Đến thời điểm tách bạch vị trí chủ tịch và tổng giám đốc
Năm nay, khi hết nhiệm kỳ tối đa 5 năm từ khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, doanh nghiệp bắt buộc phải tách bạch vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Gần đây, khi một công ty bị xử phạt liên quan việc Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc là hai cha con, các doanh nghiệp đã bắt đầu thúc đẩy quá trình tách bạch hai vị trí quan trọng này.
Tại Công ty cổ phần City Auto, ông Trần Lâm, con trai ông Trần Ngọc Dân, Chủ tịch HĐQT vừa được bầu vào vị trí Tổng giám đốc ngày 3/12/2024, nhưng tới ngày 3/1/2025 bất ngờ từ nhiệm với lý do cá nhân.
Được biết, ông Trần Lâm sinh năm 1983, đồng thời là cổ đông lớn thứ ba tại City Auto, khi sở hữu hơn 7,5 triệu cổ phiếu, chiếm 8,4% vốn điều lệ.
Trước đó, tháng 7/2020, ông Lê Viết Hiếu, con trai Chủ tịch Lê Viết Hải được bầu vào vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Tuy nhiên, tới tháng 7/2022, ông Lê Viết Hiếu bất ngờ thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc và chuyển sang giữ vị trí Phó tổng giám đốc thường trực.
Lý giải về việc từ nhiệm của ông Lê viết Hiếu, Xây dựng Hòa Bình cho biết, Công ty thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về tách bạch vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Thực tế, trên sàn vẫn còn doanh nghiệp chưa tách bạch hai vị trí quan trọng nói trên như trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC). Trong đó, ông Đào Hữu Huyền đang là Chủ tịch HĐQT, trong khi con trai ông là Đào Hữu Duy Anh giữ vị trí Tổng giám đốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang là người có liên quan tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Đức Giang cho biết, nhiệm kỳ của HĐQT còn 2 năm, khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ từ chức để đảm bảo quy định.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã SSI), ông Nguyễn Duy Hưng đang làm Chủ tịch HĐQT và em trai ông Hưng là ông Nguyễn Hồng Nam là Tổng giám đốc. Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK), bà Đặng Mỹ Linh giữ chức Chủ tịch HĐQT và anh trai bà là Đặng Triệu Hòa làm Tổng giám đốc.
Được biết, điểm b, khoản 5, Điều 162, Luật Doanh nghiệp quy định: “Đối với công ty đại chúng, tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ”.
Điều 218, Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định chuyển tiếp liên quan vấn đề chủ tịch và tổng giám đốc công ty đại chúng là người thân. Đó là, đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện theo ủy quyền mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 14; khoản 3, Điều 64; khoản 3, Điều 93; khoản 3, Điều 101; các điểm a, b và c, khoản 3, Điều 103; điểm d, khoản 1, Điều 155’ điểm b, khoản 5, Điều 162 và khoản 2, Điều 169, Luật Doanh nghiệp 2020 được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Thêm nữa, Luật Doanh nghiệp quy định nhiệm kỳ tổng giám đốc của một doanh nghiệp không quá 5 năm và có thể bổ nhiệm lại với nhiệm kỳ không hạn chế.
Như vậy, năm 2025 là năm mà các doanh nghiệp buộc sẽ phải tách bạch vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc khi nhiệm kỳ bổ nhiệm trước đó hết hiệu lực.
Nhiều doanh nghiệp đã tách bạch kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực.
Tại Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2023, ông Vũ Ngọc Sơn là Chủ tịch HĐQT và con trai Vũ Thanh Hải giữ vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, tháng 6/2023, ông Vũ Ngọc Sơn từ nhiệm và giao lại vị trí Chủ tịch HĐQT cho ông Vũ Thanh Hải, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Tuấn lên vị trí Tổng giám đốc.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Nam Việt, trước năm 2020, ông Doãn Tới kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2020 tới nay, ông Doãn Tới chỉ giữ chức vụ Tổng giám đốc và Công ty bổ nhiệm ông Đỗ Lập Nghiệp giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Nói về vấn đề tách bạch vị trí chủ tịch và tổng giám đốc, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ Đầu tư ECI Capital cho rằng, việc tách bạch này nếu chỉ mang tính chất hình thức, thì không có nhiều ý nghĩa, nhưng nếu thực sự diễn ra sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tăng cường yếu tố kiểm soát, vì hội đồng quản trị sẽ kiểm soát ban điều hành, nên giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro cho các cổ đông nhỏ không kiểm soát doanh nghiệp.