Giải quyết nghịch lý đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, đổi mới, sau khi tổ chức Chương trình Bàn tròn chính sách làm rõ cơ sở khoa học và pháp lý, Thường trực HĐND tỉnh Long An tiếp tục tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp (DN), cử tri về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án (DA) vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, làm cơ sở để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết (NQ) về vấn đề này.

Đưa thực tiễn vào nghị quyết

Nhằm đưa thực tiễn vào NQ, Hội nghị tham vấn về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các DA vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Với thành phần tham vấn là các chuyên gia về pháp luật, quản lý nhà nước về đất đai, đại diện các tổ chức hội, DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các lĩnh vực, cử tri, Thường trực HĐND, UBND các huyện vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh đã cung cấp cho Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh những cơ sở thực tiễn sinh động, toàn diện, chuyên sâu với các góc nhìn khác nhau, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, khách quan các loại vi phạm, giải pháp cho các vấn đề vướng mắc và quan điểm xử lý các vi phạm,...

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều phát biểu tại Hội nghị tham vấn

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều phát biểu tại Hội nghị tham vấn

Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao tinh thần cầu thị, chủ động, đồng hành, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh trong việc lắng nghe góp ý từ chuyên gia, DN, cử tri, MTTQ và chính quyền địa phương về dự thảo NQ chuẩn bị ban hành; bày tỏ đồng tình với đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh. Đó là thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều chính sách đồng bộ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. Với những chính sách và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, Long An là điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19.245 DN trong nước đăng ký hoạt động với số vốn gần 391.000 tỉ đồng; 1.366 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký gần 12,6 tỉ USD. Công tác thu hút đầu tư, thực hiện các DA vốn ngoài ngân sách đã góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh, từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển công nghiệp, các DA đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GRDP, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

Bên cạnh kết quả nổi bật đó, thu hút đầu tư cũng còn hạn chế, nhất là nhiều DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tiến độ triển khai còn chậm hoặc không triển khai, không đưa đất vào sử dụng, làm lãng phí tài nguyên đất đai, chậm tiến trình phát triển của tỉnh, mất cơ hội đầu tư của nhà đầu tư tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh thiếu lành mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận, cuộc sống của người dân.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, giai đoạn 2020-2024, tỉnh có 56 DA đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai; có 212 DA bị xử phạt vi phạm hành chính, chiếm 36,2% trong tổng số 585 DA được thanh tra, kiểm tra giai đoạn năm 2021 đến tháng 8/2024. Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 152 DA đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ hơn 24 tháng so với tiến độ chủ trương đầu tư lần đầu (trong đó, có 27 DA dân cư, đô thị; 21 DA sản xuất công nghiệp và 104 DA thương mại, dịch vụ). Và việc HĐND tỉnh ban hành NQ về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các DA vốn ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai là rất cần thiết, có tính đặc thù, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng cử tri.

Lời giải khả thi cho những nghịch lý

Về nội dung NQ, Thường trực HĐND tỉnh xác định đây là NQ về giải pháp qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với 152 DA ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Đây vừa là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với các DA đầu tư nói trên mà còn tạo tiền đề để giải quyết các nghịch lý kéo dài liên quan đến xử lý các DA chậm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tham vấn về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

Quang cảnh Hội nghị tham vấn về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

Trước hết, các quy định pháp luật về thu hồi DA, thu hồi quyền sử dụng đất đai rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng chưa thể xử lý dứt điểm.

Căn cứ quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư hiện hành và qua giám sát tình hình triển khai, thực hiện 152 DA vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, NQ phân thành 6 nhóm: (1) Nhóm DA không đưa đất vào sử dụng; (2) Nhóm DA chậm đưa đất vào sử dụng; (3) Nhóm DA sử dụng đất sai mục đích; (4) Nhóm DA không triển khai, thực hiện; (5) Nhóm DA chậm triển khai, thực hiện; (6) Nhóm DA triển khai, thực hiện không đúng chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, xác định 3 nhóm biện pháp áp dụng: Nhóm 1 là các DA thu hồi, bao gồm các loại vi phạm thuộc nhóm số 1, 4 nêu trên (đây là những DA không triển khai hoặc không đưa đất vào sử dụng do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư và đã hết tiến độ đầu tư); Nhóm 2 là các DA vi phạm được tiếp tục triển khai (đây là những DA có vi phạm thuộc nhóm số 2, 5 nêu trên nhưng do nguyên nhân khách quan và còn tiến độ đầu tư hoặc những DA có vi phạm thuộc nhóm số 1, 4 nêu trên nhưng chưa đủ điều kiện thu hồi DA theo quy định); Nhóm 3 là các DA vi phạm phải xử lý trước khi tiếp tục triển khai hoặc thu hồi (đây là những DA vi phạm thuộc nhóm số 2, 3, 5, 6 nêu trên chưa gia hạn, do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư, đã quá thời gian gia hạn nhưng do nguyên nhân khách quan của nhà đầu tư, chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước). Đối với từng nhóm biện pháp có xác định thời gian cụ thể để hoàn thành. Trong đó, xác định rõ thời gian xử lý đối với nhóm 1 không quá 24 tháng; nhóm 2 không quá 12 tháng để có tiến độ mới; nhóm 3 không quá 6 tháng để xác định cho tiếp tục thực hiện hay thu hồi, báo cáo kết quả đến HĐND tỉnh theo quy định.

Việc xác định loại vi phạm và biện pháp xử lý trong NQ là cụ thể hóa các quy định pháp luật hiện hành thành giải pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng, có thời gian nhất định nhằm tạo sự nhất quán, minh bạch, hạn định không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư mà còn là cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh, cử tri giám sát theo quy định.

Hai là, khi cử tri phản ánh, kiến nghị xử lý DA, nhà đầu tư kêu oan.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN và một số DN tỉnh cho biết, thực tế hiện nay, việc đầu tư, triển khai DA của DN bên cạnh thuận lợi cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thủ tục hành chính về tiếp nhận đầu tư, giãn tiến độ DA, thẩm định giá đất xác định nghĩa vụ tài chính còn nhiều bất cập, vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ DA.

Dự thảo NQ của HĐND tỉnh đưa ra giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, thúc đẩy tiến độ đối với các DA chậm triển khai không phải do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư được tiếp tục triển khai, trọng tâm là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng,... Yêu cầu trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh cần tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận đối với từng DA, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý theo đúng quy định pháp luật; xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan theo góc độ của DN, cơ quan quản lý nhà nước và pháp luật.

Ba là, khi chất vấn trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước giải trình là do DN không đủ năng lực, thiếu quan tâm, thiếu phối hợp.

Từ thực trạng của người chịu ảnh hưởng quy hoạch DA, qua tham vấn cử tri đã kiến nghị trong quy hoạch DA cần có phân kỳ triển khai cụ thể, không hạn chế quyền sử dụng đất của người dân trong vùng quy hoạch nhưng DA chưa thực hiện công tác kê biên, đền bù; chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm triển khai DA; kiên quyết xử lý DA “treo” kéo dài hơn 10 năm chưa triển khai; phải xây dựng khu tái định cư hoàn chỉnh để người dân có cuộc sống, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ trước khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ tối ưu cho người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện DA.

Chính vì vậy, trong NQ sẽ có giải pháp về rà soát phân kỳ đầu tư đối với các DA có nhu cầu sử dụng đất lớn và giải pháp ổn định đời sống, sản xuất cho người dân vùng DA vi phạm; đồng thời, yêu cầu xác định rõ việc DA có sử dụng đất chậm triển khai xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư hay cơ quan quản lý nhà nước. Nếu do chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước thì xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan.

Tóm lại, vấn đề đặt ra là làm sao phải giải quyết hiệu quả, đúng pháp luật các nghịch lý này; tạo sự đồng thuận cả phía chủ đầu tư và người dân có quyền lợi liên quan. Và NQ của HĐND tỉnh chuẩn bị ban hành sẽ là lời giải kịp thời, khả thi, gắn với trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư, là cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư, sự bình đẳng trong giải quyết các tranh chấp pháp lý về đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cần đổi mới tư duy về thu hút đầu tư

Đã đến lúc cần đặt nặng hiệu quả thu hút đầu tư hơn kết quả thu hút đầu tư để thoát khỏi thực trạng có nhiều DA đăng ký nhưng ít DA triển khai. Đồng thời, nhận thức rõ rằng, việc xử lý, thu hồi DA theo NQ của HĐND tỉnh có ảnh hưởng đến DN nào đó nhưng đó là chấp hành quy định pháp luật, không thể làm khác; là bước cuối cùng phải thực hiện của quy trình mang tính cam kết đồng hành xuyên suốt với DN của chính quyền tỉnh: Rà soát - kiểm tra - hỗ trợ - gia hạn - thu hồi DA. Việc xử lý này sẽ tạo ra hiệu ứng mới, tích cực hơn trong thu hút đầu tư. đó là sự công bằng, bình đẳng, có lợi nhiều hơn cho cộng đồng DN do có cơ hội đầu tư tốt hơn, làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, chống lãng phí đất đai, kiến tạo động lực mới phát triển KT-XH tỉnh nhanh, bền vững.

Với tinh thần trên, tin rằng NQ này sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư của tỉnh, thúc đẩy nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và hướng đến mục tiêu xây dựng Long An thành điểm đến đầu tư thân thiện - hiệu quả - an toàn./.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giai-quyet-nghich-ly-doi-voi-cac-du-an-dau-tu-ngoai-ngan-sach-co-su-dung-dat-lanh-manh-hoa-moi-truong-dau-tu-nang-cao-hieu-qua-thu-hut-dau-tu-a190862.html
Zalo