Giải pháp nào cho người lao động mất việc?
Hiện tại, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng, gặp khó trong xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm… nên đã thỏa thuận cắt giảm lao động, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt lao động, làm ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, việc làm của nhiều người lao động.NGƯỜI LAO ĐỘNG GẶP KHÓ
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, trong thời gian qua và hiện nay kinh tế trong nước vẫn còn bị ảnh hưởng và dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh bị cắt giảm đơn hàng, từ cuối năm 2022 đến nay đã có trên 28.000 lao động bị ảnh hưởng (trên 3.200 lao động mất việc; trên 4.700 lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; trên 19.000 lao động phải giảm, giãn giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập, chủ yếu là các ngành may mặc, giày da, thủy sản); cùng với đó là nhiều người lao động của tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác mất việc làm quay về tỉnh.
Số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 13.000 người (số liệu cao nhất từ trước đến nay). Do đó, làm cho cuộc sống nhiều người lao động gặp khó khăn, đã đặt ra yêu cầu cấp bách giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Chị Trần Thị Kim Tơ (xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, để lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp. Chị Tơ cho biết: “Tôi làm công nhân cho Công ty TNHH Hansae Tiền Giang (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) gần 8 năm, với thu nhập mỗi tháng 8 triệu đồng. Khi công ty gặp khó khăn, bị thiếu đơn hàng, đã cắt giảm lao động với những người lao động mới, lao động ký hợp đồng ngắn hạn và giữ lại lao động ký hợp đồng dài hạn.
Ngoài ra, công ty còn cho công nhân đăng ký nghỉ việc tự nguyện và tôi đã đăng ký nghỉ việc do phải chăm con nhỏ. Khi đó tôi cũng như các công nhân nghỉ việc khác được công ty hỗ trợ một khoản tiền để xoay xở trong thời gian tìm kiếm công việc mới. Qua 7 tháng thất nghiệp, với số tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (hơn 3 triệu đồng/tháng), cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn, do đó tôi đang kiếm chỗ gửi con, để tìm việc đi làm lại”. Mong muốn của chị Tơ lúc này là công ty nào cũng có nhiều đơn hàng, để không phải cắt giảm lao động, và những công nhân mất việc, giãn việc như chị có thể tìm được việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Tương tự, chị Phan Thanh Duy (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho hay, chị nhận bảo hiểm thất nghiệp đã được 3 tháng. Trước đây, chị làm công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) được 2 năm, thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Do công ty cắt giảm lao động, nên chị về quê, buôn bán nhỏ tại nhà.
“Hiện tại, có không ít công ty bị cắt giảm đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc, nên kiếm việc làm mới cũng khó khăn. Với tình hình này, tôi lo lắng sẽ khó tìm được việc làm mới; còn những công nhân đang làm việc tại các công ty thì sống nhờ vào công ty có đơn hàng để tăng ca, thì mới có thu nhập cao. Do đó, công nhân, lao động luôn mong công ty có nhiều đơn hàng để có việc làm và tăng thu nhập”, chị Duy chia sẻ.
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH xác định công tác giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động là nhiệm vụ hàng đầu của ngành; đồng thời, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Sở LĐTB&XH đã tăng cường chỉ đạo đôn đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành, thị rà soát nắm bắt tình hình lao động mất việc; tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối việc làm và tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài (hiện nay đã liên kết với 30 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài).
Thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở LĐTB&XH đã triển khai các nội dung đầu tư thiết bị để xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến; các nội dung thu thập, thống kê, phân tích và phổ biến thông tin thị trường lao động, đây là các điều kiện để thúc đẩy kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 7.500/16.000 lao động (đạt khoảng 47% so với kế hoạch năm), trong đó từ hoạt động cho vay giải quyết việc làm trên 2.600 người; đã tổ chức 25 phiên giao dịch, ngày hội việc làm ở tỉnh và các huyện, các trường, thu hút trên 4.500 người lao động, học sinh, sinh viên và các đoàn thể, hội viên, đoàn viên tham gia; có trên 1.200 người được tuyển dụng.
Trong tháng 7-2023, Sở LĐTB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức Ngày hội Việc làm cấp tỉnh; các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phước, TX. Cai Lậy tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm; các huyện còn lại đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, tổng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài là 249 lao động, đạt 83% kế hoạch năm (trong đó Nhật Bản là 214 lao động), dự kiến cuối năm 2023 có 400 người tham gia xuất khẩu lao động, đạt 133% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương cũng thông tin thêm về nguyên nhân người lao động nghỉ việc, đăng ký thất nghiệp nhiều là do giờ làm bị giảm, thu nhập giảm kéo dài qua nhiều tháng nên nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm khác. Tuy nhiên, hiện vẫn có doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhưng số lượng tuyển không nhiều, không đa dạng công việc (do nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiếu đơn hàng phải giảm công nhân, giảm giờ làm).
Bên cạnh đó, người lao động trước mắt hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc quay trở lại thị trường lao động ngay. Chính vì vậy, việc kết nối việc làm được quan tâm đẩy mạnh và thực hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương, trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở LĐTB&XH tiếp tục bám sát các chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện các giải pháp như tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, rà soát, thống kê tình hình lao động mất việc làm, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh các chính sách phù hợp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.
Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các địa phương tổ chức tuyên truyền, kết nối việc làm, trong đó tập trung giải quyết việc làm cho người đăng ký thất nghiệp để quay lại thị trường lao động. Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm mang tính bền vững.