Giải 'tận gốc' vấn đề dạy thêm, học thêm thế nào?

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết tận gốc những tiêu cực xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Khi học sinh không còn chịu quá nhiều áp lực từ các kỳ thi vượt cấp, các em sẽ có thời gian theo đuổi đam mê, khám khá năng lực bản thân...

Từ hôm nay (14/2), Thông tư 29 về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Trong đó nổi bật là quy định không dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định, tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT là quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy đinh; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quan lý hoạt động này.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

Tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nội dung trong Thông tư chưa phải “liều thuốc” trị tận gốc vấn đề dạy thêm học thêm.

TS Đỗ Viết Tuân (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, hiện nay các kỳ thi chuyển cấp như thi vào 10, xét tuyển đại học vẫn rất căng thẳng. Tại Hà Nội, trường công lập mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của học sinh, tức có khoảng 40% sẽ phải theo học tại các trường ngoài công lập, Trung tâm GDTX, học nghề… Nhu cầu lớn, trong khi chỗ học hạn chế khiến các kỳ thi này ngày càng áp lực, trở thành cuộc đua “nóng bỏng”, gay gấn của nhà nhà, người người có con học lớp 9. Và nếu chỉ học trên lớp, rất khó để học sinh có thể cạnh tranh trong những kỳ thi này, bởi vậy nhu cầu bồi dưỡng kiến thức là rất lớn.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang chương trình GDPT mới, Bộ GD-DT xây dựng chương trình theo hướng giảm kiến thức hàn lâm, tăng kiến thức thực tiễn. Thay đổi này cũng khiến người học có cảm giác chương trình tương đối nặng. Nếu như trước đây học sinh học theo các mô típ, công thức có sẵn, thì trong chương trình mới tính mở cao hơn, kiến thức không chỉ gói gọn trong môn học đó nữa. Đơn cử như môn Ngữ văn, các đề kiểm tra đánh giá sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài nhà trường, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã được học để phân tích… Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cách thức học, khiến học sinh có cảm giác quá tải, cần giảm bớt lượng kiến thức hay học thêm để bổ sung kiến thức, song thực tế không phải vậy. Với chương trình mới, cả giáo viên và học sinh sẽ cần thời gian để thích nghi và làm quen.

Bên cạnh đó, TS Đỗ Viết Tuân cũng cho rằng, những tiêu cực trong dạy thêm học thêm tồn tại xưa nay cũng bắt nguồn từ chính cách kiểm tra đánh giá trong nhà trường. Nếu các trường vẫn giao cho 1 vài giáo viên phụ trách ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên thì sẽ vẫn còn tiêu cực, còn tình trạng phải đi học thêm thầy này cô kia để được điểm cao, làm đề thi “trúng tủ”. Nhưng nếu có thể tổ chức các kỳ kiểm tra mang tính chất khảo thí độc lập, lấy đề thi từ ngân hàng đề riêng theo ma trận sẽ giải quyết được tiêu cực trên.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên tại Hà Nội cũng cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Khi học sinh không còn chịu quá nhiều áp lực từ các kỳ thi vượt cấp, các em sẽ có thời gian theo đuổi đam mê, khám khá năng lực bản thân. Về phía giáo viên, nếu mức lương đủ cao, thầy cô cũng sẽ không cố tìm mọi cách để dạy thêm, có thêm thời gian đào sâu chuyên môn…

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cũng đồng quan điểm rằng, theo chương trình GDPT mới tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nếu đề thi thay đổi theo hướng này cũng sẽ tác động trở lại việc dạy và học, khi đó việc học thêm cũng sẽ giảm. Bên cạnh đó, chính phụ huynh và học sinh cũng cần nhận thức rõ nhu cầu của bản thân, khi nào cần học thêm và học thêm cái gì, học như thế nào, tránh việc học tràn lan tạo sự mệt mỏi, quá tải.

“Chỉ khi áp lực thi cử được giảm tải, trường lớp được xây thêm đáp ứng tốt quyền lợi của người học, lương giáo viên tăng thêm, để họ yên tâm gắn bó với nghề, không cần bươn chải, trông chờ vào việc dạy thêm, khi đó sẽ giảm những tiêu cực không đáng có”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cũng nhìn nhận, Thông tư nhằm siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm, hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực học tập không cần thiết cho học sinh. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, trong đó chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy thực tế rằng nhu cầu học bổ trợ kiến thức, đặc biệt với học sinh cuối cấp, là có thật. Vì vậy, việc thực hiện Thông tư này cần có lộ trình cụ thể, kết hợp với việc đổi mới kiểm tra đánh giá, thi cử, nâng cao chất lượng dạy học chính khóa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh và nâng lương cho giáo viên để đảm bảo cuộc sống”, ông Thuận nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-tan-goc-van-de-day-them-hoc-them-the-nao-post1154569.vov
Zalo