112 dự án chậm tiến độ tại Quảng Nam

Phần lớn trong số 112 dự án chậm tiến độ triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng.

Báo cáo của UBND tỉnh gửi Tỉnh ủy Quảng Nam ngày 18/2 ghi nhận 112 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ trên hai năm.

Trong đó, có 10 dự án chậm trên 10 năm so với chủ trương đầu tư ban đầu, 36 trường hợp chậm từ 5-10 năm và số lượng lớn nhất thuộc về 66 trường hợp chậm 2-5 năm.

Nhiều dự án khu đô thị, du lịch tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn trì trệ. Ảnh: Hoàng Anh

Nhiều dự án khu đô thị, du lịch tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn trì trệ. Ảnh: Hoàng Anh

Thuộc trạng thái ì ạch hơn thập kỷ, là những dự án du lịch nghỉ dưỡng, đô thị nhà ở nhận chủ trương từ ngót 20 năm nay, như dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản du lịch Hà My của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My.

Nắm vai trò chủ đầu tư 36 dự án nhà ở, đô thị nghỉ dưỡng chậm tiến độ từ 5-10 năm, xuất hiện một số tên tuổi khá quen mặt trên thị trường bất động sản gồm: Công ty CP Tập đoàn Royal Capital, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, Công ty CP Bách Đạt An, Công ty CP Đầu tư Năm Sao, Công ty CP Đầu tư Hội An - Thái Bình Dương.

Giai đoạn 2013-2014 chứng kiến nhiều dự án sinh thái, nghỉ dưỡng ra đời như Hội An Golden Sea trị giá 500 tỷ đồng cấp cho Công ty CP Đầu tư Năm Sao, khu du lịch sinh thái Cồn Bắp 950 tỷ đồng – Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp, khu du lịch Nam Cổ Cò, Khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao Hội An – Holiday của Công ty CP Đầu tư Hội An – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tới nay, những trường hợp này đều chưa thể về đích dù đã trải qua thanh tra và được gia hạn tiến độ. Đơn cử, Hội An Golden Sea và khu du lịch Nam Cổ Cò từng được bốn lần điều chỉnh về vốn, tên dự án, quy mô nhưng hiện vẫn tiếp tục chậm.

Đứng đầu về số lượng dự án chậm tiến độ gần năm năm là Công ty CP Bách Đạt An. Theo đó, chín dự án – hầu hết có mục tiêu xây dựng khu đô thị và dân cư - do đơn vị này nắm giữ đều có quy mô chiếm đất và giá trị đầu tư ở mức dưới 50ha và chưa tới 200 tỷ đồng mỗi trường hợp.

Cụ thể như dự án khu đô thị Sentosa City (7B và 7B mở rộng), Sentosa Riveside, Hera Complex Riverside, khu đô thị Bách Đạt…

Như TheLEADER thông tin, khoảng hai năm trước, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành một công văn khiến không ít nhà đầu tư bất động sản gặp khó trong thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư dự án.

Cụ thể, theo văn bản 2179, đối với khu vực được phép chuyển nhượng dưới hình thức phân lô bán nền, ở những vị trí bắt buộc phải xây nhà, chủ đầu tư phải xây dựng hoàn thành tối thiểu phần thô và mặt tiền ngôi nhà (bên cạnh việc phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuât, xã hội theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500).

Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư theo đó vẫn “nợ” tiền sử dụng đất với ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, thủ tục gia hạn tiến độ cho nhiều dự án kéo dài, thậm chí vài tháng dẫn tới tình trạng khi có được văn bản gia hạn tiến độ thì chủ đầu tư đã “mất” vài tháng, loay hoay lại tiếp tục xin gia hạn mới.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/112-du-an-cham-tien-do-tai-quang-nam-d39112.html
Zalo