Những 'người tù không số' trong vòng tay mẹ nơi địa ngục trần gian
'Người tù không số' là cách gọi dành cho những đứa trẻ được sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ - những nữ chiến sĩ cách mạng. Không có bản án, không mang số tù nhưng họ vẫn phải sống sau song sắt, chịu đói khát, rét mướt và nỗi đau của một thân phận bị giam hãm. Giữa 'địa ngục trần gian', họ lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của mẹ và các dì - những người phụ nữ đã nuôi nấng họ bằng tình mẫu tử và khát vọng độc lập, tự do.'

Cựu tù cách mạng Phan Thị Quy và con gái Ngô Thị Bé
Tiếng khóc trẻ thơ giữa chốn lao tù
Những ngày tháng 4 lịch sử này, trong không khí cả nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), hình ảnh của mẹ và cả những tháng ngày tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí chị Bùi Thị Xuân Hạnh.
Theo dòng hồi tưởng về những câu chuyện đã được mẹ kể lại, chị Hạnh cho biết, vào đầu năm 1966, mẹ chị - bà Mười Đào - từ Phú Yên vào Sài Gòn tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tháng 8 năm đó, bà Mười Đào bị bắt tại khu vực chợ Bà Chiểu, bị giam tại nhà tù Thủ Đức. Cũng chính lúc này, bà mới biết đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ.
Nhớ lại lời mẹ kể, chị Hạnh vẫn không khỏi xót xa bởi những trận đòn roi, tra khảo mà mẹ chị đã phải chịu đứng nhưng bà vẫn một lòng kiên trung với Tổ quốc. Chính nơi ngục tù, người mẹ đó đã kiên cường, cố gắng để bảo bọc, che chở đứa con còn trong bụng.
"Hoàn cảnh trong lao tù vốn đã thiếu thốn, khắc nghiệt thì đối với người phụ nữ mang thai lại càng khổ cực hơn. Mẹ tôi kể, có lần mẹ bị ngộ độc, tưởng như đã mất con", chị Hạnh bùi ngùi chia sẻ.
Có lẽ sự kiên cường, ý chí phải sống của người mẹ đã được truyền sang đứa bé trong bụng, nên cả hai mẹ con đã vượt qua được hoàn cảnh ngặt nghèo. Tháng 3/1967, chị Bùi Thị Xuân Hạnh chào đời dù chưa đủ ngày đủ tháng.

Chị Bùi Thị Xuân Hạnh cùng bức tranh mẹ thêu khi còn ở nhà tù Côn Đảo
"Mẹ kể rằng, khi nhìn thấy tôi mới chào đời, mấy dì ở cùng nhà giam với mẹ nói tôi nhìn như con chuột, nhỏ xíu và đen đúa. Tôi nghĩ, do lúc mang thai, mẹ ở trong tù, bị đánh đập lại ăn uống kham khổ nên đó cũng là điều dễ hiểu", chị Hạnh tâm sự.
Giữa chốn lao tù, tiếng khóc trẻ thơ đã chạm vào trái tim những người phụ nữ, những người mẹ. Cô bé Hạnh được mẹ và các dì che chở, chăm sóc. Bà Mười Đào không có sữa cho Hạnh bú nên có gì ngon nhất, quý nhất thì mọi người lại để dành cho Hạnh. Lên 3 tuổi, Hạnh được giao nhiệm vụ làm "giao liên nhí".
Trong tù, bà Mười Đào được phân công giấu một chiếc radio. Cứ đêm tới, bà sẽ chui vào góc để nghe thông tin rồi truyền đi cho những bạn tù ở các phòng giam, từ trại giam này sang trại giam khác. Thời điểm đó, bé Hạnh được các dì may cho bộ bà ba đen từ vải vụn, vừa giúp giữ ấm vừa là công cụ truyền thông tin, khi thông tin được cất giấu sau những lần vải.
Mẹ kể, khi ở nhà tù Côn Đảo, giữa sự sống và cái chết, nỗi nhớ con khôn nguôi, đó cũng là động lực để mẹ tiếp tục tranh đấu. Lớn lên, tôi càng cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho mình sâu sắc và lớn đến nhường nào. Tôi luôn tự hào về mẹ. Tôi nghĩ bản thân cũng được thừa hưởng sự mạnh mẽ và cả tình yêu nước mãnh liệt của mẹ”.
Chị Bùi Thị Xuân Hạnh, con của cựu tù cách mạng Lê Thị Tâm
Năm 1970, bà Mười Đào bị kết án tù và bị đưa ra nhà tù Côn Đảo. Trước khi đi, bà tìm mọi cách đưa con gái ra ngoài. Sau đó, cô bé Hạnh được đưa ra khỏi nhà tù và về sống với bà ngoại ở Phú Yên. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, những người tù chính trị lên tàu rời Côn Đảo trở về Sài Gòn. Khi đó, Hạnh đã được 8 tuổi và theo ngoại vào Sài Gòn để đoàn tụ cùng mẹ.

Hình ảnh cô bé Bùi Thị Xuân Hạnh lúc 3 tuổi với bộ bà ba đen được các dì may từ vải vụn
Đến giờ, chị Hạnh vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc được gặp lại mẹ ở Trường THPT Trưng Vương - nơi tập hợp các người tù chính trị trở về từ Côn Đảo - sau bao nhiêu năm xa cách. "Tôi còn nhớ, khi đến, chiếc loa phóng thanh gọi tên đồng chí Lê Thị Đóa ra có người nhà gặp. Xa mẹ suốt 5 năm, lại còn nhỏ nên lúc đó ký ức của tôi về mẹ không còn.
Khi mẹ đi ra, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ bận nguyên bộ đồ đen, tóc búi củ tỏi, người ốm nhom...
Bà ngoại lúc đó mới nói: Là mẹ con đó. Tôi òa lên khóc", chị Hạnh nhớ lại. Sau đó, bà Mười Đào được phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ trong hệ thống chính trị địa phương tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Năm 2023, vì tuổi cao sức yếu, bà Mười Đào qua đời trong vòng tay yêu thương của gia đình, khép lại cuộc đời hoạt động cách mạng gian lao mà oanh liệt của bà.
Giờ đây, với chị Bùi Thị Xuân Hạnh, nỗi nhớ mẹ vẫn da diết. Mỗi khi nhớ mẹ, chị lại mang bức tranh mẹ thêu trong thời gian đang ở nhà tù Côn Đảo ra ngắm. Bức tranh thêu thể hiện hình ảnh một người mẹ đang phải chịu cảnh giam cầm sau song sắt, bên ngoài là cô con gái bé nhỏ.
Bên cạnh đó là hình ảnh của cây dừa và chiếc thuyền nhỏ đang hướng về phía mặt trời, thể hiện niềm hy vọng một ngày đất nước thống nhất, mẹ con được đoàn tụ. Trên bức tranh thêu còn có dòng chữ "thương nhớ gửi về con", "Kỷ niệm ngục tù côn đảo 2-6-72".

Sau ngày đất nước thống nhất, chị Ngô Thị Bé được mẹ chăm lo học hành rồi gắn bó với nghề may
Cùng mẹ "nằm gai nếm mật" qua 3 nhà tù
Cũng là một trong "những người tù không số", chị Ngô Thị Bé (54 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TPHCM) từng cùng mẹ mình - cựu tù cách mạng Phan Thị Quy - "nằm gai nếm mật" qua 3 nhà tù ở Huế, Côn Đảo và nhà tù Chí Hòa.
Năm nay, đã ở tuổi 80 nhưng bà Quy vẫn nhớ như in những năm tháng lửa đạn ác liệt và cả những trận đòn roi chốn ngục tù. Bà Quy kể, lúc ở Huế, gia đình bà là nơi nuôi giấu bộ đội, bản thân bà cũng làm giao liên từ lúc 15 tuổi.
"Năm 1971, khi Bé mới chừng 2 tháng tuổi thì tôi bị bắt. Lúc hai mẹ con được tàu chở ra nhà tù Côn Đảo, tôi cứ tưởng sẽ chết, lâu lâu lại phải kéo con dậy xem còn sống không", bà Quy kể.
Đất nước thống nhất, bà Quy sinh sống tại TPHCM. Chị Bé được mẹ nuôi nấng, chăm lo học hành, sau đó gắn bó với nghề may. "Đến giờ, tôi vẫn thường nghe mẹ kể lại những năm tháng chiến đấu. Trong tù, tôi đã được mẹ và các dì bảo bọc, chở che", chị Bé chia sẻ.
50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, những người mẹ - cựu tù cách mạng năm xưa giờ đây lưng đã còng, chân đã mỏi, mắt đã mờ, có người còn, người mất. Còn những đứa trẻ theo mẹ vào chốn lao tù ngày nào nay đã trưởng thành. những "người tù không số" ấy luôn lấy cha mẹ làm gương, tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, cho biết, ở chốn lao tù, các nữ chiến sĩ cách mạng vừa phải bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ con. Đến giờ, nhiều cựu tù cách mạng có con sinh ra hoặc lớn lên trong tù vẫn không thể nào hình dung được, trong điều kiện khốn cùng như vậy mà họ vẫn qua được.
"Đối với những "người tù không số", sau khi đất nước thống nhất, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Tại TPHCM, cũng có nhiều cháu thành đạt, làm quản lý hoặc làm chủ doanh nghiệp. Điều đáng mừng và tự hào là tất cả các cháu đều sống bằng sức lao động của mình, luôn nhớ đến những cống hiến, hy sinh của mẹ và thế hệ đi trước để tự giữ mình.
Với tôi, sau 50 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã có sự phát triển kỳ diệu. Tôi mong thế hệ trẻ sẽ biết trân quý hòa bình, độc lập tự do và cố gắng học tập, góp sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển", bà Hoàng Thị Khánh nhấn mạnh.
"Người tù không số" là cách gọi để chỉ con của nữ tù cách mạng được sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ và lớn lên trong tù. Họ không có án tù, không có số tù nhưng vẫn bị ở tù và chịu số phận của một người tù.