'Giải oan' cho trứng: Số trứng nên ăn đối với người sợ cholesterol
FDA đưa trứng vào danh sách 'thực phẩm lành mạnh', trong khi một nghiên cứu ở Trung Quốc cũng 'giải oan' cho món bị cho là làm tăng cholesterol này.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa viết lại quy định về "thực phẩm lành mạnh" đầu tiên sau 30 năm với nhiều thay đổi đáng chú ý. Trong đó, trứng - vốn bị đổ lỗi là làm tăng cholesterol - cùng với cá hồi được đưa vào danh sách, trong khi bánh mì trắng bị loại.
Gần như song song, một nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học gia cầm Giang Tô - Trung Quốc vừa đưa ra con số bất ngờ liên quan lượng trứng mà chúng ta nên ăn trong tuần.
Trên tạp chí Poultry Science, nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ đã xem xét tài liệu dinh dưỡng từ năm 2002-2022, phát hiện rằng hầu hết các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ trứng không làm tăng nguy cơ béo phì, cholesterol như nhiều người nghĩ.
"Đáng ngạc nhiên là hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy những chất dinh dưỡng này làm giảm khả năng béo phì thông qua điều hòa chuyển hóa lipid (mỡ)" - tờ News-Medical trích dẫn nghiên cứu.
Bài đánh giá cũng lưu ý rằng phản ứng của từng cá nhân đối với cholesterol trong chế độ ăn uống là khác nhau.
Đó là lý do một số người được phân loại là "phản ứng cao" có thể gặp phải những thay đổi đáng kể về mức cholesterol khi ăn trứng quá thường xuyên, nhưng đa số người khác thì không như vậy.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của lời khuyên về chế độ ăn uống được cá nhân hóa, thay vì "đổ lỗi" cho một món ăn chỉ vì nó tác động lên một nhóm nhỏ.
Đáng chú ý, việc lựa chọn phương pháp nấu ăn được phát hiện là làm thay đổi đáng kể thành phần dinh dưỡng của trứng, do đó ảnh hưởng đáng kể đến kết quả sinh lý của chúng đối với sức khỏe con người.
Cụ thể, trứng luộc lòng đào được xác định là phương pháp tối ưu, giữ lại các chất dinh dưỡng có lợi nhất so với trứng luộc chín hoặc trứng chiên.
Trước đó, một số nghiên cứu đã cho thấy việc dùng dầu mỡ để chiên, ốp la trứng mới là nguyên nhân chính khiến các chỉ số cholesterol xấu đi, dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ.
"Khi lượng tiêu thụ hằng tuần từ 7-8 quả trứng, những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường (dưới 25) không có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì và đang tối đa hóa lượng chất dinh dưỡng hấp thụ" - các tác giả tuyên bố.
Nếu chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh, tiêu thụ dưới 10 quả trứng mỗi tuần vẫn là mức chấp nhận được.
Trứng là một trong những nguồn cholesterol giàu nhất trong chế độ ăn uống. Lòng đỏ trứng chứa khoảng 2,7g cholesterol trên 100g.
Hàm lượng cholesterol cao trong trứng đã góp phần làm giảm lượng tiêu thụ trứng từ 30–40 năm trước, mặc dù nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng không có mối tương quan giữa lượng tiêu thụ trứng và mức cholesterol cao trong huyết tương.
Hồi tháng 11, một nhóm nghiên cứu từ Đại học California ở San Diego (UCSD - Mỹ) cũng chỉ ra rằng người ăn vài quả trứng mỗi tuần đôi khi còn có mức cholesterol thấp hơn những người không hoặc hầu như không ăn.
Nhóm UCSD giải thích rằng cholesterol trong trứng, bên cạnh protein và axit amin, cũng có vai trò nhất định trong việc bảo vệ các cấu trúc thần kinh.
Hơn nữa, cholesterol trong trứng thực ra có cả loại xấu LDL và loại tốt HDL, một cái thúc đẩy tình trạng máu nhiễm mỡ, cái kia lại ngăn ngừa. Trứng cũng giàu omega-3, có thể hạn chế tăng triglyceride - một thành phần khác của mỡ máu.