Vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thực hiện Dự án RECAF Ninh Thuận

Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để thực hiện Dự án Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sáng 24/2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp lần thứ 24.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua 6 nghị quyết quan trọng tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đặc biệt thống nhất phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ thực hiện Dự án "Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tỉnh Ninh Thuận” (Dự án RECAF Ninh Thuận).

Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, Dự án RECAF Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án tại Quyết định số 1312/QĐ-TTg ngày 09/11/2023; Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 và Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 24/12/2024.

Quy mô dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 là thúc đẩy chính sách và môi trường thể chế cho việc lập kế hoạch và thực hiện giảm khí thải; hợp phần 2 phát triển kinh tế nông thôn không gây mất rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp phần 3 là quản lý dự án. Dự kiến, dự án triển khai ở 23 xã thuộc 4 huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Bắc.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư trên 441 tỷ đồng, tương đương khoảng trên 19 triệu USD. Đây là dự án nhóm B; loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp IV.

Trong tổng mức đầu tư trên, vốn vay từ Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) là 10 triệu USD, tương đương khoảng 230 tỷ đồng, chiếm 52,12% trên tổng vốn đầu tư dự án; vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) là 5,5 triệu USD, tương đương khoảng trên 126 tỷ đồng, chiếm 28,67% trên tổng vốn đầu tư dự án.

Ngoài ra, dự án còn sử dụng vốn đối ứng của ngân sách nhà nước trên 3,6 triệu USD, tương đương khoảng 84,7 tỷ đồng, chiếm 19,21% trên tổng vốn đầu tư dự án.

Vốn vay từ IFAD được tỉnh Ninh Thuận sử dụng thực hiện tiểu hợp phần gồm: chi phí xây dựng; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng.

Dự án được thực hiện trong 3 năm, triển khai từ năm 2025 đến năm 2027. Thời hạn vay vốn và trả lãi suất là 25 năm, trong đó 5 năm ân hạn; trả gốc và lãi định kỳ 2 lần trong năm với mức lãi suất 5,93% mà IFAD dành cho Việt Nam.

Dự án góp phần giảm thiểu khí thải do mất rừng, suy thoái rừng thông qua giải quyết các nhân tố trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả để phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng, đồng thời trao quyền, cải thiện khả năng thích ứng của các cộng đồng và thể chế mục tiêu nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo trong cộng đồng, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Tại Ninh Thuận, Dự án do Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định đầu tư. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ thành lập Ban quản lý dự án điều hành, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư thực hiện dự án.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất biểu quyết nghị quyết tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng thời miễn nhiệm và bầu bổ sung Trưởng ban, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

 Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chúc mừng lãnh đạo các sở, ngành sau khi tỉnh thực hiện sáp nhập các cơ quan, đơn vị. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chúc mừng lãnh đạo các sở, ngành sau khi tỉnh thực hiện sáp nhập các cơ quan, đơn vị. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân tỉnh miễn nhiệm chức danh ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hồ Sĩ Sơn; ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Sở Tài chính; ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ do chuyển công tác khác.

Đồng thời Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Phạm Quốc Vinh nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương; ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Thành Phú, Giám đốc Sở Tài chính và bà Pi Năng Thị Hốn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo sau khi tỉnh thực hiện sáp nhập các cơ quan, đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vay-lai-nguon-von-vay-nuoc-ngoai-cua-chinh-phu-thuc-hien-du-an-recaf-ninh-thuan-post1013979.vnp
Zalo