Việt Nam cần thiết áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm... Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng trong các giải pháp can thiệp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị nhằm giảm tiêu thụ và tác hại đối với sức khỏe cộng đồng.

Thông tin trên được Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng, do Bộ Y tế tổ chức.

Tiêu dùng các đồ uống có đường tại Việt Nam hiện ở mức cao

Bà Đinh Thị Thu Thủy nhấn mạnh đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại Việt Nam. Trung bình có 8/10 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Nghiên cứu cho thấy rượu bia, thuốc lá và dinh dưỡng là 3/5 yếu tố cao nhất gây bệnh không lây nhiễm.

Nghiên cứu ở 75 quốc gia cho kết quả mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% liên quan đến việc có thêm gần 5 người lớn thừa cân/100 người và hơn 2 người lớn béo phì/100 người; chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trên thế giới, đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Đường dạng lỏng hấp thụ trực tiếp vào máu và gan chuyển hóa rất nhanh, dẫn đến dư thừa năng lượng.

 Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay hiện đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy người uống đồ uống có đường thường xuyên đối mặt nguy cơ gia tăng các bệnh như đái tháo đường type 2, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Các nhóm bệnh này là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Nhiều người không biết chỉ một lon nước ngọt có ga 330ml chứa 10 thìa cà phê đường, tương đương khoảng 40g đường. Theo khuyến cáo của WHO, một ngày mỗi người không nên tiêu thụ quá 50g đường từ tất cả các nguồn.

Cũng theo bà Angela Pratt, tiêu dùng các đồ uống có đường ở Việt Nam hiện ở mức cao, đang có xu hướng gia tăng, tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ năm 2009-2023. Cụ thể từ 18,5 lít/người năm 2009 lên tới 66,5 lít/người năm 2023.

Theo các nghiên cứu của WHO cho thấy người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể tăng tới 6,75kg cân nặng nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác. Trẻ em uống nhiều đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ béo phì cao hơn 2,5 lần so với những trẻ không uống.

Nhấn mạnh đến những hệ lụy sức khỏe mà giới trẻ sẽ gặp phải do tiêu thụ đồ uống có đường, Phó giáo sư Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thế giới đã có những bài báo nghiên cứu trên 10 năm để đưa ra được những con số khuyến cáo cụ thể và nhìn thấy rõ hệ lụy về mặt sức khỏe với con người khi trưởng thành.

“Về mặt khoa học, chúng ta không thể chờ làm một nghiên cứu cho trẻ em Việt Nam về những hệ lụy sức khỏe gặp phải. Chúng ta không dùng người Việt Nam minh chứng cho cái mà thế giới đã có câu trả lời khoa học. Chúng ta không nên chần chừ đề xuất chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ mặt hàng này," bà Mai nhấn mạnh.

Khuyến nghị đánh thuế đồ uống có đường

Tiến sỹ Angela Pratt khuyến nghị đồ uống có đường mang nhiều nguy cơ tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Giải pháp hiệu quả được nhiều nước đang áp dụng để giảm tiêu thụ đồ uống này là tăng thuế. Việc áp dụng thuế khiến giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, từ đó giúp giảm tiêu dùng các sản phẩm này.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng trong các giải pháp can thiệp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị nhằm giảm tiêu thụ và tác hại đối với sức khỏe cộng đồng. Việc áp thuế mang lại hiệu quả bao gồm: Cải thiện sức khỏe cộng đồng; tăng thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.

Trên thế giới, số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng, từ 35 nước năm 2009 lên 104 vào năm 2023, trong đó ASEAN có 6 nước áp dụng thuế gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%.

Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Tài chính thống nhất phương án mặt hàng nước giải khát đưa vào trong Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và áp dụng 8% vào năm 2027 và 10% từ năm 2028," bà Thủy chia sẻ. Trong khi đó WHO và Bộ Y tế đề xuất mức thuế cần đạt 40% mới đảm bảo hạn chế tiêu dùng bảo vệ sức khỏe.

“Dù vậy chúng ta cần xem xét lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO. Hiện mức thuế đề xuất còn xa so với khuyến cáo, diện đánh thuế cũng khá hẹp," bà Thủy cho hay.

 Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Angela Pratt cho rằng, ngoài biện pháp truyền thông, nâng cao kiến thức cộng đồng, giải pháp hiệu quả để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường là giá. Theo đó, nếu áp dụng mức thuế tối ưu sẽ khiến cho giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

"Trên thế giới, hiện có 110 Chính phủ áp dụng thuế tiêu thụ với đồ uống có đường, giúp giảm lượng tiêu thụ mặt hàng giải khát này. Khi áp dụng thuế 'đôi bên cùng thắng' không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, giảm chi phí liên quan đến y tế mà còn có được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước," Tiến sỹ Angela Pratt chia sẻ.

WHO khuyến nghị Việt Nam cần khẩn trương ban hành các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường gồm đánh thuế đối với đồ uống có đường, bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là với trẻ em…

"Đánh thuế đồ uống có đường là giải pháp đôi bên cùng có lợi - một chiến thắng cho sức khỏe, giúp giảm chi phí y tế và là một chiến thắng cho ngân sách của chính phủ. Trên toàn thế giới, khoảng 110 chính phủ đánh thuế đồ uống có đường," Tiến sỹ Angela Pratt nhấn mạnh./.

Tại chương trình, Ban Tổ chức cũng phát động cuộc thi báo chí truyền thông về giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm với thời gian nhận bài từ 28/4 đến 11/6. Các bài dự thi bám sát thông điệp rõ ràng về tác hại, thực trạng tiêu dùng đồ uống có đường; đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-thiet-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-do-uong-co-duong-post1035761.vnp
Zalo