Làm rõ thiết kế và thực tế hiện trường của những dự án Báo CAND phản ánh
Ngay khi Báo CAND đăng bài 'Những dự án điêu đứng vì… thiết kế', ông Nguyễn Mậu Thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chủ trì buổi làm việc với các bên liên quan để làm rõ nguyên nhân vì sao hai dự án lớn tại địa phương phải dừng thi công.
Như Báo CAND đã thông tin, dự án Kè chống sạt lở, giảm ngập lụt suối Đa Tam, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn 48,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp bách, phòng chống thiên tai từ ngân sách Trung ương là 43,5 tỷ đồng, số tiền còn lại là ngân sách của huyện Đức Trọng.
Do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và hồ sơ thiết kế mời thầu không đúng với thực tế hiện trường, sau một thời gian thi công, dự án này đã phải tạm dừng. Hiện nay, nguồn vốn cấp bách, phòng chống thiên tai từ ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án này đã bị thu hồi do thi công không đúng tiến độ.

Thiết kế dự án Hệ thống thoát nước hạ lưu trung tâm huyện Đức Trọng lấy loại đất này làm đất đắp đường buộc nhà thầu phải tạm dừng thi công ngay khi vừa khởi công.
Trong khi đó, dự án hệ thống thoát nước hạ lưu trung tâm huyện Đức Trọng cũng lâm vào cảnh tương tự. Ngay khi khởi công, dự án đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế mà chủ đầu tư đưa ra khi mời thầu bị đơn vị thi công cho là không đúng với thực tế ở hiện trường.
Về dự án hệ thống thoát nước hạ lưu trung tâm huyện Đức Trọng, đại diện nhà thầu cho biết, mặt bằng thi công chưa được thu hồi đất và giải phóng mặt bằng theo hồ sơ thiết kế nên không thể đưa máy móc vào làm việc. Đơn vị thi công đã đào đất từ cọc C130 đến KC dài khoảng 500m, phát hiện các lớp đất thực tế không đúng với hồ sơ khảo sát địa chất và hồ sơ thiết kế nên không thể sử dụng nguồn đất tại chỗ để đắp đường theo hồ sơ thiết kế. Đất tại dự án chủ yếu là bùn đen và đá bàn nhưng hồ sơ thiết kế cũng không có bãi đổ thải. Đất tại chỗ không đảm bảo tiêu chuẩn để làm đất đắp đường theo hồ sơ thiết kế mà cần phải lấy đất từ nơi khác tới…

Dự án Kè chống sạt lở, giảm ngập lụt suối Đa Tam cũng đã tạm dừng thi công vì nhà thầu cho rằng hồ sơ thiết kế không đúng thực tế và vướng mắc về mặt bằng.
Đại diện đơn vị khảo sát địa chất là Công ty TNHH kiểm định xây dựng Đại Minh 79 cho biết, công ty đã đào thủ công 28 vị trí với chiều sâu từ 1 đến 2m. Khi đào đến độ sâu 2m gặp đá tảng, không thể đào được nữa. Do vậy, công ty đã sử dụng phương pháp nội suy và cho kết quả khảo sát: lớp 1 và 2 là đất bùn, hữu cơ, lớp 3 là đất xám, lớp 4 là đá tảng. Trong khi đó, theo đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng C.T.H Đà Lạt, hồ sơ thiết kế dự án này được lập trên cơ sở khảo sát địa chất được chủ đầu tư nghiệm thu, phê duyệt.
Trước thực trạng trên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đức Trọng đề nghị lựa chọn đơn vị khảo sát độc lập để kiểm định lại kết quả khảo sát địa chất và thiết kế.
Ông Nguyễn Mậu Thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng giao chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp toàn bộ hai dự án trên báo cáo đề xuất UBND huyện và cấp có thẩm quyền giải quyết.