp hay tuần hoàn. BMR còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như cân nặng, độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Song, khả năng đốt cháy calo mà không cần tập luyện từ việc ngủ một giấc trọn vẹn vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với những người lười vận động.

Không làm gì vẫn có thể giảm hàng trăm calo trở thành câu chuyện thu hút người mong muốn giảm cân nhưng lười vận động. (Ảnh minh họa)
Chúng ta có thể áp dụng một phép tính cơ bản về lượng calo đốt cháy mỗi đêm bằng cách xác định BMR.
Công thức dành cho nam giới: 66 + (6.2 x cân nặng tính theo pound) + (12.7 x chiều cao tính theo inch) - (6.76 x tuổi tính theo năm).
Công thức dành cho nữ giới: 655.1 + (4.35 x cân nặng theo pound) + (4.7 x chiều cao tính theo inch) - (4.7 x tuổi tính theo năm).
"Sau khi tính được BMR, hãy đem con số này chia cho 24 để biết lượng calo đốt mỗi giờ. Sau đó nhân với số giờ bạn thường ngủ", tiến sĩ Cassidy Jenkins cho biết.
Mặt khác, lượng calo đốt cháy vào ban đêm còn phụ thuộc vào khối lượng, thành phần cơ thể, độ tuổi, giới tính, chất lượng giấc ngủ và tình trạng sức khỏe nền.

Lượng calo đốt cháy vào mỗi đêm của từng người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia khuyến cáo thời gian ngủ mỗi đêm nên dao động từ 7 - 9 giờ. Trong khoảng thời gian này sẽ trải qua khoảng 4 - 6 chu kỳ ngủ. Khi bắt đầu ngủ, cơ thể chuyển từ giấc ngủ nhẹ sang ngủ sâu và cuối cùng đến giai đoạn REM - nơi các giấc mơ diễn ra nhiều nhất.
REM là giai đoạn đốt cháy nhiều calo nhất. Ở giai đoạn này, não hoạt động mạnh, xử lý cảm xúc và củng cố trí nhớ. Nhịp tim và hơi thở trở nên không đều, đôi khi nhanh hơn và khả năng điều hòa thân nhiệt giảm đi - làm tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Bên cạnh đó, giấc mơ cũng tiêu tốn năng lượng cho não.
Dù đốt cháy 500 calo mà không cần làm gì nhưng tiến sĩ Cassidy Jenkins khuyên không nên ứng dụng việc này thay thế cho tập luyện thể thao.
"Dù con số này đáng ngạc nhiên, tương đương với việc đi bộ từ 30 - 45 phút, nhưng không có nghĩa là bạn nên bỏ qua các hoạt động thể chất thường xuyên. Thay vào đó, điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghỉ ngơi và phục hồi đối với sức khỏe tổng thể và quản lý cân nặng", tiến sĩ Cassidy Jenkins cho biết.

Thời gian ngủ hợp lý nên dao động từ 7 - 9 tiếng/ngày. (Ảnh minh họa)
Thiếu ngủ là nguyên nhân làm tăng mạnh cortisol - hormone gây căng thẳng, có thể dẫn đến việc tích trữ mỡ và làm rối loạn các hormone kiểm soát cơn đói như ghrelin và leptin. Điều này khiến bạn ăn nhiều hơn và thèm ăn vặt. Nếu tình trạng thiếu ngủ diễn ra thường xuyên còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và khả năng ra quyết định, ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm không lành mạnh và ăn đêm.
Những yếu tố trên phản ánh rõ cho việc thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và béo phì.
Tiến sĩ Cassidy Jenkins khuyến cáo mỗi người nên xây dựng một lịch trình ngủ cố định. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm sẽ giúp cơ thể xây dựng đồng hồ sinh học tự nhiên. Không những vậy, môi trường ngủ lý tưởng cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiệt độ lý tưởng khoảng 18 độ C, không gian tối và yên tĩnh chính là những yếu tố giúp bạn có giấc ngủ sâu, đem lại khả năng phục hồi tốt.
Đặc biệt, tiến sĩ Cassidy Jenkins khuyên nên tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày giúp điều chỉnh nhịp sinh học, giải căng thẳng và tăng sản xuất melatonin - hormone hỗ trợ giấc ngủ.

Dù ngủ đủ giấc có thể đốt cháy calo nhưng tiến sĩ Cassidy Jenkins khuyên vẫn nên kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để đạt hiệu quả giảm cân và tăng cường sức khỏe. (Ảnh minh họa)